Không nên vội vàng với đất Ba Vì

Cần khơi thông các dòng vốn để tăng lượng giao dịch. Ảnh: Minh Tuấn
Cần khơi thông các dòng vốn để tăng lượng giao dịch. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Nhận định tại Hội thảo Toàn cảnh thị trường bất động sản – Triển vọng năm 2010 được tổ chức hôm qua (15-5) tại Hà Nội, GS.TSKH Đặng Hùng Võ-nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường cho rằng, diễn biến của thị trường cho thấy tính thiếu ổn định phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn.
Cần khơi thông các dòng vốn để tăng lượng giao dịch. Ảnh: Minh Tuấn
Cần khơi thông các dòng vốn để tăng lượng giao dịch. Ảnh: Minh Tuấn.

Gần đây, có một số thông tin dư luận cho rằng, trung tâm hành chính quốc gia (TTHCQG) sẽ nằm ở chân núi Ba Vì, tức là đặt tại khu vực thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì, gây xôn xao dư luận, khiến giá đất ở xã Yên Bài và một số xã lân cận thuộc thị xã Sơn Tây tăng nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội đua nhau về đây “săn” đất, khiến cho giá đất càng leo thang.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: “Bộ Xây dựng đã tổ chức Triển lãm giới thiệu về Quy hoạch Thủ đô tại Vân Hồ - Hà Nội để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Định hướng quy hoạch TTHCQG ở chân núi Ba Vì căn cứ vào nhiều yếu tố về quy hoạch, nghiên cứu khoa học, phong thủy. Đây là quy hoạch mang tính định hướng, dài hạn. Trong vòng 20 – 30 năm tới nó (tức TTHCQG) vẫn chỉ ở quanh Thủ đô thôi, còn việc đưa về Ba Vì là định hướng 50 năm sau. Các nhà đầu tư không nên quá vội vàng,...”.

Đánh giá về thị trường bất động sản đầu năm 2010. Ông Lương Trí Thìn-Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh cho biết, giá thuê bất động sản tại TP HCM tiếp tục tăng. Trong quý IV/2009 tuy đã có thêm hơn 40.000 m2 sàn phục vụ thương mại ở khu vực trung tâm nhưng phần lớn đã được lấp đầy. Tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng thị trường cũng đã khởi sắc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã cho phép ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu tư được điều chỉnh ở mức thích hợp (khoảng 11-13%/năm) tạo ra sự sôi động cho thị trường. Năm 2010, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là nhà ở, mặt bằng kinh doanh thương mại, diện tích văn phòng cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

Hạn chế rủi ro từ mua bán nhà trên giấy

Mặc dù thị trường liên tục vượt qua nhiều khó khăn, nhưng theo phân tích thì có nhiều căn cứ để khẳng định trong một năm vừa qua luôn biểu hiện tính cục bộ và thời điểm, không phải là một xu hướng tổng thể và dài hạn.

Theo các chuyên gia về bất động sản thì độ “nóng” về giá của thị trường bất động sản từ tháng 12-2009 đến tháng 2-2010 cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là thành công lớn trong việc giải quyết vấn đề vốn nhờ gói kích cầu của Chính phủ, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, vốn vay tín dụng thuận lợi hơn. Vấn đề vốn được các nhà đầu tư giải quyết bằng việc huy động vốn từ dân, dưới hình thức “mua bán nhà trên giấy” hay “vay vốn của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá bất động sản từ tháng 10-2009 đến tháng 2-2010 vẫn giữ được đà tăng liên tục, trong đó tháng 1-2010 tăng 12,81% so với cùng kỳ năm 2009, tháng 2-2010 tăng 12,97% so với tháng 2-2009...

Như vậy, thị trường bất động sản trong giai đoạn này phụ thuộc rất nhiều vào giải pháp vốn, khi khơi được nguồn vốn thì thị trường ấm lên, khi khó khăn về vốn thì thị trường lại nguội đi. Điều đó cho thấy tính thiếu ổn định, cục bộ, nhất thời của thị trường bất động sản.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường cho biết: “Về dự báo 3 quý cuối năm 2010, ở nước ta, khả năng tái lạm phát vẫn đang là một nguy cơ. Các nền kinh tế lớn mới chỉ đạt được mức không suy giảm, chưa tạo được tăng trưởng nhanh trở lại. Do vậy, thiếu vốn vẫn còn là căn bệnh của thị trường bất động sản chưa được giải quyết.Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục trong tình trạng chưa tìm được nguồn vốn mạnh, có mức ổn định cao. Thị trường này vẫn rơi vào cảnh “nóng, lạnh” thất thường, cục bộ”.

Nhằm tạo sức phát triển cho thị trường, theo ông Đặng Hùng Võ cần khơi thông nguồn vốn trong dân đang khá dồi dào trên cơ sở hành lang pháp lý phù hợp và chặt chẽ nhằm mang lại lợi nhuận cho cả nhà đầu tư và người mua nhà ở.

Thực tế đang cho thấy, bên cạnh lợi ích là nhiều rủi ro rất đáng lo ngại, trước hết với người tiêu dùng, sau đó cho nhà đầu tư. Phương thức mua bán nhà trên giấy thường tạo rủi ro cho người tiêu dùng về chất lượng nhà ở, thời hạn giao nhà, nhà đầu tư có thể đòi thêm tiền so với mức đã cam kết ban đầu; nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà người tiêu dùng không biết, người tiêu dùng chuyển nhượng vốn góp cho người khác nhưng chưa được pháp lý thừa nhận.

Đó là chưa kể đến trường hợp dự án bị treo. Như vậy, điều cần làm hiện nay đó là phải sớm hoàn thiện quy định pháp lý nhằm thu hút nguồn tiền trong dân đồng thời hạn chế rủi ro từ kiểu mua nhà trên giấy và phương thức nhà đầu tư vay tiền người tiêu dùng và cam kết trả bằng nhà ở...

Theo chuyên gia bất động sản trong 3 quý cuối năm, cần phải sớm đưa ra hành lang pháp lý cho phương thức huy động vốn từ dân, xây dựng quy chế quản lý rủi ro, làm được điều đó sẽ góp phần tăng thêm khả năng ổn định cho thị trường bất động sản trong 3 quý cuối năm.

MỚI - NÓNG