Không thấy

Không thấy
TP - Tuần qua, dư luận quan tâm hai sự kiện: Phiên tòa phúc thẩm xử vụ mua dâm học sinh ở tỉnh Hà Giang và ngư dân đưa tàu xuất ngoại chui ở tỉnh Cà Mau. Hai sự kiện không mấy liên quan với nhau nhưng có một điểm chung là phần nổi của tảng băng nhưng những người có trách nhiệm lại nghĩ đó là phần chìm khó nhìn thấy.

Phiên tòa phúc thẩm xử ông Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng một trường THPT hành vi mua dâm người chưa thành niên và hai cựu nữ sinh hành vi môi giới mua dâm.

Tại phiên phúc thẩm, bỗng dưng lộ ra một danh sách gồm nhiều VIP, nhân vật quan trọng được cho là từng tham gia mua trinh hoặc mua dâm nữ sinh. Thực hư sẽ được làm sáng tỏ và lãnh đạo một số cơ quan công an, viện kiểm sát cho rằng, việc điều tra kết luận không phải quá khó khăn.

Nhưng thực tế trên phiên toà thì đó là thông tin nhạy cảm và chủ tọa phiên tòa lướt qua những lời khai của bị cáo. Tức thì dư luận có câu hỏi khó trả lời: Có phải cho đến phiên phúc thẩm cơ quan chức năng mới nghe những chi tiết nhạy cảm này hay họ hoàn toàn không biết?

Chuyện đưa tàu xuất ngoại của ngư dân Cà Mau. Từ năm 2000 đến đầu năm 2009, ngư dân Cà Mau khai thác biển, vô tình xâm phạm vùng biển nước láng giềng, bị bắt 217 chiếc tàu với hàng nghìn ngư dân bị phạt. Sau đó, nhiều người mất tàu, số khác mất tiền chuộc tàu.

Cuối năm 2009, ngư dân tìm được kẽ hở để lách bằng cách để người dân nước bạn đứng tên và thế là được phép đánh bắt trên vùng biển nước bạn.

Nhưng khi tàu đăng ký ở nước bạn, mỗi chuyến đi biển được mua 20 - 30 nghìn lít dầu với giá mỗi lít 8.100 đồng theo chính sách trợ giá dầu cho tàu khai thác biển. Mỗi chuyến dễ dàng đánh bắt vài chục tấn hải sản, vì nước bạn cấm đánh bắt gần đất liền 30 hải lý và gần đảo 15 hải lý.

Đây chính là những điều kiện các cơ quan quản lý nước ta hô hào nhiều mà không làm được, nên dù tốn kém cho môi giới và đi xa, ngư dân Cà Mau vẫn có lời.

Đánh cá trên biển nước bạn, phải họat động trong từng khu vực nhất định, tàu được sơn màu khác nhau để phân biệt. Tàu còn được gắn chíp điện tử để theo dõi. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Đây cũng là những quy định của thị trường châu Âu đối với hải sản nước ta kể từ ngày 1-1-2010 để chống sự đánh bắt tùy tiện, bất hợp pháp.

Nhiều quan chức quản lý kêu khó, đổ cho ngư dân nước ta trình độ thấp, chưa quen. Hóa ra ngư dân nước ta làm được những điều đó trên vùng biển nước bạn, dù phải vượt trùng dương lẫn rào cản bất đồng ngôn ngữ.

Trước tình hình đưa tàu xuất ngoại theo đường tiểu ngạch, một vị lãnh đạo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cảnh báo “độ rủi ro cao”.

Cảnh báo này không mới. Nhiều năm qua, ngư dân Cà Mau đã phải chịu rất nhiều rủi ro mà không cơ quan quản lý nào giúp đỡ được, nay họ tìm con đường bất đắc dĩ ít rủi ro hơn là nương theo các quy định của nước bạn.

Vị lãnh đạo Cục cho biết thêm, đang kiến nghị Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị các địa phương “cấm ngư dân tự ý đưa tàu đi khai thác hải sản ở nước ngoài”.

Trong quản lý, không gì dễ hơn việc ban hành một lệnh cấm nhưng cũng không gì khó hơn việc thực hiện một lệnh cấm. Chỉ cấm đoán thì không có gì mới so với nhiều năm trước và phần nào còn chứng tỏ chưa nhìn thấy sự chuyển động mạnh mẽ của cuộc sống thời hội nhập toàn cầu. 

MỚI - NÓNG