“Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được!”

“Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được!”
TP - Xung quanh vấn đề bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh cho ông Hoàng Văn Nghiên và ông Phan Văn Vượng, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hùng Võ-Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Võ nói:

>> Nhà mặt tiền số 6 Lý Thái Tổ, Hà Nội: Nhà công biến thành nhà riêng Thống đốc NHNN

“Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được!” ảnh 1
Ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Cán bộ chưa có nhà riêng thì được thuê nhà công vụ kể từ sau khi Nghị định (NĐ) 61 ban hành (năm 1994). Đó là thời điểm kết thúc việc phân phối, bao cấp nhà ở.

Tất cả nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN) trước đây được bán lại cho người đang thuê sử dụng theo quy định.

Sau thời điểm này, chỉ còn nhà kinh doanh. Chẳng hạn, Bộ trưởng BộTN&MT hiện nay cũng đang được thuê nhà ở tại Hoàng Cầu. Nếu TP Hà Nội công nhận biệt thự 12 Nguyễn Chế nghĩa là nhà công vụ thì việc cho thuê là hợp lý, giá cả do thành phố quy định. Vấn đề là sau khi hết nhiệm kỳ, đồng chí Chủ tịch nghỉ, xử lý thế nào? Đó lại là vấn đề khác.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo thành phố khẳng định biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh không phải nhà công vụ, mà chỉ là nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho ông Nghiên, ông Vượng thuê để công tác?

Thế thì việc cho thuê càng sai. Sau khi NĐ 61 có hiệu lực, không còn chuyện cho cán bộ thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, chỉ được thuê nhà công vụ. Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được.

Luật quy định nhà cơ quan là nhà cơ quan, nhà ở là nhà ở. Báo chí nói nhà ông Vượng trước đây là phòng công chứng nay lại chuyển thành nhà ở, không hiểu đó là quy hoạch gì?

Không thể nay là nhà ở, mai là nhà kinh doanh, ngày kia lại là nhà ở. Quy hoạch phải cụ thể, rõ ràng. Cái này, có lẽ liên quan đến việc quản lý tài sản công, nhiều nơi trong đó có Hà Nội làm chưa tốt.

Cán bộ không thể vào ở trong văn phòng, biến cơ quan thành nhà ở của mình. Phải có quyết định đó là nhà để ở thì  mới được dùng để ở.

Pháp luật quy định giá nhà để ở và giá nhà sản xuất kinh doanh khác nhau; quyền và nghĩa vụ đối với các loại nhà này cũng khác nhau. Nếu cứ tuỳ tiện, thì ai muốn vào ở biệt thự, ở nhà kinh doanh cũng được à?

Cần xem xét trách nhiệm cán bộ trình hồ sơ bán nhà

“Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được!” ảnh 2
Ông Phan Văn Vượng - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng được thuê nhà 52 Tuệ Tĩnh 3 tầng, diện tích sử dụng 226m2 do Nhà nước quản lý. Hiện ngôi nhà này được ông Vượng dùng làm Văn phòng Cty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Hợp Phan. 

Giống như một số địa phương, sai phạm về quản lý đất đai thường được đổ  cho tập thể (tập thể quyết định, tập thể ra nghị quyết…). Việc bố trí ông Nghiên, ông Vượng vào ở biệt thự, là do các cơ quan tham mưu của Hà Nội (Văn phòng Ủy ban, Sở Địa chính - Nhà đất), vậy trách nhiệm do ai, đâu là khe hở?

Nếu không nắm chắc luật, hoặc để lách luật, người ta thường đưa ra dưới dạng nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết HĐND. Đây là một thủ pháp chuyển trách nhiệm cá nhân thành trách nhiệm tập thể.

Họ nghĩ kỷ luật tập thể khó hơn kỷ luật một cá nhân. Đã đến lúc pháp nhân, thể nhân hay cá nhân vi phạm đều phải bị xử lý. Có như vậy mới chống được tham nhũng, tiêu cực về đất đai.

Thời gian qua, Hà Nội và các địa phương xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về đất đai, có vụ việc liên quan đến tập thể, có vụ việc là cá nhân. Qua trường hợp của ông Nghiên, ông Vượng, ông thấy nổi lên điều gì?

“Không phải cứ là quan chức thì muốn ở đâu cũng được!” ảnh 3

Nhà mặt tiền số 6 Lý Thái Tổ, Hà Nội: Nhà công “biến” thành nhà riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy

Những vụ việc đó đều đã xảy ra từ lâu, kể cả vụ việc ở Đồ Sơn, Tam Đảo, Bến Cát… bây giờ chúng ta mới phát hiện, xử lý. Còn trường hợp của ông Nghiên, ông Vượng rất mới.

Tờ trình xin bán hóa giá nhà chỉ xảy ra sau khi đã thông qua Luật Chống tham nhũng, BCH T.Ư Đảng có Nghị quyết T.Ư 3 về chống tham nhũng, lãng phí.

Cá nhân tôi thấy, ở đây có một cái gì đấy vi phạm pháp luật ở mức thách thức với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng, lãng phí. Theo tôi, cần xem xét tư cách cán bộ của người đã ký tờ trình này. Ngành TN - MT không thể có cán bộ như vậy.

Việc thành phố Hà Nội cho ông Nghiên, ông Vượng thuê biệt thự công, nếu tình trạng tiếp diễn, cứ là bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch sẽ được ở một biệt thự?

Chủ trương hóa giá nhà 61 chỉ giải quyết đối với cán bộ lão thành trước đây. Không có chủ trương đối với các cán bộ đương chức. Bản thân tôi cũng không có một mét đất nào của Nhà nước.

Nếu không có chủ trương thì đừng đòi hỏi. Không phải mình ở cương vị  này thì phải có quyền lợi, có nhà đất, biệt thự thế này thế kia? Mọi ý nghĩ đó đều thể hiện ý đồ tham nhũng.

Ông Nghiên, ông Vượng nên trả lại nhà trước khi TP thu hồi

Sau khi hết nhiệm kỳ, ông Nghiên, ông Vượng nên giao lại nhà ngay hay phải đợi có quyết định thu hồi của thành phố?

Những người trọng danh dự, có suy nghĩ đúng thì họ sẽ trả lại nhà sau khi có quyết định nghỉ hưu một thời gian nhất định. Điều đó cũng là chuyện bình thường.

Vì đó là danh dự, mình làm cái gì thì mình hưởng theo đúng công sức của mình. Sau khi về hưu, anh trở thành dân thường. Anh có thể vẫn hoạt động này nọ, nhưng là người dân, anh nên thuê nhà ở theo nhu cầu, thu nhập của mình. Nếu anh có nhà cũ thì về nhà cũ ở hoặc thuê của một Cty nào đó.

Ông Nghiên, ông Vượng đều đã nghỉ hưu khá lâu, nhưng TP Hà Nội chưa có quyết định thu hồi, điều đó có sai luật không?

Tôi nghĩ đấy là thái độ tình nghĩa, thành phố chưa muốn gay gắt nên có thể thông cảm. Nhưng thành phố phải gợi ý để ông Nghiên, ông Vượng trả nhà, sau một thời gian thì ra quyết định. Nếu để lâu sẽ không hay.

Nhưng pháp luật lại chưa có quy định bao lâu thì phải ra quyết định. Vấn đề này phụ thuộc vào cách xử sự của lãnh đạo thành phố. Làm sao thể hiện đúng tình cảm, chu đáo với người tiền nhiệm, nhưng cũng đừng để dư luận bức xúc.

Thưa ông, trả lời Tiền phong, ông Nghiên nói “nếu Nhà nước thu hồi, tôi sẽ xin thuê cái khác”, nhu cầu đó có chính đáng?

Thành phố phải xem xét là xin thuê nhà nào cho phù hợp. Xin thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa cũng được, nếu Nhà nước có quỹ nhà cho thuê, nhưng phải thuê theo giá thị trường, nằm trong quy hoạch nhà cho thuê.

Theo tôi, nếu thành phố quyết định cho thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa, 52 Tuệ Tĩnh thì đó là quyết định không nghiêm túc.

Không phải ngẫu nhiên ông Nghiên, ông Vượng lại  được vào  ở biệt thự, phải chăng ở đây có kẽ hở nào?

Nói là có kẽ hở thì cũng có. Pháp luật chưa có quy định cấp nào thì được thuê nhà nào. Nếu tạo điều kiện cho cán bộ thuê nhà thì phải đảm bảo đúng đời sống, đừng lãng phí của dân.

Nếu cho thuê nhà với diện tích như thế, giá như thế, có nghĩa chúng ta không tôn trọng mồ hôi của nhân dân. Nói chính xác thì là đã ăn bớt của dân.

Một ngôi nhà được cho thuê với giá hàng ngàn đô, nhưng lại bị thu hồi để cho lãnh đạo thuê với giá chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, có thể coi là tham nhũng?

Chắc chắn là tham nhũng. Nhà đang làm chức năng kinh doanh lại chuyển sang để ở là bất bình thường. Không thể cứ như vậy, vì cán bộ là đầy tớ, công bộc của dân.

Vậy đến thời điểm này, Hà Nội có nên thu hồi lại những biệt thự đó?

Tôi nghĩ, quản lý, sử dụng công sản thuộc phạm vi, quyền quyết định của thành phố. Lúc này, thành phố nên công khai toàn bộ công sản đang quản lý, quyết định sử dụng vào mục đích gì.

Trường hợp công sản không đáp ứng nhu cầu sử dụng của thành phố thì nên đấu giá, thu tiền cho ngân sách để xây dựng thành phố. Theo quy định hiện nay, mọi công sản đều phải được công khai hóa.

Xin cảm ơn ông!

Một biểu hiện của tham nhũng?

Như ông phân tích, trường hợp ông Nghiên, ông Vượng có phải là biểu hiện của một dạng tham nhũng?

Để đổ cho các ông này ngay cũng khó. Nhưng nếu các ông ấy có đơn xin mua thì thật không bình thường, rất yếu kém về pháp luật. Đây còn là ý thức đối với chủ trương chống tham nhũng hiện nay. Cũng có thể không hiểu pháp luật mà nghĩ mình không tham nhũng.

Còn nếu hiểu pháp luật thì đó chính là biểu hiện một dạng tham nhũng. Chính các ông ấy cần tìm hiểu xem nhu cầu của mình có đúng không, không biết thì nhờ tư vấn.

Một khía cạnh khác là đạo đức. Một biệt thự có giá tới cả triệu đô, anh xin mua với giá chỉ có trên dưới một tỷ. Với sự chênh lệch quá lớn, phải xem việc đó đã chuẩn chưa.

Phải làm một phép tính xem có bao nhiêu tiền của dân trong đó. Mình xin, mình không thuộc diện cán bộ lão thành, được ưu đãi thì phải làm phép trừ xem có hợp lý không.

MỚI - NÓNG