Khu lưu niệm cũng bị quy hoạch 'treo'

Khu lưu niệm cũng bị quy hoạch 'treo'
TP- Một thời gian sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, huyện Tuy Phong và xã Bình Thạnh (Tỉnh Bình Thuận) có chủ trương xây nhà lưu niệm tại đây. Thế nhưng đã 16 năm trôi qua, khu đất rộng cả ngàn mét vuông vẫn hoang hóa, mặc cho cây bụi, cỏ rác làm chủ.

Trên đường vào Nam Bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dừng chân hơn một tháng (tháng 6/1947), tại làng ven biển Bình Thạnh (Tuy Phong, Bình Thuận).

Theo sách truyền thống đấu tranh của nhân dân và Đảng bộ Bình Thạnh, chính quyền “giao cho gia đình bà Phạm Thị Nhường, một gia đình cách mạng trung kiên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ đồng chí Lê Duẩn”.

Chúng tôi đứng ngẩn ngơ trước khu đất trước đây là nhà của cụ Phạm Thị Nhường (nay đã mất). Qua năm tháng bom đạn, ngôi nhà chỉ còn lại một bức vách. Căn hầm ngày xưa đồng chí Lê Duẩn trú ẩn giờ cây bụi mọc đầy. Trong một khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, khu đất hoang hóa gợi sự tò mò.

Thì ra, một thời gian sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, huyện Tuy Phong và xã Bình Thạnh có chủ trương xây nhà lưu niệm tại đây. Tháng 5/1991, UBND huyện Tuy Phong đo đạc khu đất của cụ Phạm Thị Nhường và 5 hộ xung quanh, tổng cộng 996 m2.

Ý kiến của 3 hộ là đồng ý giao đất với điều kiện hoán đổi đất thổ cư nơi khác, một hộ có diện tích 48 m2 và ông Huỳnh Bảng (con cụ Phạm Thị Nhường) hiến hoàn toàn 128 m2 và đề nghị sớm xây dựng khu lưu niệm cố Tổng Bí thư như quy hoạch.

Thế nhưng đã 16 năm trôi qua, khu đất rộng cả ngàn mét vuông này vẫn hoang hóa, mặc cho cây bụi, cỏ rác làm chủ.

UBND huyện Tuy Phong chưa có một quyết định thu hồi đất của các hộ nhưng luật bất thành văn là đất quy hoạch xây nhà lưu niệm và mặc nhiên là các hộ không được sử dụng.

Cách đây mấy năm, cô Hồng, em ông Vũ Đình Thung, người có diện tích đất 412 m2 trong diện quy hoạch, vì hoàn cảnh khó khăn đã dựng nhà tạm để buôn bán trên phần đất của anh mình thì bị UBND xã Bình Thạnh ra lệnh tháo dỡ.

Anh Thung bức xúc: “Nếu huyện xây dựng thì phải thỏa thuận hoán đổi đất, nếu không phải trả lại cho chúng tôi chứ không thể kéo dài mãi tình trạng quy hoạch treo như thế này”.

Vì không biết có xây nhà lưu niệm hay không, vào cuối năm 2006, bà Lê Thị Nho (con dâu bà Nhường) đã làm đơn hỏi các cấp chính quyền. Bà Nho cũng mong muốn chính quyền giải quyết dứt điểm, nếu không sử dụng thì trả đất lại cho gia đình bà.

Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, người dân Bình Thạnh sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến cũng như xây dựng làng xã ngày một giàu đẹp và văn minh hơn.

Việc xây nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là ý tưởng tốt đẹp được cả những người ít nhiều thiệt thòi khi phải giao đất ủng hộ, nhưng xem ra chính quyền đã lạm dụng lòng tốt của họ quá lâu.

Họ là những người hiểu biết và tôn trọng chính quyền nên đã chấp hành cái quy hoạch “treo” bất thành văn đó, bởi cho đến bây giờ họ vẫn là chủ diện tích đất trên, vì chưa có bất cứ cấp chính quyền nào ra quyết định thu hồi đất của họ.

MỚI - NÓNG