Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Không thể đánh đồng báo với doanh nghiệp thuần túy!

Không thể đánh đồng báo với doanh nghiệp thuần túy!
TP - Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ngày 19/10/2007, Hội Nhà báo Việt Nam đã có Công văn 998/TV-HNBVN đề nghị giảm thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí.

Thế nhưng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN vừa được Bộ Tài chính hoàn thành đưa ra lấy ý kiến rộng rãi lại không đề cập đến những kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, điều đó vô hình trung đã đánh đồng hoạt động báo chí với những đặc thù riêng biệt như hoạt động sản xuất kinh doanh thuần túy.

Và, điều này sẽ gây nhiều khó khăn đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, đẩy báo chí theo xu hướng thương mại hóa. 

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này, ông Trung nói:

Đến nay, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chưa nhận được dự thảo Luật thuế TNDN mới nhất.

Tuy nhiên, chúng tôi biết theo dự thảo mà Bộ Tài chính vừa hoàn thành, cơ quan báo chí không được xếp vào đối tượng được ưu đãi về thuế TNDN.

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, để có ưu đãi về thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí.

Bởi lẽ, hoạt động báo chí là hoạt động đặc thù, một ngành nghề đặc biệt.

Bản thân cơ quan báo chí cũng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, do đó việc quy định các cơ quan báo chí nộp thuế  thu nhập DN như một DN thuần túy là không hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Nên thanh toán một phần chi phí cho hoạt động báo chí phục vụ mục tiêu chính trị.

Tôi chưa nhận được dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, tuy nhiên theo tôi xu hướng là phải giảm thuế suất để cạnh tranh và nuôi dưỡng nguồn thu.

Đối với các cơ quan báo chí, khi báo chí thực hiện các hoạt động phục vụ mục tiêu chính trị thì Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí một phần cho các hoạt động đó.

Ngoài ra các hoạt động khác của báo chí có thu được lợi nhuận mới tính thuế như  các hoạt động kinh doanh khác.

Giờ đây, không còn khái niệm “doanh nghiệp công ích” mà chỉ còn khái niệm “sản phẩm công ích”. Và những sản phẩm công ích đó sẽ do Nhà nước đặt hàng theo hợp đồng.

 Như vậy, với những cơ quan báo chí được Nhà nước giao cho nhiệm vụ công ích, Nhà nước sẽ có hợp đồng đặt hàng cụ thể.

Trên thực tế, các cơ quan báo chí phấn đấu tự trang trải về tài chính là hướng đi đúng đắn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, với chức năng nhiệm vụ của báo chí hiện nay, việc tự trang trải kinh phí không phải là việc dễ dàng.

Thậm chí, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả thông tin, các cơ quan báo chí phải không ngừng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đổi mới trang thiết bị.

Không phải cơ quan báo chí nào cũng có lợi nhuận từ hoạt động báo chí, số lượng cơ quan báo chí có lợi nhuận cao có thể nói là rất ít. Hơn nữa, phải khẳng định về nguyên tắc, mục đích hoạt động báo chí  không phải là hoạt động kinh doanh, mục tiêu của báo chí không phải vì lợi nhuận.

Thực tế, nhiều cơ quan báo chí còn phải bù lỗ cho các hoạt động in ấn, xuất bản hoặc các báo mạng hiện nay cũng vẫn đang phải bù đắp một nguồn chi phí rất lớn để hoạt động.

Trước đây, Nhà nước đã từng dành ưu đãi về thuế cho báo chí, thậm chí có thời kỳ đã hoàn thuế cho cơ quan báo chí nhằm đầu tư trở lại cho các cơ quan này. 

Cùng với việc tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, bổ sung các cơ quan báo chí vào đối tượng được giảm thuế TNDN, chúng tôi cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội, trong đó có cả những đại biểu là nhà báo có tiếng nói tại diễn đàn Quốc hội ủng hộ các cơ quan báo chí.

Thưa ông, sau khi Hội Nhà báo VN đã có Công văn 998/TV-HNBVN gửi các cơ quan chức năng đề nghị giảm thuế TNDN cho cơ quan báo chí, các cơ quan này đã xem xét vấn đề này ra sao?

Sau khi nghiên cứu ý kiến đề xuất của Hội đồng chính sách (Hội Nhà báo Việt Nam), kiến nghị của các cơ quan báo chí (tại cuộc tọa đàm về chính sách tài chính đối với báo chí), Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị một số vấn đề về chính sách tài chính đối với báo chí.

Ngày 30/10/2007, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý.

Tiếp đó, ngày 18/1/2008, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, trong đó có kiến nghị giảm thuế TNDN đối với các cơ quan báo chí.

Ngày 13/2/2008, Văn phòng Bộ Tài chính có công văn truyền đạt ý kiến kết luận của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại buổi làm việc trên, theo đó lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ tập hợp ý kiến đề xuất của Hội Nhà báo Việt Nam đưa vào dự thảo Luật sửa đổi Thuế TNDN báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tôi cho rằng, nếu cào bằng cơ quan báo chí với các doanh nghiệp là không hợp lý.

Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các cơ quan báo chí, trong khi các cơ quan này vốn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với hoạt động báo chí, phải nhìn thấy lợi ích lâu dài đó là tác động về kinh tế-xã hội, đối với đời sống tinh thần của nhân dân.

Ngay sau đây, Hội sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị để Nhà nước có chính sách tài chính phù hợp, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí có điều kiện phát triển, hoàn thành tôn chỉ mục đích.

Xin cảm ơn ông !

Không thể đánh đồng báo với doanh nghiệp thuần túy! ảnh 1

“Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng giảm đến mức thấp nhất cho cơ quan báo chí (theo đề xuất của các cơ quan báo chí mức thuế suất 13 - 15% là phù hợp).

Trong khi chờ Quốc hội sửa Luật, đề nghị cho áp dụng trở lại Thông tư 48/2000/TT-BTC ngày 29/5/2000 của Bộ Tài chính về việc cấp lại số thuế thực nộp cho cơ quan báo chí.

Điều này nhắm để tái đầu tư cho hoạt động của các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng”.

Ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch
Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nguyễn Tuấn
(thực hiện)

MỚI - NÓNG