Không thể trao quyền mà bắt địa phương 'trình, bẩm, chạy lòng vòng'

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh QH
TPO - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã phân cấp phải kèm theo cải cách thủ tục hành chính, nếu phân quyền mà không cải cách thủ tục hành chính thì cũng như không.

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/5, trình bày tờ trình về nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nghị quyết dự kiến phân thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND thành phố.

“Quy định này nhằm tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian, thủ tục lập điều chỉnh quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị so với quy định hiện hành, giúp thành phố chủ động hơn trong công tác quản lý điều hành, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố”, ông Dũng cho hay.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo nghị quyết giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu Luật Quy hoạch đã đề ra.

Cơ quan thẩm tra đề nghị, giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong nghị quyết này.

Quy định như vậy vừa đề cao được vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của địa phương mà vẫn gắn với thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kiểm soát của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là chủ thể phân cấp, tránh dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, nếu phân quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch mà trình tự thủ tục vẫn thực hiện như cũ, vẫn phải chạy lên xin ý kiến thì “không thể giảm được gì cả”: “Tôi đề nghị phân quyền thì thủ tục cũng phải theo".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, không có vướng mắc khi phân thẩm quyền cho HĐND và UBND thành phố, "chỉ khác là trước đây phải trình Thủ tướng thì giờ trình lên cấp thành phố là được".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị: "Khi ủy quyền cho thành phố thì làm xong chỉ cần báo cáo, không cần làm theo trình tự cũ là phải ra các bộ nữa".

Từ thực tế làm Giám đốc ĐHQG TP.HCM trước đây, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình phản ánh, dù cũng được Thủ tướng ủy quyền phê duyệt dự án A nhưng vẫn phải tuân theo toàn bộ quy trình và phải đi xin hết các bộ ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất nên có cơ chế rút ngắn thời gian khi các bộ, ngành xử lý đề nghị của địa phương, còn vẫn để Thủ tướng phân quyền cho địa phương trong vấn đề này. “Nếu giao hết như vậy thì có khi thời gian giải quyết còn dài hơn, phức tạp hơn”, ông Thanh bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã phân cấp phải kèm theo cải cách thủ tục hành chính; nếu phân quyền mà không cải cách thủ tục hành chính thì cũng như không vì "lại phải đi trình, bẩm hết chỗ này chỗ khác".

“Quy định như dự thảo nghị quyết thì còn khó hơn cho thành phố. Chủ tịch thành phố còn phải chạy lòng vòng các cơ quan hơn nữa khi cần”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.