Không thể đổ lỗi cho ngư dân

Không thể đổ lỗi cho ngư dân
Đây không phải lúc chúng ta đổ lỗi cho nhau hoặc lại tiếp tục rút bài học kinh nghiệm trong khi những tai họa thảm khốc do cơn bão số 1 gây ra đối với ngư dân miền Trung đang đè nặng lên mọi trái tim của người dân đất Việt.

Trong điều kiện “biển trời cách mặt” hàng chục triệu người dân trên đất liền đành phải tìm kiếm các thông tin trên báo chí về những thảm họa vừa diễn ra.

Thật ngạc nhiên khi các thành viên của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng (ông Huỳnh Vạn Thắng - phó trưởng ban và ông Lê Tiến Hưng - phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng) lại nói rằng: “Không biết có tàu cá của dân mình đang ở trong vùng bão đi qua”.

Thử hỏi trong Ban chỉ huy phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng lại không có đại diện ngành thủy sản hay sao? Bởi vì bất cứ một chuyên gia nào về thủy sản cũng đều biết mùa này ngư dân đánh bắt xa bờ các tỉnh miền Trung tập trung đi câu cá, mực ở các vùng đông-bắc biển Đông.

Do qui định của Chính phủ về báo bão, áp thấp, thiên tai hiện hành của VN nên cơn bão Chanchu vẫn thuộc diện “bão xa”. Chắc cũng vì thế mà Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Công Thành mới tỏ ra bất ngờ về thiệt hại do bão gây ra.

Do lâu nay nước ta không coi trọng công tác dự báo biển nên mặc dù Nhà nước có đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu lĩnh vực khí tượng - thủy văn, nhưng hiệu quả thu được chưa cao.

Do không được tập hợp, chỉnh lý và phân tích các nguồn số liệu, dữ liệu nghiên cứu trong nước và quốc tế về tương tác biển - khí quyển - lục địa trên khu vực biển Ðông, cho nên phần lớn các kết quả nghiên cứu vẫn nằm yên trong các kho tư liệu.

Có thể nói những thông tin dự báo khí tượng - thủy văn và hải văn trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam hiện nay chỉ đạt trình độ của các nước tiên tiến cách đây 40 - 50 năm.

Bên lề lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai 22-5, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành đã nói: “... Bão ngoài lãnh hải mà gây thiệt hại lớn như bão số 1 thì chưa thấy. Tôi muốn nói rõ là cơn bão gây tai họa cho ngư dân khi cách đất liền 1.000km”.

Chắc chắn nhiều người không thể nhất trí với các ý kiến trên, vì hiện nay các hoạt động kinh tế, quốc phòng dân sinh của nước ta đã mở rộng phạm vi ra biển xa trên diện tích lớn hơn đất liền ba lần.

Có điều ông Huỳnh Vạn Thắng nói đúng: “Khi bão chuyển hướng đột ngột thì chúng tôi không thể thông báo được. Trách nhiệm dự báo là của Tổng cục Khí tượng thủy văn (nay là Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ TN-MT), trong khi đó họ chỉ dự báo với thời gian trong vòng 24 giờ hoặc 12 giờ đến, bão sẽ di chuyển theo hướng Bắc.

Nếu như họ dự báo sớm hơn, nghĩa là trong vòng 48 hoặc 72 giờ đến thì ngư dân đã chủ động. Đằng này họ quá bị động, biết nhưng không thể di chuyển kịp”. Nếu đúng là “toàn bộ quá trình dự báo về cơn bão số 1 hoàn toàn đúng theo qui định của Chính phủ về báo bão, áp thấp, thiên tai” (theo ông Thành), thì việc cần làm ngay lúc này là phải thay đổi qui định đó.

Thực tế cho thấy tính khoa học của phương pháp và qui trình dự báo ở nước ta đang... “có vấn đề”?

Chính từ qui trình dự báo đó, nên mặc dù từ ngày 11-5-2006 trên mạng điện tử quốc tế đã có bản đồ dự báo đường đi của cơn bão Chanchu: khi đến gần kinh tuyến 115 độ đông sẽ đổi hướng về phía bắc, vậy mà bốn ngày sau (15-5) các thông tin của VN vẫn còn dự báo “bão sẽ di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc”.

Kiểu thông tin dự báo và cảnh báo này đã trở nên thông dụng ở VN. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho người dân trên biển, cũng như ven bờ không biết tìm hướng nào an toàn và khi nào thì nên tránh.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, phó chủ tịch Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, cho rằng: “Rõ ràng là bà con ngư dân ta rất chủ quan”. Phải chăng đây là một cách đổ trách nhiệm cho người bị nạn? Qua những thông tin mà các nhà chuyên môn cung cấp cho báo chí, có thể thấy rằng chúng ta chưa có được những đảm bảo khoa học và cơ chế triển khai phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận liên quan trong quá trình xây dựng, phát và chuyển thông tin cảnh báo bão đến với ngư dân trên biển.

Về mặt khoa học, cần khẳng định rằng hầu như tất cả những thiên tai ở VN: bão, lũ, nước dâng… đều có nguồn gốc từ biển, vì vậy cần phải quan tâm đúng mức đến nghiên cứu dự báo biển, trong đó có bão trên biển Đông.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.