Phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội (khóa XII):

Không nên 'giam' xe vi phạm mà nên phạt tiền thật nặng

Không nên 'giam' xe vi phạm mà nên phạt tiền thật nặng
TP - Hôm qua (15/10), tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã nghe và thảo luận về Báo cáo “Kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” (Báo cáo giám sát) do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thực hiện.

>> Sẽ giảm phương tiện cá nhân bằng tăng thuế

Đề nghị cử một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; Tăng mức xử phạt bằng tiền các vi phạm; Tăng thuế, phí  đối với các phương tiện giao thông cá nhân... là một số kiến nghị đáng chú ý của báo cáo.

“Gốc” của  ùn tắc và tai nạn giao thông là… quy hoạch!

“Mỗi ngày có hơn 30 người chết, 60 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT), nhưng người dân nghe nhiều  dường như quen đi và không thấy đau xót nữa” - Ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban  Công tác đại biểu của QH “mở  hàng” phần thảo luận như vậy sau khi nghe Báo cáo giám sát.

Theo ông Tuyên, cái gốc của tình trạng ùn tắc và TNGT ở các đô thị là quy hoạch. “Hà Nội và TPHCM đã quá tải về phương tiện, ùn tắc xảy ra thường xuyên, nhưng cứ hở tí đất nào là cấp phép cho xây dựng chung cư cao tầng, 3-4 trăm hộ vào ở. Đấy  là gốc gây áp lực lên ùn tắc giao thông” - Ông Tuyên nói.

Ông Tuyên phân tích: “Phải gắn quy hoạch KT-XH với phát triển giao thông, quy hoạch lại các bệnh viện, trường học… Chúng ta cứ kêu ngành giao thông và công an, nhưng đó mới là phần “ngọn”, còn “gốc” là quy hoạch tổng thể, là nhận thức của chính quyền về giao thông. Chỉ một ngành giao thông hay công an không thể giải quyết nổi!”.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn đề nghị: “Chính phủ nên có quy định bắt buộc không cho người dân ở bám mặt đường quốc lộ và dám bỏ ra một số tiền để di dời các hộ dân đang bám mặt đường quốc lộ lùi vào sâu cỡ 100 mét, dùng khoảng cách đó làm dải cây xanh, thì mới giảm tai nạn giao thông được”.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tại một số địa phương, chính quyền vẫn cấp phép, cho thuê đất xây dựng khu vực hành lang giao thông. Các điểm đấu nối vào các trục giao thông chính được mở tùy tiện.

“Ở nước ngoài các điểm đấu nối vào đường quốc lộ phải rất khoa học. Nhưng ở ta thì các khu công nghiệp, khu đô thị cũng bám sát theo đường quốc lộ. Vài chục cây số đường mà có hàng trăm điểm đấu nối thì làm sao không ùn tắc, tai nạn”-Ông Lưu nói.

Vi phạm: Không nên “giam” xe mà nên phạt tiền thật nặng

“Chúng ta tạm giữ hàng nghìn phương tiện giao thông nhưng nhìn vào các kho bãi bảo quản thì đúng là thấy xót ruột. Tại sao cứ phải giữ, phơi nắng xe của người dân giữa trời”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm.

* Đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm nghiên cứu, xây dựng chính sách có tính đột phá nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, có thể là áp dụng các loại phí giao thông đối với một số phương tiện.

* Hà Nội và TPHCM chỉ mới dành 5-7% quỹ đất cho giao thông. Trong khi, tỷ lệ này nhiều nước là 15-20%. Nhiều công trình lớn của các cơ quan, tổ chức được xây dựng sau khi Luật giao thông đường bộ có hiệu lực nhưng vẫn chưa có bãi để xe theo quy định.

* Tại Việt Nam, trung bình mỗi km đường đang phải “gánh” 227,4 phương tiện giao thông cơ giới, chưa kể xe thô sơ.

(Nguồn: Báo cáo giám sát của Ủy ban QP-AN của QH)

Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, những phương tiện đó là tài sản của dân, của cơ quan Nhà nước nhưng sau một thời gian bị giữ thì xuống cấp, hư hỏng.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta không cần “giam” xe vi phạm luật giao thông, chỉ cần giữ biển kiểm soát  hoặc giấy tờ lưu hành xe thì phương tiện đó cũng không tham gia giao thông được”-Ông Lưu nói.

Đồng tình với quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp xử phạt khác, như tăng cao mức phạt bằng  tiền.

Ông  Phạm Minh Tuyên cho rằng, chính sách xử phạt hành chính đối với người vi phạm luật giao thông hiện nay không hợp lý, mức phạt quá thấp, lại dễ gây tiêu cực.

Ông đề nghị phải sử dụng  camera để theo dõi, giám sát giao thông và xử  phạt vi phạm bằng tiền  với mức cao. “Vi phạm lần 1, phạt 20% giá trị phương tiện, lần 2, phạt 35%”-Ông Tuyên đề nghị.

Ùn tắc rồi mới thấy… công an xuất hiện!

Sau một thời gian dài khảo sát ở các tỉnh thành, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, nạn ùn tắc giao thông vừa qua tại các đô thị lớn là do quá tải phương tiện, ý thức người tham gia giao thông kém.

Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng là do sự phân luồng, phân tuyến thiếu khoa học và sự can thiệp không kịp thời của ngành công an, giao thông.

Với tư cách người tham gia giao thông hằng ngày ở Thủ đô, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH tỏ ý không hài lòng với công tác điều phối giao thông ở Thủ đô.

“Tại nhiều “điểm đen” về ùn tắc giao thông của Hà Nội, khi xảy ra ùn tắc lớn rồi thì mới thấy sự hiện diện của cảnh sát giao thông, lúc đó thì càng ùn tắc. Vì vậy chúng ta phải chủ động trong điều phối, điều hành giao thông chứ không thể để bị động như vừa qua” - Ông Thi nói.

Kết luận về việc này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí sẽ “nâng tầm” Báo cáo giám sát này  của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH. Bản báo cáo này sẽ có quy mô lớn hơn, đề cập những giải pháp cụ thể hơn, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2008.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.