Diễn đàn Kiểm soát tài sản quan chức, cách nào?

Không liêm, gương mờ cho cấp dưới

 Một thời gian dài chỉ kê khai mà không công khai tài sản cán bộ công chức. Ảnh: Như Ý
Một thời gian dài chỉ kê khai mà không công khai tài sản cán bộ công chức. Ảnh: Như Ý
TP - “Trên phải nghiêm khắc, phải là một tấm gương sáng thì mới làm gương cho cấp dưới được. Các cụ vẫn nói thượng bất chính hạ tác loạn, nếu cấp trên không liêm chính, minh bạch thì đó là tấm gương mờ cho cấp dưới và họ cứ thế làm theo”- Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tiếp tục trao đổi với Tiền Phong.

Bịt lỗ hổng cơ chế: Phải giải trình về tài sản

Có phải cơ chế, pháp luật đang có kẽ hở mà chúng ta vẫn chưa thay đổi được, chưa có một cơ chế đủ minh bạch, đủ mạnh để chống tham nhũng?

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến việc công khai minh bạch là rất đúng. Chỉ có công khai minh bạch từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, phân phối đầu tư, tài chính ngân sách và cả thu nhập thì lúc đó chúng ta mới kiểm soát được thu nhập của cán bộ công chức.

Một thời gian dài, chúng ta kê khai nhưng lại không công khai, không ai ngó ngàng tới. Phải kê khai, công khai hằng năm để thấy giá trị tài sản gia tăng của cán bộ hằng năm là bao nhiêu, nếu cao đến mức không giải trình nổi từ đâu thì đó chính là tham nhũng.

“Chọn người tài, đức không khó. Trong cơ quan quần chúng người ta biết cả, nhưng đôi khi người thực đức, thực tài không được vào chung kết mà bị trượt ngay vòng sơ tuyển vì không có quan hệ, không phải ngoại lệ, không có tiền tệ và cũng không phải là đồ đệ chịu luồn cúi”.

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến

Nếu anh có tài sản gia tăng mà anh chứng minh được thì đó là chuyện rất bình thường. Nhưng lâu nay, chúng ta đã bỏ quên nghĩa vụ phải chứng minh, giải trình về tài sản. Đó là nguyên nhân dẫn tới không kiểm soát được thu nhập, tài sản. Tôi thấy có những cán bộ cấp phòng của ta, chỉ trong một thời gian ngắn tài sản tăng lên tới cả chục tỷ mà không phải giải trình gì. Đó rất có thể chính là tài sản phi pháp. Công khai minh bạch tài sản chính là một giải pháp để phòng chống tham nhũng, để chúng ta có được những vị quan thanh liêm trong sạch. Đồng thời, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ những vị quan không thanh liêm? 

Nếu đã chứng minh là có tiêu cực, tham nhũng thì phải đưa ra xét xử thật nghiêm minh. Và phải tạo ra một làn sóng tâm lý, phẫn nộ đối với những người tham nhũng hưởng thụ trên những đồng tiền của nhân dân. Thế nhưng lâu nay không ít vụ việc chúng ta lại xử lý theo kiểu dĩ hòa vi quý, tạo nên sự êm ấm đóng cửa bảo nhau trong đơn vị cơ quan. Người đứng đầu, khi thấy có sự việc trong cơ quan, sợ trách nhiệm cá nhân đã không kiên quyết làm ra lý lẽ, có khi lại che lấp đi. Không phương hại đến mình, không động đến ta thì ta cũng không động đến mi. Họ ngại va chạm, ngại tố cáo nhau. Anh nói ra tôi, tôi sẽ tố cáo anh việc A việc B, đó là thái độ dĩ hòa vi quý, rất hại.

Còn có một tâm lý nữa đó là ngại, sợ khi đấu tranh với những ông quan tham nhũng. Sợ quan tham chưa bị xử nhưng không khéo chính mình đã bị loại khỏi bộ máy. Chưa kể là quan tham sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn đê hèn để trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng. Chúng ta chưa có cơ chế tốt để bảo vệ họ. Cho nên xử lý quan tham vẫn rất khó khăn.

