‘Không thể kiểm soát hết chất cấm tạo nạc’

‘Không thể kiểm soát hết chất cấm tạo nạc’
TP - Ngày 11-4, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói Bộ NN&PTNT không cho phép nhập chất cấm, việc trà trộn chất cấm vào sản phẩm được phép nhập Gold Protein Peptide (SSI) phải làm rõ ở khâu nào. Tuy nhiên, hiện không thể kiểm soát hết việc nhập khẩu, sử dụng chất cấm tạo nạc.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Dương:

‘Không thể kiểm soát hết chất cấm tạo nạc’

>Bắt giữ 1 tấn chất tạo nạc tại TP HCM
>Phát hiện hai tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất tạo nạc

Về việc báo chí nêu Bộ NN&PTNT cho phép nhập sản phẩm SSI có chứa chất cấm tạo nạc, ông Dương cho biết, chất SSI là sản phẩm được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi (TACN) từ năm 2005. Đây là một loại protein, thủy phân từ đậu tương, trong thành phần không chứa các chất nào mà Bộ NN&PTNT đang cấm sử dụng (gồm 18 chất ban hành từ năm 2002, và năm 2009 bổ sung thêm melamine). Chất này, hiện trong nước chưa sản xuất được, phải nhập từ nước ngoài, nên các Cty nhập sản phẩm này về làm TACN là hợp pháp.

Tuy nhiên, Cty nào nhập về Việt Nam, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có chất cấm trong sản phẩm này, là việc hoàn toàn khác. Đó là một sản phẩm gian lận, vi phạm pháp luật, mà đối tượng buôn bán đã cố tình đưa vào, nên cần phải xử lý hành vi thứ 2, ông Dương nói.

Về nguyên tắc, với sản phẩm được Bộ NN&PTNT cho phép nhập về phục vụ chăn nuôi, quy trình kiểm tra thế nào?

Chất nào mà có trong danh mục Bộ cho phép, khi nhập không cần phải xin phép các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Chăn nuôi, doanh nghiệp cứ đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan, và hải quan sẽ kiểm tra những vấn đề gì theo yêu cầu của họ. Chất nằm trong danh mục cho phép phải qua quá trình xem xét hồ sơ, mô tả, và phân tích thấy không có chất cấm. Còn sau thông quan, quá trình lưu thông, sử dụng, các cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra, đánh giá chất lượng của sản phẩm nhập về. Bộ đã có thông tư 66, hiệu lực từ 1-7-2012, tất cả các lô hàng có trong hay ngoài danh mục về TACN nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng.

Nói như vậy, nghĩa là lâu nay, chúng ta vẫn còn kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng nhập chất cấm?

Nói từ năm 2005 đã có chất cấm nhập vào nước ta cũng không phải. Lâu nay, chúng ta đều kiểm tra việc nhập khẩu, không chỉ SSI mà nhiều chất khác, nhưng chưa phát hiện ra chất cấm. Gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng, trà trộn chất cấm vào SSI và nhiều loại TACN. Cục và các địa phương đang tăng cường kiểm tra, nên vừa rồi, mới phát hiện ra một loạt các sai phạm có chất cấm.

Qua lô hàng SSI có chứa chất cấm vừa rồi, Cục sẽ xử lý ra sao?

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an), các cơ quan chức năng của TPHCM đang tiếp tục điều tra, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm. Bước đầu, họ mới xác định có chất cấm qua phân tích định tính, cần phải kết quả định lượng. Tôi chắc chắn rằng, bản chất của SSI là không có chất cấm. Còn nếu làm rõ ra SSI có chất cấm trước khi nhập về thì tất cả các lô sản phẩm này, về sau đều kiểm tra hết. Trường hợp, khi nhập SSI về nước, mới trà trộn chất cấm thì phải lấy mẫu kiểm tra, không làm đảo lộn sản xuất. Cục đang đề nghị cơ quan điều tra làm thật nhanh, có kết luận sớm, để xử lý việc này. Mặt khác, cơ quan hải quan có quyền lấy mẫu kiểm tra chất lượng, trong lúc này, nếu những mặt hàng nào có nguy cơ cao về chất cấm, phải lấy mẫu để kiểm tra.

Sắp tới, liệu chúng ta có cân nhắc lại các chất kích thích đang được phép bổ sung vào danh mục cấm?

Hiện, chúng tôi vẫn rà soát. Tuần tới sẽ ra hội đồng khoa học, xem xét, bàn thảo về một số chất có tác dụng tương tự SSI, từ đó kiến nghị Bộ để đưa vào danh mục chất cấm. Hiện mỗi ngày có rất nhiều chất mới ra đời, muốn biết phụ thuộc vào các doanh nghiệp đăng ký; đương nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép nhập, sử dụng khi có trong danh mục cho phép.

