Không xử nhẹ cho quan chức

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm, sửa đổi Bộ luật Hình sự phải bảo đảm nguyên tắc chức vụ càng cao thì hình phạt càng phải nặng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm, sửa đổi Bộ luật Hình sự phải bảo đảm nguyên tắc chức vụ càng cao thì hình phạt càng phải nặng.
TP - Thảo luận Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thể hiện sự không bằng lòng khi dự thảo chưa thể hiện được yêu cầu xử lý nghiêm khắc hơn đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

Chức vụ càng cao, hình phạt càng phải nặng

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự là phải ban hành các quy định để xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. “Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, quan điểm trên chưa thể hiện vào trong Dự thảo BLHS. Thậm chí có nhiều tội danh mà chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng làm nhẹ hơn tính chất hành vi phạm tội. Đơn cử như quy định người thi hành công vụ dùng vũ lực gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên (trong quy định đối với người bình thường là 11%), thì mới bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ; trường hợp làm chết người bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; làm chết từ 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trong khi đó còn các nhóm tội ở chủ thể khác lại được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt hơn.

“Mỗi năm ở nước ta có đến 9 - 10 nghìn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Chưa có vi phạm pháp luật nào mà làm chết nhiều người như vi phạm luật giao thông. Có những hành vi vi phạm ngang nhiên như là tội ác. Do đó, cần phải bổ sung vào trong luật các quy định để xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm luật giao thông như rải đinh; lấn chiếm lòng lề đường gây tai nạn; chở quá tải, chống đối người thi hành công vụ”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển

“Thời gian qua, tình trạng người có chức vụ quyền hạn phạm tội trong khi thi hành công vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Trong đó đã xảy ra các vụ công an đánh chết người vi phạm giao thông, người bị tạm giữ tại nhiều địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện dẫn chứng. Và để bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách hình sự, bảo đảm tính răn đe và xử lý nghiêm người phạm tội, Ủy ban Tư pháp đề nghị, đối với các tội danh mà chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm yêu cầu xử lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm và răn đe. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị rà soát lại để bảo đảm nguyên tắc người có chức vụ càng cao mà lợi dụng để vi phạm pháp luật thì hình phạt cũng phải cao.

Về việc bỏ án tử hình đối với 7 tội danh, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội trên 70 tuổi là không phù hợp. “Do điều kiện kinh tế, xã hội được cải thiện nên tuổi thọ của chúng ta giờ nâng cao lắm rồi. Tuổi 70 vẫn còn khỏe và có khi lại còn là lực lượng chống đối mạnh mẽ nhất nên không thể bỏ án tử hình được”, ông Sơn nói. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đề nghị không bỏ án tử hình cho những người ở độ tuổi 70 với lý do “tuổi 70 bây giờ còn khỏe lắm”.

Cơ quan nào cho phép nghe lén điện thoại?

Về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần phải luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm.

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề rất phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định chưa chặt chẽ. Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu, xem xét một loạt các vấn đề như: Cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng là chỉ đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tội khủng bố, rửa tiền và tội phạm về tham nhũng. Đồng thời chỉ áp dụng khi đã xác định được đối tượng nghi vấn, hoặc kể từ khi khởi tố bị can, để tránh áp dụng tràn lan.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, việc luật hóa các biện pháp trên là rất khó. “Ý các đồng chí nói ở đây tôi hiểu là về nghe trộm điện thoại. Nhưng biện pháp chỉ phát huy hiệu quả trong giai đoạn trinh sát, còn đã khởi tố, bị can, bị bắt thì khi đó đối tượng có điện thoại đâu mà sử dụng”, ông Vương nói. Tuy nhiên, ông Vương cho rằng, nếu luật hóa thì cần phải quy định rõ ràng trong luật để công khai, minh bạch.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.