Khuyết điểm chậm được khắc phục sẽ trở thành nguy cơ

Khuyết điểm chậm được khắc phục sẽ trở thành nguy cơ
TPCN - Nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, hiện là Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi đầy tâm huyết về những vấn đề đặt ra cho hoạt động của Đảng trước thềm Đại hội Đảng X.

Nhìn vào thực tiễn đất nước và hoạt động của Đảng ta trong nhiệm kỳ khóa IX này, ông thấy những thách thức lớn nhất đang đặt ra với Đảng là gì?

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Như thế, Đảng phải chịu trách nhiệm lãnh đạo xã hội, không thể thoái thác.

Nói một cách công bằng, những gì chúng ta đạt được trong 5 năm vừa qua- khoảng thời gian có đầy thách thức như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả trên thị trường thế giới, nhất là giá xăng dầu, sự biến động bất ngờ của tình hình thế giới sau sự kiện 11/9/2001… đất nước đã vượt qua tình trạng sụt giảm tốc độ tăng trưởng, được mọi người đánh giá là thành tựu rất quan trọng.

Nhìn vào thế giới và các nước trong khu vực thì rõ ràng chúng ta là đất nước ổn định về chính trị. Các tổ chức quốc tế đánh giá người dân Việt Nam tin ở tương lai.

Thành tựu của đất nước là như thế, trước hết phải nói tới sức sáng tạo của nhân dân nhưng không thể không khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, những đóng góp của đa số cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã có bước trưởng thành, cùng với nhân dân đưa đất nước vượt qua những thách thức to lớn.

Hôm Tết vừa rồi, tôi vào thăm Điện kính thiên trong Hoàng thành Thăng Long, tự nhiên có một người nước ngoài nhận ra tôi và hỏi “Tôi biết ông là người cộng sản, vậy ông bình luận gì về việc Nghị viện Châu Âu ra Nghị quyết chống cộng sản?”.

Tôi rất bất ngờ là vì mình đang đi chơi Tết, và người nước ngoài đó cũng vậy. Thế thì tôi mới trả lời “Điều đó càng tăng thêm niềm tin của tôi vào tiền đồ của chủ nghĩa cộng sản”.

Người nước ngoài ấy hỏi tiếp “Vì sao vậy?”, tôi nói “Bởi vì chủ nghĩa cộng sản đang phục hồi thì họ mới chống, chứ còn yếu thì họ chống làm gì! Nếu như chủ nghĩa cộng sản ngày càng yếu đi và là một “sự kết thúc của lịch sử” như có tác giả đã hí hửng thì chắc họ cũng không để ý làm gì.

Họ lên án có nghĩa là phái tả và chủ nghĩa cộng sản ở châu Mỹ La tinh, ở  châu Âu đang mạnh lên, và họ phải tìm cách để chống lại. Đó là lý do mà tôi thêm tin”.

Khi đánh giá tình hình, trước hết tôi muốn khẳng định mạnh mẽ điều đó. Tuy nhiên Đảng ta  cũng nhận rõ công khai trước toàn dân về những khuyết điểm.

Nền kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, sức cạnh tranh còn yếu. Khi nói sức cạnh tranh của nền kinh tế, của  doanh nghiệp, của từng mặt hàng yếu  thì nghe có vẻ bình thường nhưng thật ra đó là nguy cơ, là hiểm họa rất lớn vì trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không cẩn thận chúng ta có thể bị thua ngay trên sân nhà, nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản, công nhân thất nghiệp.

Rồi nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết, khoảng cách giàu nghèo giãn ra quá nhanh; những nơi ở vùng sâu, vùng xa chưa được hưởng thụ đầy đủ những thành quả của công cuộc đổi mới; tệ nạn xã hội như tội phạm, những người bị nhiễm HIV/AIDS có tuổi ngày càng trẻ...

Nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí chưa được ngăn chặn, có lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn. Những yếu kém đó của Đảng là những thách thức rất lớn đang đặt ra.

Những tệ nạn này nguy hiểm ở chỗ không chỉ khiến chúng ta mất tiền mà còn mất niềm tin. Mất tiền thì còn có thể kiếm lại được nhưng mất niềm tin thì rất khó khôi phục, có người còn nói mất niềm tin là mất tất cả. Đây là vấn đề còn cần được thảo luận.

Bây giờ chỉ đọc trên báo chí thấy có quá nhiều vụ việc. Vì thế, các đồng chí cách mạng lão thành, những đảng viên, thanh niên và cả người dân đều rất sốt ruột, tôi cũng thấy sốt ruột.

