Nhân việc xử lý đàn hổ dân nuôi ở Bình Dương:

Không nên lạm dụng quyền lực để áp chế dân, thách thức công luận!

Không nên lạm dụng quyền lực để áp chế dân, thách thức công luận!
Tôi chú ý theo dõi các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước xử lý một số trường hợp dân nuôi hổ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết dư luận rộng rãi trong nhân dân cũng không đồng tình về một số biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Không nên lạm dụng quyền lực để áp chế dân, thách thức công luận! ảnh 1

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ảnh: Ngọc Hải (Thanh Niên)

Điều quan trọng là các biện pháp xử lý làm sao để có thể góp phần giải quyết có đạo lý và không sai luật pháp đối với dân nhằm bảo tồn, phát triển động vật hoang dã, quý hiếm, phù hợp với bản chất chế độ ta. 

Trước hết cần khẳng định rằng, trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, Đảng và Nhà nước đã hết sức chú trọng bảo vệ tài nguyên sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật quý hiếm. Tuy nhiên, mặc dù có chủ trương và luật pháp, nhưng do việc tổ chức thực thi yếu kém, nên rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng, thực vật, động vật quý hiếm (như hổ, gấu...) đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng, các cơ quan quản lý  Nhà nước trên lĩnh vực này chưa có được những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đồng thời, cũng chưa có được những chính sách khuyến khích thích đáng đối với những mô hình chăn nuôi, sinh sản tốt các loại động vật hoang dã, nhất là động vật quý hiếm trong dân trong nhiều năm nay.

Những mô hình (nuôi, cho sinh sản gấu, cá sấu, hổ...) này là nhân tố mới, nói chung là tốt. Nếu chúng ta nắm vững, quán triệt trong quản lý và toàn xã hội ý thức sâu sắc bảo vệ, ngăn chặn trong săn bắt động vật hoang dã đồng thời khuyến khích chăn nuôi đúng với phương châm bảo tồn và phát triển thì nguy cơ tuyệt chủng các loại động vật hoang dã quý hiếm sẽ giảm dần.

Luật pháp có, nhưng chưa đủ đáp ứng mọi yêu cầu thực tế cuộc sống đặt ra. Thực tế cho thấy, trong hành xử của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước trước nay với việc nuôi gấu, cá sấu, hổ... là có những vận dụng thực tế, trong dân và một số công viên tư cũng được nuôi một số loại động vật quý hiếm này.

Nhưng cũng có trường hợp chỗ này, chỗ khác xử lý vi phạm không nghiêm hoặc quá thô bạo, áp đặt. Tôi đã xem kỹ hai nghị định của Chính phủ - 139/2004/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và 32/2006/NĐ-CP liên quan đến việc quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thấy còn nhiều vấn đề thực tế đặt ra mà pháp luật chưa đáp ứng đủ.

Đã đến lúc, chúng ta cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thực tế đặt ra (đó cũng là bình thường vì lợi ích của đất nước, của dân). Như những ý kiến nêu trên, làm thế nào vừa phù hợp với tình hình thực tế, không vi phạm pháp luật, không những thuyết phục được người dân có công chăm nuôi và công luận, mà còn thể hiện đúng bản chất Nhà nước của dân.

Như tôi đã phát biểu trên Báo Thanh Niên mấy hôm trước và với tinh thần trên đây, tôi thấy chỉ có một giải pháp phù hợp nhất là cơ quan chức năng cấp đủ phép cho các hộ chăn nuôi tốt, tạo mọi điều kiện cho họ chăm sóc tốt hơn và bảo đảm an toàn cho dân, chỉ nên khích lệ họ và có thể nhân những mô hình này (như mô hình anh Ngô Duy Tân).

Theo tôi, không thấy có bất cứ lý do nào coi trường hợp nuôi hổ của anh Tân là phi pháp, buộc phải tịch thu, kể cả tịch thu rồi cho nuôi lại, vì việc này người dân đã trình thưa cấp trực tiếp có thẩm quyền và công khai chăm nuôi trong nhiều năm.

