Không tác động vào hoạt động tư pháp

Không tác động vào hoạt động tư pháp
TP - “Trong xã hội còn chạy được án thì không thể nào nói rằng dân có lòng tin vào các cơ quan tư pháp được”- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH), ông Trần Ngọc Đường thẳng thắn nói.
Không tác động vào hoạt động tư pháp ảnh 1
Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) phát biểu về công tác tư pháp

“Mất lòng tin nơi dân nhất là vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng đất đai tại thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng)”- Ông Trần Ngọc Đường dẫn chứng. Ông nói tiếp: “Một người là vụ phó ở VKSNDTC nói rằng vì có công văn tác động của các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng nên chúng tôi phải như thế.

Tôi có nói đùa với anh Hà Mạnh Trí rằng  nếu  tôi là Viện trưởng VKSNDTC, tôi đã cách chức ông vụ phó ấy rồi. Làm sao lại để có sự tác động đến việc điều tra, truy tố, xét xử vì cơ quan tư pháp là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. 

“Nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên thực tế không thực hiện được”- Ông Trần Ngọc Đường nhận định. Ông Đường cho rằng bên cạnh việc cải cách hoạt động tư pháp, cải tổ các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng thì trong xã hội cũng cần xây dựng thói quen không tác động vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.

“Tôi đề nghị bất kỳ cơ quan nào, bất kể người nào dù người đó giữ chức vụ  cao đến mức nào, cũng không thể tác động được đến bản án của toà án”- Ông Đường tha thiết kiến nghị.

Trước đó, ông Đỗ Trọng Ngoạn (ĐBQH Bắc Giang) cũng đã bức xúc rằng nhiều vụ án khi xét xử đã khiến nhân dân và bản thân ông “không thể nào hiểu nổi”, trong khi đó thì TANDTC lại... lờ đi.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn cũng chưa hài lòng với 5 bản báo cáo được đọc liền trong 5 tiếng đồng hồ tại Quốc hội hôm qua. “Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử phải được đặt lên hàng đầu nhưng xử oan bao nhiêu vụ, bao nhiêu người và bỏ lọt bao nhiêu tội phạm thì lại chưa thấy nêu trong báo cáo”- Ông Ngoạn nói.

Còn có những hiện tượng như trên, ông Trần Ngọc Đường khẳng định về chủ quan bản thân các cơ quan tư pháp là có vấn đề. Việc này dẫn đến tình trạng dân khiếu kiện nhiều.

“Người dân kiện lên Quốc hội về chất lượng xét xử rất nhiều nhưng Quốc hội thì không thể giải quyết được”- Ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tiếp lời.

Và nếu cứ để tình trạng hoạt động tư pháp thế này, theo ông Trân sẽ còn khiếu kiện nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Trân đề nghị cần phải thiết lập lộ trình để thành lập Toà án Hiến pháp để có phán quyết cuối cùng về các vụ án theo Hiến pháp.

Tội phạm gia tăng, cán bộ tư pháp thiếu

Hoạt động tư pháp hiện đang đứng trước một tình hình tuy không mới nhưng nói như ông Nguyễn Ngọc Trân, thì có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh của tình hình tội phạm. 

“Tháng 6/ 2006, tôi có đến trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên). Cán bộ ở trại giam này nói rằng số phạm nhân, mức án năm sau đều tăng hơn năm trước và độ tuổi của phạm nhân thì ngày càng trẻ”- Ông Trân nói. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Trân trọng báo cáo đọc trước Quốc hội của các cơ quan tư pháp lại không nói rõ nguyên nhân của tình trạng trên.

“Số vụ án tăng lên mà các cơ quan tư pháp dường như coi việc điều tra, truy tố, xét xử được nhiều như một thành tích thì tôi cảm thấy chua chát”- Ông Trân than phiền. 

Ông Nguyễn Ngọc Trân đề nghị những người có trách nhiệm trong các cơ quan tư pháp “từ nay đến mai bổ sung được nguyên nhân của sự gia tăng tội phạm, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng và trẻ hoá phạm nhân”, bởi theo ông việc này cần phải làm.

“Nếu không việc chống tội phạm sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, với 3 tăng nói trên sẽ kéo theo “3 thêm”: Cần thêm người, thêm tiền, thêm trụ sở cho các cơ quan tư pháp”.

Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ trong ngành tư pháp tuyển dụng rất khó và một số người đang công tác lại xin ra khỏi ngành. Chánh án TANDTC ông Nguyễn Văn Hiện nói toà án các cấp đang thiếu nhiều thẩm phán, thế nhưng những người dự tuyển lại không đủ số lượng cần tuyển. Trong khi đó ngành tư pháp cũng đang đứng trước áp lực của quá trình hội nhập.

“Tranh chấp sẽ gia tăng nhưng tôi chưa thấy Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC nói rằng sẽ xử lý thế nào với những tranh chấp này khi hội nhập. 

Ngoại ngữ của thẩm phán có đủ để xét xử nếu có người nước ngoài tham gia phiên tòa không? Đội ngũ thẩm phán, luật sư chuẩn bị gì khi đứng trước trên 600 quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà ngày 7/11 này chúng ta sẽ chính thức là thành viên”- Ông Trân lo ngại.

Hôm nay (3/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận về hoạt động tư pháp.

MỚI - NÓNG