Chúng ta rất nỗ lực nhưng làm ra được bao nhiêu tiền mà có kẻ mang cả triệu đô la đánh bạc, kẻ khác ăn cắp cả mấy chục tỷ. Hiện chúng ta cũng đang tranh luận.

Có người nói tham nhũng ngày càng phát triển. Cũng có những người nói rằng vì chúng ta chống tham nhũng tốt nên mới phanh phui được những vụ tham nhũng để công bố công khai, có một số vụ chìm xuồng cả chục năm, qua mấy nhiệm kỳ, bây giờ mới lôi ra xử được.

Vậy ý kiến nào là đúng?  Khóa IX này, tôi không tham gia Trung ương,  nhiều việc tôi không hiểu hết, nhưng tôi có cảm giác là tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm ở khóa này là tích cực.

Theo số liệu của cơ quan có thẩm quyền, đến cuối năm 2005, chúng ta đã xử lý kỷ luật 7 ủy viên Trung ương (trong đó có 2 người bị tòa án xử tù giam); 1 bộ trưởng trong vụ án Lã Thị Kim Oanh; 13 thứ trưởng và người có trách nhiệm tương đương thứ trưởng; 4 bí thư tỉnh ủy; 2 chủ tịch HĐND tỉnh; 11 chủ tịch UBND tỉnh; 3 phó bí thư thường trực tỉnh ủy và thành ủy; 1 nguyên Phó thủ tướng; 1 nguyên ủy viên Trung ương; 1 nguyên bộ trưởng.

Tôi tham gia Trung ương 2 khóa, nếu cứ nhìn vào những con số trên thì tôi chưa thấy khóa nào Đảng kỷ luật số cán bộ cao cấp nhiều như khóa IX này. Như vậy, tôi nghĩ chúng ta đã xử lý nghiêm nhưng có lẽ là chưa đủ sức ngăn chặn.

Thêm nữa, dù Đảng đã xử lý nghiêm minh như vậy nhưng người dân vẫn chưa thỏa mãn. Bởi lẽ, có thể cả cuộc đời tham ô của một kẻ thì kẻ đó tham ô nhiều vụ, nhưng bắt được ở vụ nào thì xử tội ấy, nếu có đền bù tài sản thì cùng chỉ trong phạm vi vụ việc bị xử lý.

Mặt khác, tâm lý “trên nhẹ, dưới nặng” cũng còn ở một số cán bộ, kể cả trung và cao cấp cũng khiến cho dân chưa thỏa mãn.

Ông vừa nói chưa khóa nào Đảng xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ sai phạm như ở khóa IX này nhưng người dân thường nói đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Hơn nữa, trong quá trình kiểm điểm, Trung ương cũng nhận định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu?

Nói là tảng băng nổi thì cũng đúng bởi vì đằng sau những vụ tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý còn những ai thì chưa trả lời được. Chưa nói đến người dân, ngay bản thân tôi cũng có vụ chưa thỏa mãn.

Nói riêng về vụ án Lã Thị Kim Oanh, nhiều doanh nhân đều nói đi vay tiền ngân hàng là không hề dễ dàng, nhiều khi phải vật lên, lộn xuống, thậm chí phong bì các cửa thì mới có thể vay được vậy mà Lã Thị Kim Oanh vay hàng chục tỷ đồng cứ dễ như đi chơi vậy thì đằng sau đó phải có cái gì. 

Cũng phải nói thêm, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh gay gắt, kéo dài bởi nó bắt nguồn từ cơ chế lỏng lẻo và lòng tham ở những người có quyền lực.

Chỉ cần một cơ chế lỏng lẻo là phát sinh hàng loạt vấn đề và những kẻ tham nhũng sẽ xông vào khai thác sự lỏng lẻo đó. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề như giáo dục, kiểm tra cũng rất quan trọng.

Sắp tới sẽ xét xử vụ án của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu. Ông bố tham nhũng như thế thì làm sao dạy được con không tham nhũng.

Giả sử ông Mai Văn Dâu là người tốt thì làm sao ông ta không biết con mình ăn chơi như thế là do đồng tiền phạm pháp khi con ông chỉ là chuyên viên ở một vụ.

Thế nên, không chỉ luật pháp mà việc kiểm tra lẫn nhau, giữ được gia phong là điều cực kỳ quan trọng.

Đối với gia đình thì phải giữ gia phong, với Đảng thì phải giữ cho được điều lệ và kỷ luật Đảng. Vậy ông nghĩ gì khi một giám đốc, một đảng viên như Bùi Tiến Dũng mà báo chí gọi là “con bạc triệu đô la” khi bầu cử ở đại hội lại được số phiếu rất cao?

Đó là vấn đề cực kỳ phức tạp trong sinh hoạt Đảng khi bầu cử chúng ta bầu bằng phiếu kín. Thế thì có thể những người đã bầu cho Bùi Tiến Dũng chưa hiểu rõ về con người này trước khi vụ việc xảy ra.

Rồi có sự cảm tình hay ràng buộc với nhau gì đó. Sự phê bình và tự phê bình không được thực hiện tốt, cho nên nhiều việc không được đấu tranh, ngăn chặn, và để hiểu rõ con người.

Về phê bình và tự phê bình trong Đảng, có lần tôi đã nói tới ba vấn đề: phê bình cấp trên thì sợ bị trù dập; phê bình đồng cấp thì sợ bị coi là mất đoàn kết; phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu.

Nhiều cái sợ này tạo nên sự ràng buộc, do đó phải tìm cách gỡ được những cái “sợ” này.

Khuyết điểm chậm khắc phục sẽ thành nguy cơ

Xin trở lại hoạt động của Đảng ta, nhiều ý kiến cho rằng 5 năm qua tuy có không ít khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Theo ông sự lãnh đạo của Đảng đã theo kịp thực tiễn phát triển của đất nước chưa, Đảng ta đã thực sự lãnh đạo để khai thác tốt nhất những cơ hội đã có hay chưa?

Thời cơ và thách thức bao giờ cũng đan xen. Chính Đảng ta cũng đã tự phê bình là chưa khai thác hết những tiềm năng đang có để có thể phát triển nhanh hơn. Nhưng vấn đề là thời cơ nào mà chúng ta đã bỏ lỡ chứ không nói chung chung.

Ví dụ như chúng ta mở rộng thành phần kinh tế dân doanh, đầu tư nước ngoài mà hiện nay đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, nhưng nếu không cẩn trọng, không kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ bị lừa đảo ngay lập tức, ví dụ như vụ lừa lảo của công ty SITC đang được dư luận quan tâm, hay vụ án Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hòa. Như vậy, thời cơ bao giờ cũng kèm theo những thách thức không nhỏ.

Một thời cơ có thể nói là rất đáng tiếc đó là chúng ta để lỡ cơ hội gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2005 vừa qua mà nhiều ý kiến đánh giá rằng nếu như vào được WTO sẽ đem lại cho nước ta nhiều thuận lợi trong phương hướng phát triển kinh tế – xã hội những năm tới?

Đó cũng là một loại ý kiến. Nhưng cũng còn một loại ý kiến khác là chúng ta tích cực, có quyết tâm chính trị, nhưng bước đi nên thận trọng, không để cho nền kinh tế bị hẫng hụt, những gì chúng ta có thể nhân nhượng thì nhân nhượng còn những gì không  thể nhân nhượng thì cũng không nên nhân nhượng.

Tất nhiên là khi đàm phán thì không ai được cả, đã được cả thì cần gì phải đàm phán. Các nước đàm phán với ta cũng không mong muốn được cả, chúng ta cũng không bao giờ mong được cả.

Thế nên phải cân nhắc từng li từng tí xem được cái gì và thiệt cái gì. Tôi xin nói thêm là phát triển kinh tế là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải giữ được sự ổn định của đất nước.

Có một số người nói cứ kinh tế phát triển là tư tưởng được giải quyết. Khi làm Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tôi từng nói  và viết: Kinh tế phát triển nhưng tư tưởng có khi lại phức tạp, chưa chắc kinh tế đi lên mà tư tưởng đã đi lên và lòng dân đã yên.

Người ta thường nói ngày xưa chúng ta nghèo nhưng chúng ta thương nhau chứ làm gì có những chuyện thù hằn, hạ bệ nhau bằng cách dùng đến những thủ đoạn bỉ ổi đưa nhau vào tròng như bây giờ.

Cho nên nghèo, không có tiền thì rõ là khổ nhưng phát triển kinh tế, có nhiều tiền  chưa chắc đã sung sướng, hạnh phúc. Có tiền mà vợ nọ, con kia, chồng ăn nem, vợ ăn chả thì sung sướng nỗi gì.

Các cụ ngày xưa nói “quốc thù vị phục đầu tiên bạc”, đại ý là thù nước một đêm bạc trắng mái đầu.  Đó là những bậc vĩ nhân chứ còn chúng ta bây giờ chưa đến mức thù nước một đêm bạc trắng mái đầu.

