Không lợi dụng tăng lương để tăng giá

Không lợi dụng tăng lương để tăng giá
TP - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chỉ đạo của Chính phủ như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, chiều qua, 5 - 5.
Không lợi dụng tăng lương để tăng giá ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: HP

Bộ trưởng Phúc nói, bản chất tăng lương không làm thay đổi, không làm tăng lượng tiền trong xã hội, mà do chúng ta có tăng thu từ ngân sách - tức là sản xuất có hiệu quả nên mới tăng lương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu giải thích thêm: “Phải nói rõ để mọi người hiểu, tăng lương đợt này không phải vì giá tăng nên phải tăng lương. Chúng ta tăng lương theo một lộ trình đã định trước. Vì vậy cần phải khắc phục tình trạng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá”.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, giá cả trong tháng 4 tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay chỉ có 0,14% (so với tháng 12-2009 là 4,27%), Thứ trưởng Trần Văn Hiếu bình luận: “Đúng như hai tháng trước đây chúng ta đã nhận định giá vẫn đang vận động đúng quy luật, nằm trong tầm kiểm soát và chưa thấy có dấu hiệu nào của đột biến.

Chúng ta vẫn nhìn nhận vấn đề giá cả một cách bình tĩnh, nhưng cũng không chủ quan. Chính phủ chỉ đạo chưa đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu kinh tế nào vào thời điểm này”.

Từ đầu năm đến nay, cả nước nhập siêu khoảng 4,65 tỷ USD, bằng 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết, Chính phủ phân tích, đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm nhập siêu và một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết.

Tình hình kinh tế xã hội trong tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2010 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Nền kinh tế tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước ở cả 3 khu vực.

Bảo đảm được cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Xuất khẩu đang được cải thiện nhưng nhập siêu còn ở mức khá cao. - Nguồn: Báo cáo của Bộ KH&ĐT

Vấn đề điện thoại 3G, Bộ này đã có công văn số 66 đề nghị Bộ Thông tin-truyền thông (TT - TT) rà soát lại để có biện pháp điều tiết nhập khẩu phù hợp.

“Trong điều kiện kinh tế hiện nay và Quốc hội yêu cầu nhập siêu không quá 20%, chúng tôi đề nghị Bộ TT - TT lưu ý đề nghị này” - Ông Vĩnh nói.

Thứ trưởng Hiếu tỏ ra đồng tình: “Việc đề xuất đánh thuế cao hơn đối với điện thoại 3G cũng đang được chúng tôi xem xét. Nếu cần điều tiết thì sẽ sử dụng công cụ thuế”.

Liên quan đến lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Việt  Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Nhờ một số biện pháp, lãi suất cho vay đang được hạ xuống và đó là dấu hiệu đáng mừng.

Hiện, lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 14%, cho vay các lĩnh vực có ưu đãi là 13%, lãi suất huy động khoảng 11%. Tuy nhiên mức lãi suất cho vay còn cao và có thể điều chỉnh ở mức phù hợp hơn.

Giảm 30% chi phí thủ tục hành chính

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay giai đoạn 2 về cắt giảm,  đơn giản thủ tục hành chính đã hoàn thành ở 63 tỉnh thành, 24 bộ ngành có báo cáo cắt giảm thủ tục đạt tối thiểu 30% theo yêu cầu. Nhiều nơi làm tốt như Bộ Tài chính, riêng TPHCM đã giảm được 719 thủ tục, đạt cao hơn chỉ tiêu đề ra, tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

“Thủ tướng chỉ đạo phải đặc biệt chú ý đến giai đoạn 3 của đề án 30, đó là phải giảm được 30% chi phí cho các thủ tục hành chính” - Bộ trưởng Phúc nói.

Trả lời câu hỏi về nhân sự mới cho chức danh Bộ trưởng Giáo dục, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Hiện nay, Thủ tướng đã cử ông Phạm Công Luận, Tthứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT điều hành bộ này. Vấn đề chức danh Bộ trưởng mới sẽ được tiến hành các bước theo đúng luật định trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Phúc cũng cho biết chúng ta đang xem xét vấn đề khai thác du lịch tuyến biển, đảo Trường Sa và sẽ tổ chức thực hiện vào một thời điểm phù hợp, thuận lợi nhất.

MỚI - NÓNG