Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1:

Không nhất thiết ngành nào cũng phải có ủy viên Trung ương

TP - Ngày 29/1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong đề án nhân sự và theo quan điểm của Đảng, không nhất thiết ngành nào cũng phải bố trí ủy viên Trung ương.

Chiều 29/1, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết, việc quy hoạch cán bộ trong Đảng được thực hiện khá bài bản, chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định. Mỗi chức danh đều có 2-3 hoặc hơn số người kế thừa, thay thế nên việc một số trường hợp được đề nghị tái cử nhưng không trúng là bình thường, Đảng sẽ tính toán, bố trí công tác cán bộ trong thời gian tới một cách hợp lý...

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới giảm mạnh, vấn đề biển Đông diễn biến phức tạp là những điều cần chú ý. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến rét đậm, rét hại và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân. “Hình ảnh một người phụ nữ ngồi khóc bên đàn trâu chết vì giá rét kỷ lục đã gây xúc động lớn”, ông Nên nói, đồng thời cho biết: Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có phương án hỗ trợ kịp thời cho những người dân bị thiệt hại để đảm bảo ổn định cuộc sống. Bởi theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay đợt rét kỷ lục đã làm 9.000 gia súc và hơn 43 nghìn gia cầm bị chết, thiệt hại về hoa màu cũng rất nặng nề.

Không nhất thiết ngành nào cũng phải có ủy viên Trung ương ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, trong Đề án nhân sự và theo quan điểm của Đảng, không nhất thiết ngành nào cũng phải bố trí ủy viên T.Ư.

Đã lường trước ai trúng, ai không

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua, có một số bộ trưởng, trưởng ngành được đề cử nhưng lại không trúng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, vậy phương án nhân sự thay thế đã được Chính phủ tính toán như thế nào? Ông Nên cho hay, thời gian qua công tác quy hoạch cán bộ được Đảng thực hiện  khá bài bản, chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định. “Quy định là vừa mở và cũng vừa đóng, tức là mỗi chức danh đều quy hoạch từ 2 đến 3 người để kế thừa, thay thế. Bên cạnh đó, một cán bộ cũng có thể được quy hoạch ứng với một vài chức danh khác nhau để khi cần thiết thì Đảng điều động, thay thế thuận lợi”, ông Nên cho biết.

Với quy hoạch bài bản, chặt chẽ như thế nên theo Bộ trưởng Nên công tác nhân sự không bị động. “Trong Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua có một số đồng chí dự kiến các chức danh nhưng rồi không trúng cử thì cũng là chuyện bình thường. Đảng cũng đã chuẩn bị có số dư rồi, cũng đã lường trước đồng chí nào trúng, đồng chí không trúng. Hiện Đại hội vừa kết thúc nên tới đây, cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ sẽ tính toán, bố trí một cách hợp lý trong thời gian tới”, ông Nên cho hay.

Trước băn khoăn của báo chí về việc có ngành không có đại diện nào trúng Ban Chấp hành T.Ư thì sẽ bố trí nhân sự ra sao? Ông Nên cho biết, trong Đề án nhân sự và quan điểm của Đảng thì không nhất thiết ngành nào cũng phải bố trí ủy viên T.Ư. Đối với các địa phương thì cố gắng tối đa để người đứng đầu là ủy viên T.Ư, còn nơi nào chưa có thì T.Ư sẽ bố trí. “Sau Đại hội Đảng chúng ta thấy có nhiều ngành chưa có ủy viên T.Ư, điều đó là bình thường. Cấp ủy khi bố trí nhân sự là đã tính toán, đảm bảo cán bộ thay thế có năng lực chuyên môn và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra”, ông Nên nói.

Ông Nên cũng cho biết thêm, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chúc mừng một số đồng chí thành viên Chính phủ được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thủ tướng cũng dặn dò 14 thành viên Chính phủ không tái cử phải tiếp tục tập trung trách nhiệm cao nhất để hoàn thành mọi công việc được giao cho đến khi có người kế nhiệm. “Quan điểm của Thủ tướng là hoàn thành trách nhiệm, không có lơ là, làm việc đến khi có người thay thế mới thôi. Bên cạnh đó việc bàn giao thì cứ nơi nào chuẩn bị đầy đủ yêu cầu thì có thể bàn giao. Do đó, có người có thể bàn giao sớm, có người chậm hơn. Tuy nhiên trách nhiệm là xuyên suốt”, ông Nên cho biết.

Bố trí cụm thi quốc gia ở tất cả các tỉnh, thành

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ GD&ĐT từng “hứa” công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016 trước Tết Nguyên đán nhưng nay vẫn “biệt vô âm tín”? Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã  báo cáo Chính phủ về phương án tổ chức thi. Tuy nhiên, qua thảo luận thì có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng Bộ GD&ĐT “xin” tiếp thu ý kiến về chỉnh sửa, sau đó sẽ báo cáo lại cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016 phải bảo đảm tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho học sinh; giảm chi phí, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; công bố sớm phương án thi để học sinh có thời gian chuẩn bị. Thủ tướng cũng cho rằng, nên bố trí cụm thi quốc gia ở tất cả các tỉnh, thành phố, chứ không chỉ có 38 cụm thi quốc gia như năm 2015.

Trước câu hỏi của báo chí về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dừng giải ngân đến gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, gây khó khăn cho khách hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng: Nếu ngân hàng nào dừng giải ngân thì mong khách hàng phản ánh cụ thể để Ngân hàng Nhà nước biết. Còn việc thế chấp vay vốn bằng tài sản hình thành trong tương lai, bà Hồng khẳng định, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về vụ việc lực lượng Hải quan vừa bắt giữ một vụ buôn lậu lớn do một cán bộ có hộ chiếu ngoại giao, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, những người làm công tác ngoại giao khi hết nhiệm kỳ quay trở về nước thì đều được phép đưa các tài sản về. “Hiện vụ việc đang được xác minh, làm rõ và chưa thể “nói” là gian lận thương mại hay có dấu hiệu buôn lậu được”, ông Lê Hải Bình khẳng định.

MỚI - NÓNG