Không thể chỉ dừng ở tự phê bình

Không thể chỉ dừng ở tự phê bình
TP - Trước thực trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền hiện nay, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, bắt đúng bệnh là cần thiết song cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết tận gốc vấn đề.

> 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2011

Ông Nguyễn Đình Hương
Ông Nguyễn Đình Hương.
 

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên một số vấn đề cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay trong đó đặc biệt lưu ý đến việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ông có cảm nhận gì về điều này?

Cá nhân tôi đánh giá rất cao những ý kiến, những trăn trở mà Tổng Bí thư trình bày trước các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng. Tôi cho rằng nếu đi theo những hướng gợi mở đó thì chúng ta đang bắt được đúng bệnh. Tôi thấy rằng, từ lâu Đảng không thiếu những nghị quyết, chỉ thị, cuộc vận động… nhưng tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng vẫn không suy giảm.

Bắt được đúng bệnh là điều rất tốt nhưng điều bây giờ tôi quan tâm là những giải pháp để giải quyết tình hình. Tôi mong trong Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ nêu lên được những giải pháp quan trọng.

Giải pháp ở đây phải là những giải pháp mang tính pháp lý, bắt buộc chứ không thể chỉ dừng lại ở việc động viên, tự phê bình, tự kiểm điểm, tự sửa mình… Tôi làm công tác tổ chức mấy chục năm, tôi không thấy có người nào tự nguyện bảo mình đã nhận hối lộ bao nhiêu tiền, đã suy thoái ra làm sao, không có chuyện đó đâu!

Một thực trạng nữa của chúng ta bấy lâu nay là việc xử lý không nghiêm, “nhẹ trên nặng dưới”. Cấp dưới xảy ra sai phạm thì xử lý nghiêm nhưng lên cấp càng cao thì lại tránh né, dĩ hòa vi quý, cho qua nhẹ nhàng. Điều này đang làm cho người dân thiếu niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là tình trạng suy thoái về đạo đức, tệ tham nhũng đang diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao”, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi rất muốn Ban chấp hành Trung ương bàn cụ thể hơn, Tổng Bí thư nói “một bộ phận không nhỏ” vậy “không nhỏ” ở đây là bao nhiêu, hay “một bộ phận không nhỏ” ở đây cũng có nghĩa là cấp nào cũng có, ngành nào cũng có?

Cá nhân tôi thì đánh giá tình trạng suy thoái này không còn dừng lại ở mức cá biệt, con sâu làm rầu nồi canh nữa mà đang trở nên phổ biến. Chúng ta cũng không nên nói chung chung là cán bộ, đảng viên mà phải cụ thể hơn, cán bộ ở đây là cán bộ có chức có quyền, đảng viên ở đây cũng là đảng viên có chức có quyền. Nếu chúng ta cứ nói chung chung như thế thì rồi ai cũng nghĩ là trong số đó không có mình và cuối cùng chẳng ai nhận trách nhiệm cả.

Công tác cán bộ phải thực sự dân chủ

Với kinh nghiệm của mình trong công tác làm tổ chức, ông có thể gợi mở một số giải pháp mà ông cho là quan trọng để khắc phục tình hình hiện nay?

Cá nhân tôi thấy có 3 vấn đề phải hết sức lưu ý và phải có sự thay đổi. Trước tiên đó là công tác cán bộ của chúng ta hiện nay không chặt, từ quy chế đề bạt, quy chế bổ nhiệm, luân chuyển, quy hoạch cho đến quy chế đào tạo. Chúng ta phải sửa đổi nếu không những kẻ tham nhũng, suy thoái sẽ ngày càng có cơ hội leo lên những vị trí quan trọng trong bộ máy.

Thứ hai là để làm việc này tốt thì phải có dân chủ, dân chủ thực sự, phải để người dân giám sát, theo dõi và chính người dân với “trăm tai nghìn mắt” của mình hơn ai hết sẽ là những người hiểu rõ nhất năng lực, đạo đức của cán bộ lãnh đạo. Khi đề bạt một cán bộ phải có sự thẩm định rộng rãi, phải có sự cạnh tranh chứ không thể chỉ do “cảm tình” của những lãnh đạo cấp trên.

Nếu không dân chủ thì ngay cả những cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ lại là nơi dễ xảy ra tham nhũng. Trong Nghị quyết của Trung ương cũng có nói đến việc chạy chức, chạy quyền. Trong dân chúng vẫn có những câu ca truyền miệng như: Phong hàm, phong chức, phong bì/Trong ba phong ấy, phong gì thích hơn và một khi nó trở thành lời ca truyền miệng trong dân chúng thì vấn đề đã thành chuyện lớn rồi.

Điều thứ ba là phải quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu, cấp dưới làm sai thì cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói là vì tôi không biết nên tôi chẳng có trách nhiệm gì cả. Và một khi lãnh đạo cấp trên không thấy được trách nhiệm của mình thì cấp dưới sẽ còn tiếp tục “phá”.

“Nhờn thuốc” trị tham nhũng

Chắc ông biết chuyện mới đây báo chí đưa tin về việc hai cán bộ ngành giao thông ở tỉnh Sóc Trăng chơi cờ tướng ăn thua bạc tỷ, câu chuyện này có liên quan gì với vấn đề mà ông đã nói ở trên?

Tôi nghĩ rằng câu chuyện bây giờ không chỉ dừng lại ở việc xử lý nghiêm, lên án hay trừng phạt mà câu hỏi nhức nhối cần phải nêu lên là tại sao họ lại có nhiều tiền như vậy để mà ăn chơi?! Tôi bây giờ về hưu, hưởng lương hàm Bộ trưởng mà tháng cũng chỉ được 6 triệu.

"Để xảy ra chuyện một ông Phó Giám đốc Sở như vậy thì ông Chủ tịch tỉnh, ông Bí thư tỉnh cũng phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Cấp dưới ăn chơi, sai phạm như thế thì người đứng đầu không thể nói tôi không có trách nhiệm gì!" - Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương nói về vụ quan chức chơi cờ ăn tiền bạc tỷ tại tỉnh Sóc Trăng.

 

Một ông Phó Giám đốc Sở mà ăn chơi tiền tỷ như vậy thì chắc chắn tiền đó là tiền tham nhũng. Những cán bộ như thế phải bị cách chức, họ không thể được tiếp tục đứng trong bộ máy quản lý Nhà nước!

Tôi cho rằng để xảy chuyện một ông Phó Giám đốc Sở như vậy thì ông Chủ tịch tỉnh, ông Bí thư tỉnh cũng phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Cấp dưới ăn chơi, sai phạm như thế thì người đứng đầu không thể nói tôi không có trách nhiệm gì!

Vụ việc này cũng khiến tôi nhớ lại vụ án liên quan đến lãnh đạo PMU 18 trước đây. Cũng từ chuyện đánh bạc, cá độ bị vỡ lở mà chúng ta thấy ra được bao nhiêu chuyện. Tuy nhiên quan điểm rõ ràng của tôi là giữa phòng và chống thì phòng là chính, có nghĩa là chúng ta phải làm sao để ngăn chặn ngay từ đầu, phát hiện ngay từ đầu những hành vi suy thoái, tham nhũng, chứ không phải đợi đến khi nó xảy ra rồi mới đi xử lý hậu quả.

Đành rằng việc xử lý nghiêm là quan trọng nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó thôi thì gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết, những câu chuyện tương tự lại tiếp tục lặp lại và chỉ số ít trong đó may ra mới bị phát hiện.

Với thực tế lâu nay thì dường như những giải pháp chúng ta đưa ra để chống tham nhũng đều đang bị “nhờn thuốc”, nhưng cuối cùng tôi không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân.

Xin cảm ơn ông.

Cao Nhật (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG