Kịch bản di dân nếu đập thủy điện vỡ

Kịch bản di dân nếu đập thủy điện vỡ
TP - Ngày 2-10, đoàn công tác của Quân khu V, do Phó tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn dẫn đầu, có chuyến khảo sát thực tế và kiểm tra việc xây dựng phương án di dời, sơ tán dân trong vùng chịu ảnh hưởng động đất ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

> Phải lo an toàn cho dân trước

Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My đã công khai kế hoạch sơ tán người dân vùng hạ lưu thủy điện khi vỡ đập cho đoàn công tác cùng góp ý kiến.

Một trong những yêu cầu của chính quyền huyện Bắc Trà My và tỉnh Quảng Nam trong sự cố thủy điện Sông Tranh 2 là vấn đề minh bạch, công khai thông tin.

Phương án di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra động đất mạnh dù đã được xây dựng nhưng từ trước tới nay chưa được phổ biến tới người dân, vì sợ ảnh hưởng tâm lý của bà con, nay cũng cần được công khai để người dân biết, chủ động đối phó.

Trong kịch bản của mình, BCH quân sự huyện Bắc Trà My đưa ra các tình huống giả định và phương án sơ tán dân khi đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ.

Theo đó, sẽ có hàng chục nghìn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My phải sơ tán đến các điểm cao gần nhất so với địa điểm sinh sống.

Tại mỗi điểm sơ tán, công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn cũng được đưa ra tùy đặc điểm địa hình, số lượng dân và độ dâng của nước lũ.

BCH quân sự tỉnh sẽ triển khai hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Sở Y tế để sẵn sàng xử lý mọi tình huống.

Trên cơ sở kế hoạch sơ bộ, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn chỉ đạo, phải tính đến các công việc chi tiết nhất như quãng đường đi, phương tiện, thời gian sơ tán, hiệu lệnh trong từng phương án.

Trong mọi diễn biến thiên tai thì phương châm 4 tại chỗ là quan trọng nhất. Ngay từ bây giờ chính quyền, ngành chức năng và các đơn vị quân đội phải triển khai tới tận người dân để họ biết phải làm gì khi xảy ra sự cố. Động đất, vỡ đập nếu xảy ra cùng một lúc thì không dễ tiếp cận được dân.

Theo Thiếu tướng Nhơn, dù cơ quan chuyên môn có báo cáo là an toàn đến cỡ nào nhưng một khi còn động đất thì người dân còn không yên. Phương án sơ tán, di dời dân cần phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và chủ động nhất, không có việc gì phải bí mật.

Phải cho từng người dân biết được rằng, nếu điều xấu nhất không xảy ra thì đó là điều may mắn, còn ngược lại thì bà con có chính quyền, có đoàn thể và quân đội sát cánh.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết, những ngày qua, chính quyền và đoàn thể liên tục xuống địa bàn để trấn an người dân. Tâm lý hoang mang đã giảm, nhưng nỗi lo sợ vẫn luôn thường trực.

“Cơ quan chuyên môn nói đập an toàn, có thể chịu được động đất cấp 9 hay 5,5 độ Richter, nhưng khi đó nhà dân cũng đã không còn”, ông Phong nói.

Thủy điện Trị An tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du

TPHCM  - Từ 11 giờ ngày 2-10, Cty Thủy điện Trị An tăng lưu lượng nước xả qua tràn từ 930 lên 1.250 m3/giây. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du lên tới 2.130 m3/giây.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều cùng ngày, đại diện Cty cho biết, trên thượng nguồn sông Đồng Nai đang xuất hiện lũ lớn, nên phải tăng lưu lượng xả tràn nhằm đảm bảo an toàn cho đập thủy điện.

Việc hồ Trị An tăng lưu lượng xả tràn gây nhiều lo ngại cho người dân đang nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ du sông Đồng Nai bởi cách đây ít ngày, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Vĩnh Hưng và nhiều hộ dân ở TP Biên Hòa, (tỉnh Đồng Nai) bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng do thủy sản đang nuôi tràn ra sông (Tiền Phong đã thông tin).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG