Đại biểu Quốc hội tự ứng cử Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội):

Không phải là 'chuyên ngồi' mà chuyên làm luật...

Không phải là 'chuyên ngồi' mà chuyên làm luật...
TP - Những người tự ứng cử hãy chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho mình, hành trang lớn nhất là tri thức, là cái tâm muốn đóng góp cho đất nước. Đồng thời phải xác định rõ mục tiêu của mình vào QH để làm gì, chứ không phải vào rồi không hoạt động nữa...
Không phải là 'chuyên ngồi' mà chuyên làm luật... ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào

“Ông Nghị” Nguyễn Ngọc Đào của Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội, một trong hai đại biểu tự ứng cử thành công vào QH khoá XI đã mở đầu câu chuyện với PV Tiền phong như vậy.

Được Mặt trận Tổ quốc động viên và giúp đỡ khi tự ứng cử

Mặc dù luật pháp Việt Nam cho phép công dân tự ứng cử ĐBQH, nhưng trong nhiều kỳ bầu cử đã qua số người tự ứng cử vào QH trên toàn quốc chỉ ở con số vài chục, số người trúng cử càng ít hơn. Vậy vì sao ông đã quyết định tự ứng cử?

Đó không phải là một ý tưởng đột xuất của tôi, mà nó xuất phát từ quá trình nhận thức với ba lý do chính:

Thứ nhất là xuất phát từ nguyện vọng đóng góp khả năng của bản thân cho Đảng và nhân dân với tư cách là một người ngoài Đảng;

Thứ hai là xuất phát từ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về pháp luật, với vốn kiến thức mà tôi đã thu được trong nhiều năm đi học và nghiên cứu ở Nga, ở Hàn Quốc và ở trường Havard (Hoa Kỳ), đã cho phép tôi có điều kiện nghiên cứu về lý thuyết cũng như thử nghiệm qua thực tiễn bằng việc tự ứng cử;

Muốn có một Quốc hội chuyên trách, tất cả đều phải “chuyên”

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang đề nghị để tăng tỷ lệ  cơ cấu dự kiến đại biểu QH khóa XII ngoài Đảng từ 10% lên 20%, nhưng theo chủ quan của tôi thì không nên đưa tiêu chí Đảng hay ngoài Đảng vào cơ cấu QH.

QH là cơ quan mang tính đại diện thì chỉ nên phân chia cơ cấu theo đại diện. Thực tế các đại biểu ứng cử đa số là những người giữ các trọng trách ở các cơ quan đoàn thể, dĩ nhiên họ là Đảng viên, số ngoài Đảng thường rơi vào doanh nhân, trí thức, giáo viên...

Ngoài Đảng hay trong Đảng ở QH chỉ nên là một số liệu để tham khảo chứ không nên là một số liệu để đánh giá.

Việc dự kiến tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong QH khoá XII là xu hướng tốt, tuy nhiên tăng ở mức nào là điều cần cân nhắc, vì không thể một sớm một chiều tăng tỷ lệ chuyên trách lên ngay được.

Muốn có một QH chuyên trách thì tất cả đều phải “chuyên”, đây không phải là “chuyên ngồi” mà chuyên làm luật, chuyên giám sát và chuyên quyết định. Để có một QH như vậy thì chúng ta còn phải cố gắng nhiều.

Thứ ba là xu thế mở rộng dân chủ của xã hội VN vào năm 2002 là năm có bầu cử QH khoá XI.

Ông có gặp khó khăn gì trong lần đầu tự ứng cử?

Ý tưởng tự ứng cử của tôi sẽ không thực hiện được, nếu không có sự động viên từ phía các đồng nghiệp, nhất là các vị ở Mặt trận Tổ quốc.

Không những tôi đã không gặp khó khăn nào, mà còn nhận được rất nhiều động viên của các vị ở Mặt trận các cấp, không chỉ động viên bằng lời nói mà còn bằng các hành động thực tế trong các quy trình hiệp thương lẫn hướng dẫn bầu cử.

Dĩ nhiên là tôi đã rất bỡ ngỡ trong lần tự ứng cử đầu tiên, nhưng sự hậu thuẫn lớn nhất đối với tôi lúc đó chính là các bạn trẻ, các bạn sinh viên mà tôi được trực tiếp giảng dạy.

So với những người ứng cử do các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ông có cảm thấy thiệt thòi hơn?

Về cơ bản thì chẳng có gì thiệt thòi hơn, chỉ khác là những người ứng cử theo cơ cấu thì khi tiến hành các hoạt động liên quan đến bầu cử họ có tổ chức đứng sau để hỗ trợ này khác, ví như đi đâu thì có xe đưa đi, còn tôi thì phải tự mình vận động.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ trường Đại học KHXH & NV là nơi tôi công tác đã rất thiện chí và có nhiều hỗ trợ đối với tôi.

Tiếp xúc cử tri không phải hứa gì cũng được!

Mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Huỳnh Đảm đã phát biểu rằng trong bầu cử QH khoá XII sẽ khuyến khích tranh cử lành mạnh giữa người ứng cử và tự ứng cử, ông nghĩ sao?

Theo quan điểm của tôi thì ở Việt Nam không có khái niệm tranh cử mà đó là vận động bầu cử, bởi vì  mình không tranh với ai cả mà cũng không ai tranh với mình. Mỗi người khi vận động bầu cử đều phải có chương trình hành động để báo cáo trước cử tri.

Trong chương trình hành động, các ứng viên đưa ra mục tiêu vào QH để làm gì và nếu trúng cử thì sẽ làm gì.

Ví như tôi là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thì chương trình hành động sẽ chú trọng vấn đề đó, đồng thời tôi cũng có quan tâm đến các vấn đề xã hội như chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách đối với dân tộc miền núi, cải thiện đời sống cho bà còn dân tộc đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục...

Trên tiêu chí đó, trong 5 năm qua tôi thường có phát biểu quan điểm của mình khi QH thảo luận về những vấn đề vừa nêu.

Các đại biểu QH thường đòi hỏi thành viên Chính phủ phải có lời hứa với nhân dân. Tại sao chính những người ứng cử và tự ứng cử vào QH lại không thể hứa với cử tri?

Dĩ nhiên trong chương trình hành động của bất cứ ứng viên nào khi vận động bầu cử đều phải có mục tiêu cụ thể, ví dụ mục tiêu của một người làm công tác giáo dục là phải góp sức vào phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng lương cho giáo viên, cải thiện hệ thống trường học...

Đó chính là lời hứa trước cử tri, chứ ứng viên không thể hứa rằng nếu tôi trúng cử thì con đường qua nhà bà con sẽ được trải nhựa, hệ thống cống nước ở khu dân cư sẽ được xây...

QH là cơ quan lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, không phải là nơi để các đại biểu vào đó để giải quyết những việc hết sức cụ thể. 

Đã tự ứng cử thì phải cố gắng để không bị lu mờ

Ông nói rằng đã được Mặt trận Tổ quốc động viên, giúp đỡ trong suốt quá trình hiệp thương, vậy khi khi xếp danh sách về đơn vị bầu cử thì đó có phải là một đơn vị “nặng” đối với ông?

Tôi được phân về đơn vị bầu cử Đông Anh với danh sách 3 bầu 2, xếp chung với Uỷ viên T.Ư Đảng, Chánh án Toà án nhân nhân tối cao Nguyễn Văn Hiện và một đồng nghiệp nữ. Tôi đánh giá đơn vị bầu cử như vậy là cân đối, tuy nhiên so về cơ cấu thì đồng nghiệp nữ có lợi thế là...phụ nữ.

Lúc đó một số người trong Hội phụ nữ địa phương đã đi vận động để đồng nghiệp nữ của tôi được bầu, rất may là lập tức Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vào cuộc và phổ biến cho nhân dân là phải bầu cử khách quan, tránh kiểu “bầu cử rỉ tai”.

Vâng, nhiều cử tri còn nhớ những lần ông đăng đàn chất vấn Bộ trưởng Đào Đình Bình, chất vấn Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, và mới đây nhất là Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng với câu hỏi về chương trình hành động của tân Bộ trưởng sau 4 tháng nhậm chức?

Tôi nghĩ muốn có câu trả lời tốt thì phải có câu hỏi tốt. Tại diễn đàn QH thì các câu hỏi là để phục vụ quốc gia, phục vụ xã hội chứ không phải hỏi chỉ để mà hỏi.

Hỏi để phục vụ, để giải quyết một vấn đề, để đi đến kết luận một hiện tượng, với mục đích để các vị Bộ trưởng làm tốt hơn công việc của mình, chứ không phải hỏi để mà “phơi bụng” người này, người khác...

Ví như khi chất vấn nguyên Bộ trưởng Đào Đình Bình thì tôi đã xoáy vào chỗ Bộ trưởng có nắm được số phương tiện giao thông, có định liệu được sự phát triển của giao thông trong 5 - 10 năm tới, từ đó đề ra chiến lược như thế nào? Có thể câu chữ tôi hỏi trên hội trường không mềm mại nhưng là xuất phát từ mục đích khoa học.

Ở nước ngoài, việc Nghị sĩ “sát hạch” Bộ trưởng là chuyện bình thường. Và tôi không chỉ hỏi các thành viên Chính phủ trong các phiên chất vấn, mà còn tranh thủ “phỏng vấn” ở hành lang QH để đi đến tận cùng của vấn đề.

Có lẽ vì mục đích câu hỏi của tôi mang tính chất xây dựng nên sau đó nhiều người được hỏi đã rất vui vẻ tìm tôi để trò chuyện và trở thành những người bạn.

Kinh nghiệm của tôi đã là người tự ứng cử thì càng phải phát huy vai trò của mình trong hoạt động QH, làm sao để để mình không bị lu mờ. Suốt 5 năm qua, tôi đã nỗ lực hết sức để không bị lu mờ... 

Đại biểu QH ít phát biểu là do cá nhân

QH hiện có hơn 90% đại biểu là đảng viên và đa số đều là những đại biểu ứng cử. Có phải vì là một đại biểu tự ứng cử và là người ngoài Đảng nên ông “dễ ăn dễ nói” hơn?

QH không phải là diễn đàn để nói linh tinh, không phải là đại biểu tự ứng cử, không có vị trí xã hội thì anh muốn nói gì thì nói. Thực ra trước khi ứng cử đại biểu QH thì tôi cũng đã có vị trí xã hội nhất định, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng vị trí cao nhất của mình là người thầy giáo, như vậy thì không thể bảo là “dễ ăn dễ nói”.

QH là nơi mình nói cho dân chứ không nói cho cá nhân, đã nói cho dân thì phải nói khách quan. Vấn đề là người nói có người nghe hay không?

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Quốc Thuận từng nhận xét rằng, nhìn vào thực tế hoạt động của Quốc hội khóa XI thì thấy có những vị ĐBQH trong suốt 5 năm không phát biểu lần nào, ông nghĩ sao?

Đó hoàn toàn là vấn đề cá nhân, chứ QH không hạn chế, không ràng buộc trong vấn đề phát biểu.

Tôi được biết nhiều vị chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh uỷ rất hay đăng đàn, như Chủ tịch tỉnh và bây giờ là Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Thế Thảo, anh Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng cũng tương tự như vậy. Kể cả nhiều vị giữ các trọng trách khác ở cấp T.Ư cũng thường xuyên đăng đàn...

Tôi nghĩ những người ít phát biểu hoặc không phát biểu có thể vì họ không thích nói trước diễn đàn, có thể họ không quen nói nhưng họ làm việc lại rất tốt. 

Phát biểu tại diễn đàn QH hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản vì đây là phát biểu trước 84 triệu nhân dân. Có thể ai đó còn ngại phát biểu, tất nhiên cũng có những người không phát biểu để tránh va chạm, nhưng như tôi đã nói, đó chỉ là vấn đề cá nhân!

Quốc hội hiện nay không còn “nghị gật”?

Ông Trần Quốc Thuận cũng nói rằng ông tâm đắc với ý kiến của GS Phan Đình Diệu phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương T.Ư là không nên quan tâm quá nhiều về chuyện cơ cấu, mà nên tạo cơ chế thông thoáng để mọi người tự ứng cử?

QH là cơ quan mang tính đại diện, mà đã là đại diện thì phải có cơ cấu. Khi đã cơ cấu thì phải lấy từ các cơ quan đoàn thể ra, trong cơ quan đoàn thể lại không thể ai ứng cử cũng được, mà phải là những người có trọng trách tại các cơ quan đoàn thể đó ra ứng cử.

Về những người tự ứng cử, họ cũng phải đại diện cho một tầng lớp nhân dân nào đó. Tôi nghĩ đừng nên cứng nhắc quy định bao nhiều phần trăm cho những người tự ứng cử, vì thực ra khi đưa ra một phần trăm nào đó thì sẽ không đơn giản để tìm được ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Nhưng khi quá nhấn mạnh về cơ cấu thì sẽ khó cân bằng với vấn đề tiêu chuẩn đại biểu QH?

Nói tiêu chuẩn thì có hai cách nói, tiêu chuẩn theo quy định luật pháp, hay tiêu chuẩn để bình chọn.... Khi đề cập đến vấn đề cơ cấu và tiêu chuẩn đại biểu sao cho hợp lý, nhiều người thường đưa ra ví dụ về có một đại biểu 21 tuổi nhưng gánh trên vai mình đến 6 cơ cấu, nào là dân tộc, trẻ, trong ngành giáo dục, nữ, ngoài Đảng...

Thực ra có thể cô ấy “gánh” 6 cơ cấu nhưng  cô ấy còn trẻ, tức là còn có nhiều thời gian để mà nhìn nhận, phấn đấu. Thông qua hoạt động ở QH của mình, cô ấy có thể trở thành hạt nhân để tập hợp những người như cô ấy phấn đấu. Tất nhiên trẻ thì có hạn chế về kinh nghiệm cuộc đời kinh nghiệm chuyên môn..., nhưng điều ấy không có nghĩa là cô ấy không xứng đáng.

Như vậy ông ủng hộ cơ cấu, bên cạnh đó lại đồng tình với quan điểm phải nâng cao tiêu chuẩn đại biểu QH. Vậy ông nghĩ sao khi vẫn có nhiều cử tri phàn nàn về tình trạng “Nghị gật”?

Theo chủ quan của tôi, ở QH hiện nay không còn tình trạng “nghị gật”. Có thể qua truyền hình với một vài chi tiết mệt mỏi của ít nhiều đại biểu, kiểu như lim dim ngủ gật, rồi vấn đề gì cũng biểu quyết cả, khiến các cử tri liên tưởng đến câu chuyện “Nghị gật”.

Thực ra không phải như vậy, để biểu quyết một vấn đề nào đó như trong truyền hình trực tiếp, thì trước đó các Uỷ ban của QH đã phải làm việc rất tích cực, rồi các tiểu ban cũng vậy... Họ không làm việc và đóng góp công sức trên diễn đàn truyền hình trực tiếp, họ làm việc tại hội nghị của các Uỷ ban, các tiểu ban, các tổ...

Tôi đã có điều kiện giám sát hoạt động của một vài đoàn đại biểu QH, thì hoàn toàn không chứng kiến tình trạng “Nghị gật”. Hoạt động QH như vừa qua đã tạo điều kiện cho bất cứ đại biểu nào cũng có thể tham gia, dù một số ý kiến có thể chưa sắc sảo, có thể chưa đủ tầm...

Là người trong cuộc, tôi nhận thấy kể cả những đại biểu trẻ tuổi, những đại biểu dân tộc thiểu số, những đại biểu mà hành trang đại biểu QH của họ còn chưa đầy đủ, nhưng với tính đại diện của mình họ đã hoạt động tích cực.

Nhìn ở vĩ mô, QH hiện nay không còn và không thể chỉ có chức năng “gật”, không những việc chi tiêu ngân sách đã do QH quyết, mà nhiều công việc bên hành pháp hiện nay đều phải đưa lên QH thành chuyên đề để “mổ xẻ”.

Dễ dàng nhận thấy dư luận xã hội ngày càng quan tâm đến các hoạt động của QH. Có thể nói sự quan tâm của nhân dân và sự khởi sắc của QH  là hai vấn đề tỉ lệ thuận với nhau. Chỉ sợ rằng người dân thờ ơ với các hoạt động của QH mà thôi.

Các đại biểu QH khoá XI sắp kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ...

Tôi sẽ tái ứng cử!

Xin cảm ơn ông.

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG