Không thể đồng tình

TP - Có thể nói rằng, sẽ có rất nhiều và chắc chắn là đa số người dân không đồng tình với đề xuất cho thoát án tử hình nếu kẻ tham nhũng nộp lại 1/2 số tiền đã tham nhũng. Bởi như vậy là thêm một “đặc lợi” cho kẻ có quyền có chức và tiền nộp lại kia cũng là tiền có nguồn gốc tham nhũng, tức là tiền dân đóng thuế.

Tham nhũng cũng là “đặc quyền” của quan chức bởi không thể tham ô, nhận hối lộ nếu không có quyền, có chức. Những người đưa ra đề xuất lý luận rằng, biện pháp mà họ đề xuất giúp thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời góp phần làm giảm các loại án tử hình, trong đó có án về kinh tế. Tuy nhiên, lý luận này còn lâu mới thuyết phục được công chúng, cử tri.

 Bấy lâu nay, tội phạm tham nhũng thuộc loại khó phát hiện, khó bắt tận tay, day tận trán, nhưng thay vì siết chặt luật để chống tham nhũng thì đề xuất nói trên đang tạo ra thêm “động lực” để kẻ có chức quyền tham ô, tham nhũng. Thoát án tử hình khi chỉ phải nộp lại 1/2 số tiền tham ô thì 1/2 số còn lại đi đâu? Câu hỏi này chắc chắn chẳng khó để trả lời. 

Thêm nữa, mục đích của các bộ luật không chỉ là trừng phạt hay khắc phục hậu quả mà lớn hơn cả chính là răn đe, ngăn chặn người ta phạm tội. Luật pháp phải như ngọn lửa, xâm phạm vào thì sẽ bị bỏng. Với đề xuất nói trên, tính răn đe, ngăn ngừa của luật giảm đáng kể, trong khi nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa tham nhũng. 

Thêm vào đó, nói cho phép thoát án tử bằng việc nộp tiền giúp thu hồi nhanh hơn số tiền tham nhũng cũng chỉ là cảm tính. Trong trường hợp người ta vì không cần phải sợ khả năng “dựa cột” hay “lên ghế điện” mà tăng cường tham ô, tham nhũng, tăng cường dùng tiền chạy án để lo lót và cũng “thoải mái” hơn trong việc nhận tiền chạy án, tiền hối lộ thì hậu quả sẽ ra sao và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Còn nói vì cần phải đáp ứng chủ trương giảm số đầu án tử hình, nhất là án kinh tế để bỏ đi hình phạt cao nhất đối với tội phạm tham ô, tham nhũng là một cách nói đánh tráo khái niệm. Bởi án kinh tế và án tham nhũng không thể đánh đồng vì chủ thể và tính chất khác nhau. 

Trên thế giới, rất nhiều nước có xu hướng bỏ án tử hình đối với một số tội danh, nhưng nhiều nước vẫn giữ án tử hình đối với tội tham nhũng. Ngay tại Trung Quốc, cho dù ủng hộ việc loại bỏ bớt án tử hình nhưng hơn 73% số người được hỏi nói với Nhật báo Thanh niên Trung Quốc rằng,  họ ủng hộ án tử hình đối với tham nhũng. Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore… đều áp dụng án tử hình đối với tội danh tham nhũng.

Nhưng vẫn còn đó câu hỏi dành cho những người đề xuất dự luật: Vì sao không phải là tất cả, mà chỉ 1/2 số tiền tham nhũng?

MỚI - NÓNG