Không thể cắt quãng để xem xét cán bộ

Không thể cắt quãng để xem xét cán bộ
TP - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thứ ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng: bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (đang bị truy nã) thời gian qua là không nên.

> Yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

Đại biểu Vũ Trọng Kim Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Vũ Trọng Kim.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Vũ Trọng Kim nói: Kinh doanh thua lỗ, đầu tư hai năm không hiệu quả thì rất đáng quan tâm, nghiên cứu. Tại doanh nghiệp (đơn vị ông Dũng quản lý) mà để vấn đề xảy ra lâu như thế, chọn mặt gửi vàng như thế là không được. Sau đó là việc điều động cán bộ, có báo nêu là đáng tiếc. Nhưng dùng từ đáng tiếc là hơi nhẹ.

Có người bảo đúng quy trình, thủ tục. Nói chung, vấn đề quản lý cán bộ là khó. Hiểu, đánh giá đúng cán bộ để sử dụng rất quan trọng. Cho nên, trong trường hợp đó, điều động thì được, nhưng bố trí mặc dù ngang chức, hoàn toàn không nên, không thể bố trí như vậy, chỉ sau 8 ngày bổ nhiệm thì có kết luận thanh tra - tức là, từ lúc bổ nhiệm đến lúc đó chỉ một tuần.

Như thế lãnh đạo cơ quan quản lý không thể không biết. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Ông nghĩ sao về việc bộ chủ quản lại vin vào kết luận thanh tra có sau khi bổ nhiệm, để lý giải cho việc bổ nhiệm trước đó là đúng?

Mọi việc đều diễn ra có quá trình, không thể tính ngày tính tháng. Bộ chủ quản bố trí, sử dụng cán bộ đó phải xem tình hình sức khỏe doanh nghiệp, tình hình người đó thực thi công vụ, mức độ hoàn thành tới đâu. Kể cả phải đánh giá hiện tại và triển vọng của cán bộ đó nữa.

Quá khứ, hiện tại và tương lai là mạch nối liền để đánh giá cán bộ, không thể tức thời. Nếu sử dụng tức thời thì không phải là công tác cán bộ. Tất nhiên, bây giờ không nặng lý lịch, vì theo lý lịch cán bộ có thể có quá khứ thế này thế kia, nhưng không thể cắt quãng để xem xét cán bộ.

Sau Vinashin đến Vinalines, hậu quả lớn nhưng rồi rất khó làm rõ trách nhiệm cán bộ liên quan. Ông nghĩ gì về việc xác định trách nhiệm sau mỗi vụ việc như thế, để trả lời cho dân?

Câu chuyện này (Vinalines) mới xảy ra. Cho nên xem xét để giải quyết nó chắc chắn vẫn đang ở phía trước. Còn nói đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhân dân, cử tri thì có cái kịp, có cái chưa thể đáp ứng.

Quá trình này còn phải hoàn tất công tác điều tra, hoàn tất báo cáo về thanh tra. Cho nên phải có thời gian, không phải dân yêu cầu gì là đáp ứng được ngay.

Là ĐBQH, ông chờ đợi gì ở những người phải nhận trách nhiệm trong việc này?

Đề nghị kết luận rõ ràng, minh bạch, công khai. Và chúng ta đừng né tránh, bao biện gì cả. Thực tế là thực tế. Chỉ có thực tế rõ ràng đó mới đem lại niềm tin cho nhân dân. Nếu xa thực tế, không đúng thực tế thì dân không thể tin.

Giám sát đến cùng

Quá trình tiếp xúc, lắng nghe cử tri, ông thấy thái độ của cử tri đối với những việc cụ thể đó thế nào?

Tôi cũng không chỉ tập trung vào hai vụ việc này mà còn những vấn đề khác. Để lâu ngày, không giải quyết được, dân quan tâm và lần nào dân cũng nêu lên, tôi thấy mình là ĐBQH mà không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi trả lời câu hỏi đó với dân, lúc nào chúng ta cũng nói chúng tôi tiếp thu, đề xuất lên cấp trên, nhưng giải trình không thuyết phục. Ví như vấn đề sửa đổi Luật Đất đai, nên làm sớm vì vấn đề rất bức thiết.

Bởi vì mảnh đất gắn với bao nhiêu người dân, nó có quan hệ với không chỉ người làm nông nghiệp mà liên quan đến mọi người sử dụng đất, cả doanh nghiệp nữa.

Bên cạnh đó, theo đề án nâng cao chất lượng hoạt động của QH, mục tiêu của chúng ta phải phấn đấu làm tròn trách nhiệm của ĐB. Chỉ khi làm tròn trách nhiệm ĐB chúng ta mới sử dụng đúng quyền lực của nhân dân giao cho. Hai vấn đề đó rất cơ bản.

Đề án quá nhiều giải pháp, vậy làm sao để quyền hạn, trách nhiệm của ĐB rõ hơn nữa. Quyền lực nhà nước tối cao được sử dụng thế nào cho đúng. Cần phải phấn đấu nâng được chất lượng đó.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến công tác giám sát của Quốc hội. Quốc hội phải thực thi tốt giám sát, đi đến đích của sự việc, có như vậy đại biểu mới thực hiện được việc đại diện, là đại biểu của nhân dân.

Quốc hội đang bàn về quy định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, ông có ý kiến gì?

Bỏ phiếu hay lấy phiếu tín nhiệm là như nhau đối với chức danh QH bầu và phê chuẩn, tùy thuộc vào quy trình tới đây chúng ta lựa chọn như thế nào.

Theo tôi, nên chọn từ bộ trưởng trở lên để bỏ phiếu, và nên làm hằng năm. Có ĐB nói một nhiệm kỳ bỏ phiếu hai lần cũng được, nhưng phải làm chu đáo.

Không nên chọn người này người kia ra bỏ phiếu vì làm như thế không công bằng. Tôi tạm nói rằng “lưới trời lồng lộng” có thể phán xét được. Nhân dân có thể phán xét được.

Nguyễn Tuấn ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.