Thế nhưng nếu con cái chúng ta mà dính vào ma túy thì có lẽ một đêm bạc trắng mái đầu thật. Thế nên tôi xin nhấn mạnh lại thời cơ bao giờ cũng chen lẫn thách thức.

Nhưng vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng là phải biết rõ thời cơ lẫn thách thức để nắm lấy thời cơ vượt thách thức, đó mới là điều quan trọng.

Nhưng cũng còn nhiều vấn đề thể hiện rõ nhất là ở những yếu kém như những công trình trọng điểm bị chậm tiến độ; thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; yếu kém trong GD - ĐT...cứ tồn tại từ năm này sang năm khác mà không tạo được chuyển biến rõ nét, có thể hiểu là Đảng ta chưa có sự quyết liệt trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc đó và điều này cũng làm mất đi nhiều thời cơ?

Riêng tôi nghĩ Đảng ta có quyết tâm về chính trị, có quyết liệt trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc đó. Xóa đói giảm nghèo đạt thành tích lớn, được thế giới công nhận.

Nhưng  còn nhiều vấn đề tìm ra được mô hình cụ thể, thích hợp, hiệu quả để giải quyết lại không đơn giản. Ví dụ một việc như việc chữa bệnh cho người nghèo thì chủ trương chúng ta có, sự quyết tâm cũng có, rồi có cả quỹ để chi trả, nhưng mô hình thế nào để thực hiện cho có hiệu quả lại không dễ dàng.

Trước tiên phải trả lời câu hỏi thế nào là người nghèo, bầu chọn xem ai là người nghèo cũng là chuyện phức tạp. Rồi đã là người nghèo rồi thì chữa ở đâu... 

Đảng ta cũng đã kiểm điểm về những việc chưa làm được thì thấy có những vấn đề như bên cạnh việc chưa tìm được mô hình cụ thể, thích hợp, hiệu quả thì có lúc việc nhận thức còn chưa thật giống nhau.

Mặt khác là việc tổ chức thực hiện, sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, đã có những trường hợp cán bộ, đảng viên không những không gương mẫu lại còn xà xẻo...

Những chuyện đó khiến cho có những thời cơ mà chúng ta bỏ lỡ, có những khuyết điểm chúng ta khắc phục chậm. Mà khuyết điểm chậm khắc phục thì sẽ trở thành nguy cơ. 

Độc lập, thống nhất và thoát nghèo – bước đột phá có dấu ấn lịch sử

Đảng ta sắp tổ chức Đại hội Đảng X, gần đây có những đồng chí  lãnh đạo, lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu đã phát biểu trên báo chí. Tâm trạng chung của họ là bày tỏ sự sốt ruột về đổi mới hoạt động của Đảng ta trước những vận hội mới của đất nước. Là một đảng viên, ông có thấy sốt ruột như họ  và ông có thể chia sẻ quan điểm với những ý kiến đó?

Tôi chia sẻ một phần những ý kiến đó. Có người phát biểu là hiện nay là “thời cơ vàng” cho phát triển thì sau đó cũng phải phát biểu lại  là bên cạnh thời cơ vàng, cũng lại có hiểm họa đen.

Chỉ nói thời cơ không là không thỏa đáng. Đặc điểm lịch sử của dân tộc ta, của Đảng ta là khi chúng ta bị thách thức thì chưa bao giờ chúng ta gục ngã mà lại vượt qua thách thức đó.

Nhưng khi đến đỉnh vinh quang, chúng ta cảm thấy thời cơ lớn thì chúng ta dễ chủ quan mà có lúc đã rơi vào vực thẳm. Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã có ý kiến nói rằng từ nay không nước nào dám xâm lược nước ta thì đùng một cái chiến tranh biên giới phía Bắc rồi biên giới Tây Nam xảy ra.

Trong văn kiện Đảng ta có hai lần ghi là thời điểm ngàn cân treo sợi tóc đó là sau Cách mạng Tháng Tám 1945  vào mùa đông 1946 giữa bối cảnh thù trong, giặc ngoài và thời điểm Liên Xô sụp đổ,  phe XHCN tan rã thì ở cả hai thời điểm đó chúng ta đều vượt qua.

Nhưng sau chiến thắng quá vĩ đại 30/4/1975 thì chúng ta có tâm lý thỏa mãn, tưởng rằng cái gì cũng có thể làm được và chúng ta bắt đầu nóng vội thì xã hội lâm vào khủng hoảng.

Có ý kiến nói các Hội nghị Trung ương và dự thảo báo cáo chính trị tuy có nhiều đổi mới quan trọng nhưng vẫn chưa thấy bước đột phá nào về hướng đi của nước ta, của Đảng ta  một cách rõ ràng, mạch lạc?

Trong dự thảo Báo cáo chính trị đều có nói tới các  trọng điểm tập trung sức thực hiện, nhưng điều quan trọng là  cái đích của nước ta phải đạt tới trong 5 năm tới là cực kỳ quan trọng.

Đó là 5 năm cuối cùng của chiến lược  phát triển kinh tế – xã hội 10 năm đầu thế kỷ 21.  Nếu chúng ta phấn đấu đạt được như chỉ tiêu Đại hội đề ra là đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển thì đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Vì sao thế? Chúng ta thường nói với nhau rằng chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là những chiến thắng vĩ đại, có ý nghĩa bước ngoặt.

Nhưng lịch sử nước ta  cũng đã ghi nhận nhiều chiến thắng chống quân xâm lược rất vĩ đại như ba lần thắng quân Nguyên đời Trần v.v… thế mà cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, và nhân dân vẫn là phận thần dân.

Nhưng nếu đến 2010, chúng ta phát triển kinh tế đạt được mức thu nhập bình quân 950 đô la Mỹ/đầu người, vượt qua “ngưỡng” của một nước nghèo, nước chậm phát triển, thì đây là lần đầu tiên đất nước độc lập, thống nhất và thoát nghèo.

Tôi cho rằng đó sẽ là bước đột phá có dấu ấn lịch sử. Dự thảo báo cáo chính trị lần này còn ghi rõ là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Ông mong muốn điều gì ở Đại hội lần này?

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng  là vấn đề có ý nghĩa quyết định  để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Phải nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng,  là vấn đề rất lớn. Phải thu hút trí tuệ của toàn dân tộc để  nâng cao trí tuệ của Đảng, để Đảng ngang tầm lịch sử giao phó vì Đảng ta sinh ra từ dân tộc. 

Đảng phải có bản lĩnh vạch ra đường lối đúng, phải có bản lĩnh tổ chức thực hiện những đường lối đó, phải có bản lĩnh xử lý tình huống đúng đắn và khôn khéo và đặc biệt phải có bản lĩnh xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch để làm gương cho xã hội, thì mới xứng đáng với vai trò, ngang với tầm nhiệm vụ dân tộc giao cho. Làm được như vậy thì Đảng luôn luôn xứng đáng với vị trí lãnh đạo của dân tộc.

Ông có nghĩ rằng Đại hội Đảng X sẽ đáp ứng được những kỳ vọng trên?

Tôi chỉ là một đảng viên bình thường, tôi hết sức tin tưởng, vì đại hội nào cũng có vấn đề của nó, xung quanh phương hướng, cương lĩnh của Đảng. 

Về cương lĩnh của Đảng năm 1991, khi nói lại nhiều người thường quên mất một từ rất quan trọng, đó là nói sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, thì thiếu mất từ đúng.

Sự lãnh đạo đúng của Đảng mới là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Còn lãnh đạo sai thì không phải là nhân tố quyết định thắng lợi mà là nhân tố của thất bại.

Vậy nên phải có sự phản biện, giám sát của xã hội, của nhân dân, để nâng tầm trí tuệ của Đảng. Sự nghiệp đổi mới của Đảng ta là bắt đầu từ sáng kiến của nhân dân, từ địa phương lên. 

Sự đúng đắn của Đảng là tổng kết những sáng kiến của nhân dân và của địa phương nâng lên thành chính sách quốc gia, điều đó là quan trọng nhất, là điều vinh dự, chứng tỏ Đảng ta luôn luôn gắn bó với nhân dân, tiếp thu những kinh nghiệm từ nhân dân.

Nhìn lại, những sự đổi mới đầu tiên không phải là sáng kiến của Đảng mà từ khoán hộ của ông Kim Ngọc, cho đến kinh nghiệm tự chủ xí nghiệp của ông Long,  ngành dệt kinh nghiệm một giá của ông Tư Giao ở Long An.

Cái chính là Đảng ta đã tổng kết  lại và nâng  lên thành chính sách vĩ mô.  Lịch sử đổi mới của đất nước ta có đặc diểm quan trọng đó.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Khôi – Võ Văn Thành thực hiện

MỚI - NÓNG