dQuy hoạch lộn xộn ở Hà Tây cũ:

Không thể chấp nhận sự đã rồi

Không thể chấp nhận sự đã rồi
TP - Về thực trạng cấp đất “tháo khoán” cho các dự án tại Hà Tây, Hòa Bình trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh, không thể chấp nhận sự đã rồi.

Ông Dương Trung Quốc, còn là Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, nói:

Hà Nội mở rộng cũng đã được gần một năm, khoảng thời gian ấy chưa đủ để chúng ta kết luận ngay điều gì, nhất là hiệu quả của một chủ trương lớn cho nên tôi không bình luận.

Nhưng có một sự thực là nó diễn ra không như chúng ta mong ước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Ai cũng biết rằng một trong những luận chứng của Chính phủ muốn mở rộng đất đai để tạo không gian đầu tư, giảm bớt áp lực với Thủ đô cũ. Tuy nhiên những yếu tố đó chưa thấy.

Không thể chấp nhận sự đã rồi ảnh 1
Nông dân là đối tượng chịu nhiều tác động trong quá trình đô thị hóa

Hiện tượng cấp đất ồ ạt cho các dự án trước thời điểm Thủ đô mở rộng, tôi nghĩ sẽ tạo ra tiền lệ hết sức khó khăn để chúng ta thực hiện mong ước tích cực mà đề án đưa ra. Và cho đến giờ tôi cũng chưa thấy giải pháp căn cơ nào.

Khi theo dõi quá trình này chúng tôi biết Chính phủ không phải không lường trước những hiện tượng này có thể xảy ra. Rõ ràng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 260 với mục đích ngăn chặn mà vẫn không cưỡng nổi hiện tượng tháo khoán cấp phép dự án.

Điều lo lắng nhất là chúng ta đưa ra một viễn cảnh của đề án nhưng không điều hành được như mong muốn và thực trạng trên tác động mạnh mẽ vào đời sống nhân dân, tạo ra sự phân hóa xã hội. Đồng thời nó cũng tạo ra những hệ lụy khó lường cho sự phát triển của Hà Nội. Cho nên tôi nghĩ loạt bài đăng trên Tiền Phong là lời cảnh báo hết sức cần thiết.

Không thể chấp nhận sự đã rồi ảnh 2
Ông Dương Trung Quốc

Quốc hội thông qua quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nhưng thực trạng cấp đất ồ ạt tại các địa phương thuộc diện sáp nhập thời gian qua giống như tạo ra một sự đã rồi.

Vậy theo ông, Quốc hội có nên bàn thảo về quá trình thực hiện chủ trương mà mình đã quyết định?

Trước kia, khi bàn về những vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng chúng ta đừng lấy lịch sử ra làm lý do vì ta hay nói chuyện này chuyện kia là của lịch sử mà. Tôi dùng nguyên văn câu lịch sử không phải là sọt rác để phi tang những sai lầm của quá khứ.

Tôi nghĩ việc này có văn bản, có thời điểm, có chủ trương và đều công khai cả rồi. Anh nào làm sai phải sửa chứ không thể nói là chuyện đã rồi được. Nếu ta chấp nhận sự đã rồi này thì mãi mãi sẽ là chuyện đã rồi và mọi người sẽ lợi dụng mọi cơ hội để biến nhiều việc thành chuyện đã rồi và nó sẽ tạo ra một sự bất khả kháng và chúng ta đều biết hậu quả của xu thế này như thế nào.

Không thể chấp nhận sự đã rồi ảnh 3 Tôi nghĩ về lý thuyết đội ngũ giám sát tương đối đông đảo, nhưng cũng chưa thấy ai lên tiếng. Ít nhất dư luận xã hội chưa ghi nhận được sự lên tiếng nào của các đại biểu quốc hội về vấn đề này, trong khi họ nên thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình Không thể chấp nhận sự đã rồi ảnh 4 - Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc

Ông không ít lần cảnh báo về vấn đề tư duy nhiệm kỳ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy trong việc cấp đất tháo khoán tại Hà Tây và Hòa Bình vừa qua liệu có phải thuộc về tư duy nhiệm kỳ không?

Thuật ngữ tư duy nhiệm kỳ phải được hiểu theo đúng nghĩa của nó. Ý nghĩa nhiệm kỳ nhằm đảm bảo khả năng giám sát của xã hội đối với một tổ chức hoặc cá nhân nào đó trong bộ máy công quyền, chứ bản thân nhiệm kỳ không có gì là xấu cả.

Tư duy nhiệm kỳ ở đây hiểu theo nghĩa người ta khai thác tất cả để tư lợi. Và điều này phá mất tính kế hoạch, tính tư duy chiến lược của nó và chính đây là điều nguy hại nhất làm cho đề án mở rộng Hà Nội rất khó diễn ra như mong muốn.

Tư duy nhiệm kỳ ở đây gắn liền với trách nhiệm và quyền hạn, cũng như quyền lợi của mỗi một quan chức. Chúng ta đừng né tránh chữ quyền lợi. Một quan chức có quyền lợi là điều hoàn toàn chính đáng nhưng phải làm sao để quyền lợi đó phù hợp với sự phát triển và bảo đảm công bằng xã hội.

Lợi ích hoàn toàn chính đáng và một nhà nước biết quản lý là nhà nước biết đong đếm lợi ích của mỗi người một cách hợp lý nhất để tương xứng với lao động, trách nhiệm, trí tuệ, cống hiến của họ. Thực ra phải nhìn vấn đề này hai chiều, nếu có chuyện này sẽ dẫn đến cái kia. Nếu có chuyện mua quan bán chức, đương nhiên người ta phải thu hồi lại chi phí bỏ ra và họ khai thác bằng cách khai thác tất cả quyền lực trong tay.

Không những quyền lực cá nhân, họ còn tạo ra các nhóm lợi ích để tạo ra quyền lợi và nguy hiểm nhất hiện nay là sự thao túng của các nhóm lợi ích. Đặc biệt đất đai là nguồn lực lớn nhất, giá trị rất lớn nên tôi nghĩ nếu không xảy ra tiêu cực mới đáng ngạc nhiên trong cơ chế hiện nay. Chỉ có điều xảy ra đến mức độ nào thôi và nhìn thấy hiện tượng ấy chúng ta phải có cách ngăn chặn nó.

Ông nhìn nhận thế nào về việc phân bổ các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai?

Theo tôi, việc hình thành các nhóm lợi ích là một thực tế. Nhóm lợi ích bảo vệ lợi ích của nhau, đồng thời chia sẻ các lợi ích xã hội nói chung. Sự chia sẻ ấy giống như một cái bánh bị chia cắt ra. Nhóm lợi ích càng tham lam bao nhiêu thì lợi ích cộng đồng càng ít bấy nhiêu. Ở xã hội nào cũng khó tránh khỏi chuyện này. Đừng lý tưởng hóa rằng mọi thứ đều đâu vào đấy cả.

Quan trọng là cơ chế vận hành và vai trò giám sát của xã hội và nhân dân. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh tất cả những sự phức tạp sẽ diễn ra nếu không có sự minh bạch. Cùng với sự giám sát, việc tăng cường tính minh bạch sẽ hạn chế được tiêu cực. Tôi cho là việc này cực khó nhưng không phải không làm được.

Ông có nói về chuyện du canh mà không du cư khi Hà Nội mở rộng. Cụ thể ông muốn đề cập điều gì?

Du canh ở đây nghĩa là chỉ chú tâm đến lợi ích trước mắt, chỉ biết tìm thêm quyền lợi, nghĩa là mở rộng địa giới để tìm kiếm không gian sinh lời thôi. Tôi nghĩ vấn đề đó liên quan đến cả chính sách đất đai của chúng ta hiện nay. Nhiều nơi thu hồi đất quá dễ, quá đơn giản, quá nhiều.

Cái bất cập nhất hiện nay chính là chỗ đó. Nông dân dường như bị gạt sang bên lề với một nắm tiền và không đủ năng lực để kiếm sống. Rõ ràng đội ngũ ấy sẽ trở thành một gánh nặng cho xã hội về lâu dài và điều đó hoàn toàn đi ngược với bản chất chế độ xã hội của chúng ta.

Tôi không nghĩ chúng ta chỉ cần duy trì một Hà Nội thanh bình như xưa, nông dân vẫn trồng trọt trên mảnh đất của mình, làng quê vẫn yên ả như trước. Phát triển và đô thị là xu thế tất yếu, song vấn đề là phải tìm ra một không gian đô thị mới. Nhất là với quy mô Hà Nội lớn như thế này, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm tư duy lớn hơn rất nhiều.

Nếu coi mở rộng Hà Nội nghĩa là mở rộng đô thị Hà Nội hiện tại ra cả không gian ấy là một sai lầm cực lớn. Chúng ta cần nhìn nhận nó trong xu thế phát triển đô thị của thế giới bao gồm các không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian bảo tồn và không gian phát triển. 

Một trong các chức năng quan trọng của Quốc hội là giám sát, ông có nghĩ Quốc hội cần thực hiện chức năng này để việc sáp nhập không đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học?

Tôi cho rằng Quốc hội đồng thuận với một chủ trương nào đó cũng có nghĩa đồng trách nhiệm, tất cả những vấn đề được thông qua tại Quốc hội anh đều phải có trách nhiệm. Quốc hội nói chung và từng đại biểu nói riêng sẽ phải cân nhắc từng hành vi, quyết định của mình và nhân dân sẽ giám sát chuyện đó. Những gì xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ cả những vấn đề tích cực và tiêu cực.

Hệ thống cơ quan dân cử từ cấp cơ sở là HĐND và cao hơn mà trước hết là đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nên có ý kiến. Hơn nữa, Hà Nội cũng là nơi luôn có mặt rất đông các đại biểu của các địa phương khác.

Theo ông, Quốc hội có nên thực hiện giám sát chuyên đề về việc mở rộng Hà Nội?

Việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề đòi hỏi có những tiêu chí và phải thực hiện theo đúng quy trình, điều này tùy thuộc vào cơ chế hoạt động của Quốc hội. Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã được thông qua và đương nhiên lúc này Quốc hội phải chịu trách nhiệm và phải thực hiện đúng chức năng của mình là giám sát việc thực hiện mở rộng Hà Nội diễn ra như thế nào.

Tôi mong muốn mỗi đại biểu quốc hội thực hiện đúng chức năng của mình mà báo chí là một kênh quan trọng phản ánh dư luận xã hội và ý kiến của dân. Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này tại kỳ họp quốc hội tới.

Xin cảm ơn ông.    

Vương Hạnh - Phùng Sưởng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG