Không nước nào tổ chức Năm Du lịch như Việt Nam

Không nước nào tổ chức Năm Du lịch như Việt Nam
ông Phạm Từ. TP - Lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Nhật Bản ngay trong năm nay và xem lại cách tổ chức năm du lịch quốc gia là hai đề xuất táo bạo được ông Phạm Từ - Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đưa ra tại hội nghị xúc tiến du lịch ngày 30/5 vừa qua. Tiền Phong có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Từ.

> Du lịch Tây Nguyên sẽ chết yểu nếu không giữ được rừng
> Lễ hội 'Văn minh Sông Hồng'

Ông phát biểu trong hội thảo xúc tiến du lịch vừa rồi rằng, xúc tiến là việc nói mãi không đủ, làm mãi không hết. Nhưng, những việc cần làm ngay là gì, theo ông?

Chúng ta rất chậm so với các nước trong khu vực. Malaysia năm ngoái đạt được 23 triệu lượt khách trên tổng dân số 20 triệu người. Mục tiêu của ta ở năm 2020 tầm nhìn 2030 là đón 18 – 20 triệu lượt khách/năm thì cũng chưa bằng người ta bây giờ.

Không có thứ gì không đầu tư mà thu được hiệu quả. Xúc tiến quảng bá cũng thế. Với du lịch Việt Nam, theo tôi trước mắt cần thành lập ngay trong năm nay một văn phòng đại diện tại Nhật Bản, từ đây làm mô hình để nhân rộng nếu đạt hiệu quả.

Chính sách miễn visa cần mở rộng chứ không thể co lại. Vừa rồi có ý kiến đòi xem xét lại để dừng miễn visa đơn phương. Đó là bước thụt lùi của hội nhập. Với du lịch trong nước, cần xúc tiến quảng bá tại chỗ.

Mặt khác phải tạo ra sản phẩm đúng như ta đã quảng bá. Việt Nam có nhiều sản phẩm đặc trưng vùng, miền rất hay. Nhưng có khi không đầu tư thì còn, đầu tư thì mất. Bởi vậy, đừng ngại ngần thuê tư vấn khi đầu tư.

Mười lần đo, một lần cắt mà. Tôi vừa đi Tây Nguyên về. Môi trường ở đó đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tài nguyên du lịch ấy, di sản văn hóa ấy mà đã bị phá vỡ một ngày, nhà đầu tư chỉ cần đầu tư sai một ngày thì trăm năm không làm lại được.

Du khách thăm hang Sơn Đoòng. ảnh: Hồng Vĩnh
Du khách thăm hang Sơn Đoòng. ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông vừa nhắc đến quan trí ở địa phương. Tại sao quan trí lại thấp trong lĩnh vực du lịch?

Việc này có hai chiều. Một chiều là ngành du lịch chưa làm cho chính quyền địa phương thấy tầm quan trọng của du lịch. Chiều thứ hai là lãnh đạo địa phương chưa thấy lợi ích của địa phương mình ở du lịch; và họ rất bận rộn, ngay cả đến nghe du lịch nói thôi họ cũng không bố trí được.

Mà tôi thấy nhiều cuộc họ rất cần đến, nhưng rốt cục du lịch nói rồi du lịch nghe thôi. Ví dụ, đoàn khảo sát của 20 doanh nghiệp lữ hành đầu bảng đi 5 ngày ở 5 tỉnh Tây Nguyên vừa qua, rất nhiều công sức ý tưởng hay, nhiều đề xuất tour tuyến táo bạo, thú vị, nhưng không ai đến dự và nghe.

Có ý tưởng đề xuất thành lập một cơ quan chuyên xin lỗi du khách khi họ bị làm phiền ở Việt Nam. Xin cho biết ý kiến của ông?

Theo tôi, không cần thiết, và không làm thay địa phương được. Du khách bị làm phiền ở đâu thì chính quyền địa phương ấy phải có trách nhiệm, trong đó, có trách nhiệm xin lỗi người ta. Tổng cục Du lịch có thể đề nghị địa phương làm thế này thế kia, chứ Tổng cục không đi sửa chữa khuyết điểm hộ. Không một tổ chức nào đủ sức xin lỗi đâu.

Trong hội thảo xúc tiến Du lịch vừa rồi, ông nói rằng Năm Du lịch quốc gia đang bị hiểu sai. Ông có thể nói rõ hơn?

Năm Du lịch quốc gia Việt Nam vốn là Visit Year, là năm đến thăm Việt Nam. Chúng ta tổ chức ra để nói với du khách rằng: Chúng tôi đã sẵn sàng mời đón bạn vào thăm đất nước chúng tôi. Tổ chức hàng loạt sự kiện, hoạt động rất tốn kém như ta đang làm thì không nước nào làm. Có tỉnh làm đến 14 sự kiện, quân ta cứ đi thăm nhau, thành khách của của nhau chứ có du khách nào đến đâu. Người ta không đến vì những hoạt động sân khấu hóa ấy, những lễ hội ấy.

Cảm ơn ông.

Uy Viễn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG