Không thể phạt cho tồn tại

Không thể phạt cho tồn tại
Ngày 15 - 9, Chính phủ họp chuyên đề để thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng đối với Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính và 7 dự thảo luật khác.

> Còn xa mới đáp ứng được mong đợi của xã hội

Đề nghị tăng nghỉ thai sản lên 6 tháng

Các thành viên Chính phủ thảo luận một số nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau như về đại diện tập thể lao động ở doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn; thỏa ước về lao động tập thể ngành; thời gian làm thêm giờ; tổ chức đại diện người sử dụng lao động; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ…

Một số đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Vấn đề về làm thêm giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần quy định thế nào để bảo vệ được sức khỏe của người lao động; điều kiện làm việc của người lao động…, không nên quy định cứng nhắc về số giờ, bởi trên thực tế có những người đủ sức khỏe, có mong muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập.

Vấn đề quy định nghỉ thai sản của lao động nữ cũng cần xem xét thực tế, bởi nhiều người cuộc sống gặp khó khăn, họ có nhu cầu thực sự được lao động… Vì vậy, nên có quy định linh hoạt về thời gian nghỉ thai sản để phù hợp với thực tế.

Phạt để giáo dục, răn đe chứ không thể phạt cho tồn tại

Thảo luận về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính;

Vấn đề Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính; vấn đề tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của đối tượng vi phạm đối với một số vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt; vấn đề xác định cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tư pháp tiếp thu các ý kiến thảo luận và sớm hoàn chỉnh Dự án luật này; đồng thời nhấn mạnh Dự án luật phải được xây dựng theo quan điểm phạt là để giáo dục, để răn đe chứ không phải phạt là để cho tồn tại.

“Trên thực tế hiện nay, ở nhiều lĩnh vực, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay là không đủ sức răn đe”, Thủ tướng nói.

Các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết, bởi hiện nay hệ thống pháp luật về quảng cáo có những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của hoạt động quảng cáo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một số thành viên Chính phủ đề xuất, Dự thảo luật cần làm rõ hơn, chặt chẽ hơn các nội dung về hành vi cấm quảng cáo; xử lý vi phạm quảng cáo; vấn đề đảm bảo tính trung thực đối với hoạt động quảng cáo hàng hóa thương mại; có quy định cụ thể về thời lượng quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông…

H.N
Theo Chinhphu.vn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG