Tiêu cực ở Bưu điện TPHCM:

“Khu đất vàng” C30 đã bị xà xẻo như thế nào?

“Khu đất vàng” C30 đã bị xà xẻo như thế nào?
TP - Trong khi các vụ tiêu cực chia chác đất ở Hải Phòng chưa kịp lắng xuống thì ở phía Nam, các phi vụ chia chác đất của các quan chức cũng đang gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là tại Bưu điện TPHCM (BĐTP).
“Khu đất vàng” C30 đã bị xà xẻo như thế nào? ảnh 1
Dãy phố 270B Lý Thường Kiệt, P.6,Q.Tân Bình giá một căn hộ được tính bằng nghìn cây vàng                         Ảnh: T.H.V

Mặc dù ai cũng có cơ ngơi đẹp, nhưng các “quan” ở đây dường như chưa hài lòng nên đã xin đất xây thêm nhà và bán hoặc cho thuê, bỏ túi hàng tỷ đồng.

Cấp đất cho cán bộ kháng chiến có công và khó khăn về nhà ở?

Khu đất C30 (hay còn gọi là khu 270B Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình) nằm gần Trung tâm Bưu chính Viễn thông khu vực 2 từ lâu thuộc sự quản lý của BĐTP và đã được duyệt qui hoạch.

Thế nhưng gần chục năm nay khu đất này đã bị chủ của nó bỏ rơi, hoang phế và không sử dụng đúng công năng (cho các hộ dân thuê làm ki-ốt kinh doanh vật liệu xây dựng).

Để khỏi mang tiếng và làm trái chủ trương của Nhà nước chống để lãng phí của công, lãnh đạo BĐTP đã nhiều lần đem vấn đề khu đất trên ra họp bàn.

Cuối cùng giải pháp khai thác một phần diện tích đất trong khu C30 cũng được quyết định: Lãnh đạo BĐTP lập tờ trình gửi Tổng Cty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và UBND TPHCM xin giao 1.120m2 trong khu C30 cho 15 quan chức thuộc ngành.

Về lý do cấp đất lãnh đạo BĐTP nêu: cho các đối tượng (đã xem xét kỹ) là cán bộ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành bưu điện và cách mạng VN.

Ngoài ra, tờ trình số 108, do Giám đốc BĐTP Lê Ngọc Trác ký, còn giãi bày về gia cảnh những cán bộ nói trên là hầu hết đều chưa có nhà ở ổn định và chưa được cấp đất. Hoặc có những trường hợp có nhà tập thể thì cam kết sẽ hoàn trả căn hộ sau khi được cấp đất, để BĐTP cấp cho CBCNVC khác…

Ngày 19/4/2002, diện tích đất trên được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Vũ Hùng Việt ký quyết định giao đất. Có thật những người được cấp những “lô đất vàng” nói trên đều là cán bộ lão thành? Chúng tôi sẽ đề cập trong số báo sau.

Và trò phù thủy

Những tài liệu mà chúng tôi có được cho thấy nhiều bất thường. Mãi tháng 4/2002, UBND TPHCM  mới chính thức ra quyết định trao diện tích đất nói trên cho BĐTP thì trước đó, ngày 10/7/2001, khu đất này đã được lập danh sách chia cho 15 người.

Cuộc chia chác này được thực hiện rất bài bản. Có cả một Hội đồng mà người chủ trì là ông Trần Quang Minh – Phó Giám đốc BĐTP và thành phần tham dự có đến 17 người. Tất cả đều đồng ý ký tên vào phiếu bắt thăm chia sơ đồ 18 lô đất (mỗi lô 80 m2).

Khi có quyết định giao đất số 1688 trong tay, BĐTP tiếp tục lập tờ trình gửi UBND TPHCM xin định giá đất 14 căn hộ kèm theo những kêu ca khốn khó, nhằm nhanh chóng hợp thức hóa giá cho xong khu 270B Lý Thường Kiệt. Thời điểm tờ trình này gửi đến UBND TPHCM thì giá đất ở khu này là 8 lượng vàng SJC/m2 (1 lô tương đương 640 lượng).

Thế nhưng, UBND TPHCM đã không hề thẩm tra mà cứ chuẩn y việc định giá quyền sử dụng đất cho khu đất 270B với giá… 02 lượng vàng SJC (Công văn số 6985, ngày 31/12/2003).

Với tình tiết này đủ cho thấy, Nhà nước đã mất đi khoản tiền lớn. ấy là chưa kể những người được cấp đất đã bán hoặc cho thuê những căn hộ được xây trên diện tích khu đất 270B với giá nhiều tỷ đồng bỏ túi riêng.

Nguồn lợi thu được trên những “lô đất vàng” này thực sự đã khiến nhiều người không giữ được bình tĩnh khi tham dự các cuộc họp “chia phần” mà các biên bản cuộc họp đã nói lên điều đó. Nhưng cuối cùng mọi thứ đã dàn xếp một cách êm xuôi theo kiểu ăn đồng chia đủ.

(Còn nữa)

Kỳ tới: Những quan chức được chia phần

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.