Qua báo chí, tôi được biết Bộ chức năng có một cuộc họp với một số bộ, ngành và đã có thông báo thống nhất kết luận đồng thuận với việc quy kết những người nuôi hổ ở Bình Dương vi phạm pháp luật, đề nghị tịch thu đàn hổ... Nếu đúng vậy thì đây là cách hành xử dùng áp lực bằng quyền lực không những đối với các gia đình chăn nuôi mà còn đối với dư luận xã hội, không tin vào cơ quan chức năng bên dưới, kể cả lãnh đạo tỉnh, xuống dưới cấp huyện, xã và cả những người dân được chứng kiến vụ việc từ đầu (huyện Dĩ An và cả nhân dân ở Bình Dương...).

Tôi còn nghe dư luận, nếu đúng, có người còn đem tổ chức quốc tế ra dọa dân nuôi hổ "phi pháp", sẽ bị quốc tế kiểm tra... Tôi nghĩ, đối với động vật quý hiếm, dù các tổ chức quốc tế có quy định gì thì cũng không ngoài mục đích là để bảo vệ, bảo tồn, phát triển chúng. Nếu có thật tổ chức quốc tế đến kiểm tra, tại sao chúng ta không biết tự tôn trọng mình, tôn trọng dân mình và tôn trọng chủ quyền nước mình.

Giả sử dân của chúng ta chăn nuôi động vật đặc biệt quý hiếm không kém gì những quy định của quốc tế hoặc tốt hơn thế nữa thì sao? Nếu những quy định quốc tế cũng chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế Việt Nam thì phải chăng đây là một mô hình mới mà Việt Nam đóng góp, hoàn thiện thêm cho những quy định quốc tế (một số lĩnh vực khác, chúng ta đã từng có đóng góp).

Riêng tôi cho rằng, nếu có tổ chức quốc tế đến xem mô hình tự nguyện bỏ công của, tình con người đối với động vật như vậy, tôi thật tự hào được giới thiệu những gia đình Việt Nam đó với quốc tế. Điều đáng xấu hổ không phải là những con hổ dân nuôi mạnh khỏe và đang sinh sôi nảy nở, mà điều đáng quan tâm hơn là những con hổ, những động vật quý hiếm èo uột xác xơ được "chăm sóc" một cách thiếu trách nhiệm trong các thảo cầm viên do Nhà nước quản lý.

Nhưng sự thật đó cũng phải được công khai, nghiêm túc chỉnh đốn, khắc phục. Tôi nghĩ đàn hổ dân nuôi ở Bình Dương phải trở thành một mô hình về chăm sóc động vật hoang dã cần được giới thiệu, được cơ hội giới thiệu với quốc tế, chứ sao lại dùng quốc tế để dọa dân?

Cả nước đang được phát động học tập đạo đức của Hồ Chủ tịch. Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ phải là công bộc của dân, phải vì dân mà phục vụ, coi chừng không khéo, với những hành động cửa quyền, áp đặt như đã đề cập, chúng ta đi ngược lại đạo đức của Hồ Chủ tịch. Tôi mong cấp lãnh đạo và quản lý cao nhất của đất nước sớm có kết luận dứt khoát vấn đề này. 

Nhân đây, tôi gửi gắm một sự việc tương tự đã lâu ở Đắk Lắk của gia đình ông Trần Nhị mà Báo Tiền Phong số ra ngày 15.12.2006 và  23.3.2007 đã đưa tin. Ông Trần Nhị ở Đắk Lắk trong khi làm đường qua vùng rừng bị khai hoang đã cứu vớt hàng chục con thú bị thương "sắp đưa lên bàn nhậu", mang về cùng bà cụ thân sinh chăm nuôi như chăm sóc con, các cơ quan chức năng và người dân đều biết.

Nhưng cả chục năm sau, người ta đã đến tịch thu những con thú ấy với lý do "nguồn gốc bất hợp pháp", ông Nhị khiếu nại, bèn lãnh ngay các quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án và cấm đi khỏi nơi cư trú. Buồn phiền, bà cụ đã qua đời. Ông Nhị đã kiện ra tòa, tòa án 2 cấp đều bác đơn của ông và ông đang chờ kết luận của Tòa án NDTC. Tôi đề nghị cơ quan tối cao của tòa án cho kiểm tra và giải quyết, công bố kết quả công khai trước công luận.

Xin được góp thêm một ý kiến cùng công luận.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.