Khu kinh tế ven biển phải có nét riêng

Khu kinh tế ven biển phải có nét riêng
TP - Các khu kinh tế ven biển hiện giống khu công nghiệp, dẫn tới lãng phí tài nguyên, lợi thế, nên cần chính sách phát triển riêng, PGS,TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, 15 khu kinh tế ven biển của ta có vai trò như thế nào?

Chúng ta phải coi khu kinh tế ven biển là những cứ điểm, những khu vực động lực để từ đó tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Khu kinh tế ven biển thường gắn với cảng biển nước sâu. Đó là những chỗ tốt nhất để kết nối và hội tụ phát triển. Ta có 15 khu kinh tế ven biển, nhưng đa số là chưa thành công, cho đến bây giờ không tận dụng hết năng lực, lợi thế của từng khu, độ lan tỏa rất yếu, hầu như chưa có gì.

Cho đến nay, các khu kinh tế ven biển cũng na ná các khu công nghiệp, trình độ thể chế, đẳng cấp công nghệ, tầm vươn quốc tế rất thấp, gây lãng phí tài nguyên và lợi thế. Những cái chốt gắn với biển thực sự để phát huy lợi thế biển là chưa rõ ràng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, theo ông?

Nếu coi 15 khu kinh tế ven biển hiện nay là các cực phát triển mạnh ở duyên hải, tạo ra bán kính lan tỏa ảnh hưởng rộng, đánh thức tiềm năng các khu vực xung quanh thì tôi cho rằng, đầu tiên phải nhìn nhận từ quy hoạch tổng thể, qua đó tạo tính liên kết vùng. Kiểu làm ồ ạt hiện nay đối với một đất nước có xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp như Việt Nam là không hề khôn ngoan.

Đầu tiên phải nghĩ ngay đến một cơ chế chính sách, một thể chế đủ tầm để hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp cao. Nếu không thì đừng nói mỹ miều là sẽ tạo ra sự đột phá.

Nhiều tỉnh phát triển khu công nghiệp đại trà, khu công nghiệp kiểu cái gì cũng thu hút vào, sử dụng chủ yếu nhân lực kỹ năng thấp, năng suất thấp, tiền lương thấp. Nói là thảm họa thì hơi quá, nhưng nó là bi kịch phát triển.

Để các khu kinh tế ven biển có thể trở thành trọng tâm của nền kinh tế, cần phải có những cải tiến nào về chính sách?

Theo tôi, đã đến lúc phải nghiêm khắc đánh giá lại, phải thay đổi căn bản. Để hút được những nguồn lực tốt nhất thì phải làm thế nào? Tôi cho rằng thể chế ở đó phải là tốt nhất. Luật lệ phải rõ ràng, minh bạch nhất, thông thoáng nhất.

Những điều kiện để người tài phát huy hết năng lực phải rõ ràng. Cơ chế kích thích để sáng tạo phải cao nhất. Thêm một yếu tố nữa là vị trí chiến lược của các khu kinh tế: Có gắn với tuyến hải hành quốc tế nào không. Không phải chỗ nào có cảng tốt đều làm được khu kinh tế to, hiện đại. Ngoài thể chế, ngoài năng lực tập trung vốn, phải đặt mình vào chuỗi sản xuất của thế giới.

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG