Không nên hạn chế đối tượng tiếp nhận, vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Không nên hạn chế đối tượng tiếp nhận, vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai
TP - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ước, TBT báo Công an nhân dân, cho rằng điều căn bản nhất là phải công bằng, minh bạch trong việc phân phối tiền hàng cứu trợ.
Không nên hạn chế đối tượng tiếp nhận, vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai ảnh 1
PV báo Tiền phong tham gia cứu trợ đồng bào bị nạn trong bão số 6.

Hôm qua (23/11), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp lần 2 lấy ý kiến các cơ quan liên quan đóng góp vào dự thảo Quy chế về tổ chức vận động, ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ, quản lý, sử dụng tiền hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai.

Cần công bằng, minh bạch

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc cho rằng, việc ban hành Quy chế là một việc làm cần thiết. Thời gian qua đã xảy ra hiện tượng bị động trong việc huy động, phân phối, quản lý tiền hàng cứu trợ thiên tai từ trung ương đến địa phương; xảy ra hiện tượng tiền - hàng khi về đến địa phương phân phối không công bằng khiến người dân địa phương bức xúc.

Ông còn nhấn mạnh: Vừa qua, tại một số địa phương đã để xảy ra tình trạng xà xẻo, tham ô tiền cứu trợ khiến dư luận nhân dân hết sức bức xúc; hiện tượng độc quyền trong quá trình phân phối tiền hàng cứu trợ... cũng đã diễn ra.

Đồng tình với quan điểm cần thiết phải có bản quy chế, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ước - TBT báo Công an nhân dân - nói: “Theo tôi, Quy chế không nên hạn chế các đối tượng tiếp nhận, vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Điều căn bản nhất là phải công bằng, minh bạch trong việc phân phối tiền hàng cứu trợ”.

Ông Mai Đức Chính - Ban chính sách Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý thêm: “Đây là bản Quy chế do Chính phủ ban hành nên nó mang tính chất toàn quốc. Tuy nhiên, cần phải có các quy định cụ thể về địa phương để họ chủ động khi thiên tai xảy ra”.

Phải quản lý chặt chẽ nguồn tiền cứu trợ

Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó TBT báo Thanh niên kiến nghị với ban soạn thảo Quy chế rằng: Ngoài việc phải quy định chặt chẽ về việc phân phối tiền hàng cứu trợ công bằng, công khai, minh bạch, dự thảo nên quy định chặt chẽ hơn nữa việc quản lý nguồn tiền hàng cứu trợ.

Nếu để xảy ra hiện tượng thâm lạm, tiêu cực, tham ô tiền hàng cứu trợ thì phải bị xử lý theo luật hình sự; nếu giải ngân chậm, sử dụng tiền sai mục đích..., tuỳ theo mức độ vi phạm áp dụng biện pháp xử lý thích đáng.

“Để công bằng, tránh trùng lặp, tiền - hàng cần phải tập trung một đầu mối thông tin. Cơ quan đầu mối nắm thông tin chung sau đó chỉ đạo địa phương tiến hành phân phối tiền hàng cho người dân” - Ông Phong đề xuất.

Đồng quan điểm với ông Phong, ông Tô Nguyên -Vụ phó Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) cho rằng để quản lý chặt chẽ tiền hàng cứu trợ, quy định về các tổ chức sau khi đã nhận được tiền ủng hộ cần rõ hơn nữa. Nếu quy định chung chung như trong Quy chế thì rõ ràng không biết các tổ chức cá nhân có được quyền phân phối cho địa phương hay không, hay không được phân phối.

Đại diện Bộ Tài chính, Đài truyền hình Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lục bão T.Ư, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam... đều cho rằng để quản lý chặt chẽ tiền - hàng cứu trợ, Quy chế nhất thiết phải lấy ý kiến của đại diện các địa phương. Khi có ý kiến của đại diện các địa phương, việc phân phối tiền-hàng mới rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng xà xẻo, tham ô.

Sở dĩ cần phải quy định như thế là vì, các đoàn đi cứu trợ tại các địa phương xảy ra thiên tai đã gây ra không ít khó khăn cho lãnh đạo địa phương; ngược lại, lãnh đạo địa phương cũng lấy đó làm cớ (nói rằng tiếp đoàn này đoàn nọ) để xà xẻo tiền cứu trợ.

Quy chế cần phải có quy định cụ thể đối với các địa phương để hạn chế phiền hà cho địa phương và tránh tình trạng địa phương lợi dụng, gây thâm thủng tiền cứu trợ.

Thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc hứa sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, tổng hợp các đề xuất đó nhằm xây dựng một bản Quy chế công bằng, trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới. 

MỚI - NÓNG