Hòn đá tảng cản đường

Đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn nói “Dân ăn cắp con gà, con bò thì bỏ tù... còn quan chức tham nhũng bạc tỷ có khi chỉ bị xử lý nhẹ nhàng...”. Nhìn vào khối tài sản quá lớn của một số quan chức trong khi những người dân nghèo chỉ có túp lều tranh rách nát, hay hình ảnh học sinh, cô giáo vùng cao phải chui vào túi ni lông để qua suối, ông có cảm xúc gì?

Có lần tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã phát biểu về chủ đề tham nhũng lãng phí là hai anh em sinh đôi - hòn đá tảng cản đường cất cánh của đất nước. Tôi có nói hình ảnh rằng nhiều lúc dân thấy mất lòng tin khi có sự bao che, dung túng, thiên vị trong xử lý cán bộ vi phạm. Dân người ta ví von rằng “mèo ăn miếng thịt thì tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than”. Đó chính là sự bất bình đẳng. 

Người dân khi quá túng quẫn, có thể lấy đi mươi cân thóc, lấy tài sản gì đó của nhau, mình xử cực kỳ nghiêm khắc. Nhưng khối tài sản khổng lồ của nhà nước bị quan tham cấu kết chiếm đoạt thì mình lại cho qua hay xử rất nhẹ. Tôi thấy đó là sự bất công vì bất kể hành vi vi phạm nào của dân hay của quan cũng đều phải xử lý nghiêm như nhau. Hành vi tham nhũng càng lớn, hậu quả càng nghiêm trọng, chức vụ càng lớn càng phải xử lý nghiêm. Không thể để tâm lý trong dân như vậy được. 

Hiện nay quan tham thường câu kết từ dưới lên trên, người này móc với người kia, cho nên đôi khi họ bịt được kẽ hở để che mắt cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhóm lợi ích đục khoét ngân khố quốc gia là lớn nhất, làm cho đất nước lụn bại.

Trong sáng mới chọn được người trong sáng

Để có những ông quan thanh liêm, phải làm gì, phải bắt đầu từ giáo dục quan trí hay là siết kỷ cương?

Tôi cho là giáo dục và siết kỷ cương rất quan trọng. Thực ra có rất nhiều giải pháp khác nữa. Thứ nhất là tuyển dụng, đề bạt cán bộ phải rất chặt chẽ, công khai minh bạch. Phải chọn được người thực tài, thực đức, tức là người có tài thật, có đức thật. Chọn người tài, đức không khó. Trong cơ quan quần chúng người ta biết cả, nhưng đôi khi người thực đức, thực tài không được vào chung kết mà bị trượt ngay vòng sơ tuyển vì không có quan hệ, không phải ngoại lệ, không có tiền tệ và cũng không phải là đồ đệ chịu luồn cúi.

Người đứng đầu tuyển dụng trong các cơ quan phải rất minh bạch, công tâm, trong sáng. Anh phải rất trong sáng thì mới chọn được người trong sáng. Nếu anh không trong sáng thì anh không thể chọn được người trong sáng, người thực đức, thực tài. Khâu giáo dục cũng phải làm thường xuyên, phải tạo dư luận để xã hội lên án quan tham. Quan tham không có chỗ dung thân trong xã hội và cơ quan mình. 


Ngay bây giờ phải sửa đổi các văn bản pháp luật theo tinh thần phòng là chính, phòng là để chống. Các quy định phải chặt chẽ, không có kẽ hở để quan tham lợi dụng. Ví dụ phải sửa luật đấu thầu để họ không lợi dụng quân xanh quân đỏ trục lợi. Sửa Luật công chức, viên chức, không để cán bộ có dấu hiệu quan tham lọt vào bộ máy nhà nước. Sửa Luật Đầu tư để không phải ai cũng có thể cấp phát dự án dễ dàng. Sửa Luật Đất đai để cấp đất, thu hồi đất phải minh bạch, không phải để anh là chủ tịch một cơ quan hành chính, vừa có quyền cấp đất lại có toàn quyền định đoạt đất đai...

Sửa đổi pháp luật nghiêm minh là cách phòng quan tham tốt nhất. Khi có vi phạm, phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cảm ơn ông!

Kỳ 1: Công khai, minh bạch trước khi bổ nhiệm

Kỳ 2: Quan liêm thời nào cũng có

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.