Khu công nghệ cao Hoà Lạc: 22 năm vẫn chưa có nước sạch

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: HNM
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham quan Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: HNM
TPO - Hình thành 22 năm nhưng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến giờ chưa có nước sạch, vấn đề này lỗi ở ai?, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi khi đến thăm Khu Công nghệ cao.

Sáng 10/7, thăm và làm việc với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đang hướng tới năm 2045 là thành phố toàn cầu, vì thế thành phố phải thực sự là trung tâm khoa học công nghệ có vị trí trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Huệ, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị hành chính quốc gia; được định danh là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Riêng về định danh Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ, ông Huệ cho biết vẫn còn băn khoăn, vì 5 – 10 năm nữa, vài chục năm nữa, đến giữa thế kỷ 21 thì định vị về trung tâm khoa học công nghệ của Hà Nội nằm ở vị trí nào, đi theo hướng nào.

“Đây là câu hỏi rất lớn. Hà Nội đang phấn đấu đến 2025 có tính cạnh tranh ở khu vực, đến 2030 cạnh tranh thế giới và 2045 là thành phố toàn cầu”, ông Huệ nói, đồng thời cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ làm việc với Bộ KH&CN với mong muốn định hướng giúp Hà Nội, để thành phố hiểu thêm về thực trạng, đánh giá mặt được, chưa được để thành phố thực sự là trung tâm khoa học công nghệ có vị trí trong khu vực và thế giới.

Về vấn đề cụ thể liên quan đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Huệ cho biết, Khu đã thành lập được 22 năm, đến nay, về cơ bản đã giải ngân hết 300 triệu USD vốn đầu tư vào cơ sở vật chất. Khung cảnh đã khác trước, doanh nghiệp đầu tư vào nhiều. “Bây giờ bắt đầu hái quả ngọt. Như FPT có hàng nghìn nhân viên ở đây. Cả khu có vài chục nghìn người học tập, nghiên cứu rồi”, ông Huệ nói.

Dù đánh giá những tín hiệu đó là động lực phát triển khoa học công nghệ cho cả nước và Hà Nội, song ông Huệ cho rằng, hơn 20 năm trôi qua mà kết quả đạt được như thế thì “chưa thể hài lòng”. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất sạch mới đạt được khoảng 1/4; thu hút vốn đầu tư còn khiêm tốn. “Chúng ta có cái tổ lớn thế này thì phải tiếp tục hoàn thiện, chăm chút. Khu công nghệ cao trên thế giới thường được xây dựng như công viên mà ở đây chưa như công viên. Cần phải làm đẹp hơn, chỉn chu hơn, có hạ tầng kỹ thuật, tiện ích”, ông Huệ nói.

Ông Huệ nhắc lại vấn đề Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến giờ chưa có nước sạch. “Vấn đề này lỗi ở ai. Ban Quản lý phải cố gắng nhiều lên, có kế hoạch, chứ không để cứ thế mãi”, ông Huệ nói. Theo ông Huệ, thành phố sẽ phối hợp, tạo điều kiện về các vấn đề cần thiết như giải phóng mặt bằng, cung cấp nước sạch, môi trường…

Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích, Hà Nội có 5 khu đô thị vệ tinh, trước đây cứ dàn hàng ngang cùng đi. Sắp tới phải phát triển đồng bộ cả 5 nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Hòa Lạc đã được phê duyệt quy hoạch. Trong quy hoạch này thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc là lõi. Vì thế, cần phối hợp với thành phố, Bộ KH&CN để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật, cảnh quan.

“5 năm trước tôi về thấy báo cáo còn khoảng 300ha chưa giải phóng mặt bằng. Đến giờ báo cáo còn 256 ha. 5 năm mà tiến được một tí. Hạ tầng kỹ thuật còn ngổn ngang. Các thiết chế về văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo còn rất thiếu, ông Huệ nói.

Liên quan đến xúc tiến đầu tư, ông Huệ cho rằng, cần thúc đẩy việc đầu tư hiệu quả, vì cứ thế này không biết bao giờ mới đến đích. Cần chủ động kêu gọi, tìm kiếm đơn vị đầu tư. Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, suất đầu tư là một mặt, nhưng quan trọng là giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Bây giờ doanh nghiệp làm công nghệ cao phải sử dụng ít đất. Không cứ bao nhiêu tiền quy định một ha, quan trọng là giá trị gia tăng. Bây giờ nền kinh tế chia sẻ, không nhất thiết phải cần nhiều vốn, nhiều đất, quan trọng là yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ nguồn, công nghệ cao…

“Tôi mừng vì thấy Khu công nghệ cao Hòa lạc thay đổi, phát triển, nhưng đột phá thì chưa thấy”, ông Huệ nói, đồng thời cho biết, Hà Nội sẽ sát cánh cùng Bộ KH&CN, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục rà soát các thủ tục… Cần thiết phải ký quy chế phối hợp, ràng buộc trách nhiệm, gạch từng đầu dòng để thực hiện từ giờ đến cuối năm. “Làm sao phía Tây thành phố phải cất cánh, tạo động lực mạnh hơn để phát triển”, ông Huệ nói.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.