Chất cấm tạo nạc gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi hàng nghìn tỷ đồng Ảnh: Phạm Anh
Chất cấm tạo nạc gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi hàng nghìn tỷ đồng Ảnh: Phạm Anh.

Ông thấy trách nhiệm của Bộ NN&PTNT thế nào trong sự việc trên?

Nói chúng tôi không có lỗi là không phải. Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, chúng tôi đang tăng cường kiểm tra về chất cấm vì nguy cơ vẫn còn rất nhiều. Chỉ trong một thời gian ngắn, thông tin về chất cấm đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng với người chăn nuôi; nếu kể cả các Cty TACN không bán được cám, thì thiệt hại còn lớn hơn, và kế sinh nhai của bao người sau này. Vì thế, phải hết sức thận trọng khi công bố thông tin.

* Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng:

Yêu cầu Cục Chăn nuôi báo cáo chi tiết

Chiều 11-4, trả lời Tiền Phong về việc Bộ NN&PTNT đưa sản phẩm Gold Protein Peptide vào danh mục thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu, phát hiện có chất cấm tạo nạc, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết, đang yêu cầu Cục Chăn nuôi báo cáo chi tiết. “Sớm nhất là chiều nay, muộn là ngày mai, Bộ sẽ công bố kết luận chính thức về vụ việc này cho dư luận biết”, ông nói.

* Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam:

Bộ NN&PTNT quản lý lỏng lẻo

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho rằng, việc để cho các Cty nhập chất cấm tạo nạc trà trộn vào TACN có sự quản lý lỏng lẻo của Bộ NN&PTNT.

Ông Lịch cho biết, Cty TNHH Hồng Triển không phải thành viên của Hiệp hội. Sản phẩm SSI bản chất thì không vấn đề gì cả, nhưng người ta cho chất tạo nạc vào cho trơn lông, đỏ da, nẩy mông, để cạnh tranh. Ngành TACN rất phản đối việc này. Cái này trong kinh doanh mang tính độc quyền, để bán được nhiều, giá cao tới hơn 260 nghìn đồng/kg, nên họ không cho biết nhập ở chỗ nào.

Theo ông Lịch, Bộ NN&PTNT cần phải kiểm điểm việc này. Là người canh cổng, mà để cho chất cấm lọt vào, đương nhiên phải có trách nhiệm. Cục Chăn nuôi, phải đưa ra chế tài để quản lý, chứ không phải nói chuyện ít hay nhiều người làm. Tại sao cho nhập, cho vào danh mục được phép nhập? Điều kiện nào? Đây là chuyện của người quản lý. Lâu nay, cứ cho các Cty nhập một cách thoải mái thế nên họ lại sang Trung Quốc đặt hàng, nhập về.

* PGS - TS Nguyễn Đăng Vang, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội:

Cần kiểm nghiệm kiểm chứng lập tức

Hiện tượng báo nêu là như vậy, nhưng cần phải cho phân tích định lượng lại lập tức sản phẩm Gold Protein Peptide, xem có chất cấm thật hay không, thông qua cơ sở kiểm nghiệm, kiểm chứng, được phép của bộ trưởng. Hơn nữa, phải kiểm tra, phân tích mẫu từ cơ sở vừa bắt được, đồng thời lấy ở mẫu ở cơ sở khác để kiểm chứng. Trước đây, do chúng ta chưa có điều kiện phân tích hết các mặt hàng được nhập khẩu, mà chủ yếu dựa vào khai báo hồ sơ, và dựa vào tính hợp chuẩn, hợp quy thừa nhận lẫn nhau giữa hai quốc gia. Do vậy, nếu trước đây, SSI nước khác công bố không có chất cấm, nhưng nay có, thì có nghĩa là họ sai, chúng ta phải xem lại. Việc cơ quan chức năng cho nhập như thế là đúng trình tự; khi đưa ra danh mục được phép nhập, tạo sự thông thoáng, giải tỏa giấy phép con. Tuy nhiên, nay phải kiểm tra thường xuyên, chứ không sẽ bị lợi dụng.

Phát hiện kho chứa chất tạo nạc tại Hưng Yên

Ngày 11-4, Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT phối hợp cơ quan chức năng phát hiện kho của một cơ sở ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên có chứa chất tạo nạc. Theo thông tin ban đầu, số lượng chất tạo nạc bị phát hiện, thu giữ là 7,6 kg. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG