Không tố cáo vì sợ bị trả thù

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
TP - Chiều 13-11, QH thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (PCMBN).
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Nhiều ĐB nhận định, tình hình tội phạm MBN nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ, có yếu tố nước ngoài. Bức xúc hơn, tội phạm thường đe dọa, thậm chí trả thù dã man người tố cáo. “Có những trường hợp nạn nhân và gia đình biết rõ kẻ phạm tội nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù” - ĐB Bùi Thị Lê Phi (Cần Thơ) cho hay.

“Gần đây nạn buôn bán người xảy ra ngày càng rất phức tạp, ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, có trường hợp đang đi làm bị kẻ xấu bắt để bán” - ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) lo ngại. Ông Chu đề nghị bổ sung các hành vi vào luật như dụ dỗ, lừa lọc, cưỡng bức, tiếp tay, che giấu tội phạm…vào các hoạt động MBN.

ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cho rằng cần qui định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của MTTQ trong việc PCMBN.

Đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người
Đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) phát biểu ý kiến về dự án
Luật Phòng, chống mua bán người .

Lo trục lợi từ chính sách

Theo dự thảo Luật, UBND cấp xã nơi gần nhất thực hiện việc tiếp nhận người đến khai báo có trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú. Trong trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì làm thủ tục chuyển giao cho các cơ sở đó.

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng chống mua bán người
Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng chống mua bán người.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng cần quy định cụ thể về khoảng thời gian này, có thể nhiều nhất là từ 1 đến 2 ngày làm việc. Thực tế nhiều nơi, UBND cấp xã không đủ điều kiện năng lực, kinh phí có thể lưu giữ nạn nhân tại xã lâu hơn thời hạn nêu trên. Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển giao nạn nhân từ UBND cấp xã cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Ở góc độ khác, các ĐB cho rằng cần nghiên cứu để qui định cho phù hợp, tránh chồng chéo. Ví dụ như hỗ trợ học văn hóa, học nghề…điều này đã được qui định trong chế độ hỗ trợ hộ nghèo rồi.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) phân tích: Do có tới 14 chính sách ưu đãi từ lo chỗ ở đến vay vốn, bố trí lực lượng bảo vệ, chữa bệnh, lo tiền tàu xe đi lại…nên không khéo sẽ có một bộ phận sẽ lợi dụng chính sách, giả mạo làm nạn nhân để trục lợi chính sách. “Một số chính sách chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, hơn nữa không phải nạn nhân nào cũng là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy cần xem xét để chính lý cho phù hợp hơn”- ĐB Danh Út kiến nghị.

5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004 - 2009) cho thấy tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai xảy ra ngày càng nhiều. Thậm chí, đã phát hiện một số vụ mua bán đàn ông ở Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…sang Trung Quốc để bán nội tạng.

MỚI - NÓNG