65 năm báo Tiền Phong

Kiếm được chồng nhờ xuyên rừng làm phóng sự

Huỳnh Thủy trong một lần tác nghiệp
Huỳnh Thủy trong một lần tác nghiệp
TP - Sau 4 năm kể từ lần vào vai vợ lái xe chở gỗ cùng “chồng” xuyên rừng làm phóng sự về nạn phá rừng, nữ cộng tác viên Tiền Phong và anh lái xe đó giờ đã nên duyên vợ chồng cùng xây dựng tổ ấm hạnh phúc.

Tháng 2/2014, cô sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chuyên ngành Cử nhân Báo chí - là tôi, được chị Hoàng Thiên Nga, Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đồng ý nhận vào thực tập. Nữ nhà báo sắc sảo này đã rèn giũa tôi nghiêm khắc, tỉ mỉ từ tác phong, lễ nghĩa, tới cách phát hiện đề tài, viết tin bài, chọn góc chụp ảnh thế nào để có thể được đăng trên báo Tiền Phong.

Hết chuyến thực tập, tốt nghiệp ra trường, tôi quay lại xin làm “lính” cho Tiền Phong. Thấm thoát tới nay đã hơn 4 năm làm báo, tôi vẫn được độc giả nhớ nhất về bài báo đầu tay thực hiện cùng với Trưởng ban, với tít phóng sự không lẫn vào đâu được, là “Theo đại xa điều tra phá rừng” đăng trên Tiền Phong vào tháng 4/2014.

 Tôi sinh ra, lớn lên ở huyện biên giới Ea Súp - nơi thường gọi là chốn rừng xanh nhưng nay đã hoang tàn vì nạn khai thác gỗ trái phép. Dân chúng bất bình, nhiều lần báo động các cơ quan chức năng, nhưng chỉ như “đá ném ao bèo”. Máu rừng vẫn chảy khiến dân mất niềm tin. Từ mong muốn được ra trận để góp phần “vạch mặt” những tay buôn gỗ lậu, cán bộ kiểm lâm biến chất tiếp tay cho nạn phá rừng, tôi báo cáo với Trưởng ban ý định nhập vai theo cánh buôn gỗ lái xe xuyên rừng. Chị lo lắng, kiểm tra kỹ lưỡng mọi vấn đề liên quan, thấy khá an toàn rồi mới đồng ý để tôi vào vai ... “vợ” bác tài lái xe chở gỗ.

Trước đó, qua vài mối quan hệ thân thiết, tôi đã quen anh Lê Trương Quân là lái xe chuyên chở gỗ rừng cho... lâm tặc. Khi đó, anh Quân mới bị người yêu “cắm sừng” vì tội “ngủ rừng nhiều quá”. Đang lúc thất tình, gặp nữ xin cùng đi nên anh đồng ý luôn. Sau 5 ngày đêm xuyên rừng cùng những chuyến xe quá tải lặc lè gỗ, tôi thấm thía ngậm ngùi cho những phận đời thuê mướn. Họ chấp nhận đổ mồ hôi và có khi cả mạng sống của mình để móc nối lâm tặc, đầu nậu, những cán bộ thoái hóa biến chất đang từng ngày phá nát rừng xanh chỉ vì miếng cơm, manh áo.

Quân mất việc, nhưng anh không hề trách móc mà còn động viên, an ủi khiến tôi cảm động. Từ đó, chúng tôi mới thật sự gắn bó với nhau sau nửa năm quen biết.

Chuyến đi đã phần nào hé lộ đường đi của gỗ rừng, phí “đi đường” đóng cho các chốt kiểm lâm cũng như cuộc sống khổ sở “ăn rừng, ngủ rừng” của những người mang danh “lâm tặc”. Phóng sự “Theo đại xa điều tra phá rừng” do tôi đi thực tế về trình bày, được Trưởng ban chắp bút sửa kỹ lưỡng từng câu đăng trên Tiền Phong đã tạo được tiếng vang lớn, thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc, hoạt động mua bán, khai thác gỗ rừng Ea Súp bị ngưng lại. “Miếng ăn” của chủ buôn gỗ bị chặn, lập tức họ quay sang “khủng bố” tác giả lẫn người cung cấp thông tin. Quân mất việc, nhưng anh không hề trách móc mà còn động viên, an ủi khiến tôi cảm động. Từ đó, chúng tôi mới thật sự gắn bó với nhau sau nửa năm quen biết. Mối quan hệ này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ hai bên gia đình, song cả hai đều thấy cần có nhau nên kiên trì thuyết phục các bậc phụ huynh. Hoãn đi hoãn lại nhiều lần, tới tháng 2/2015 hai bên gia đình mới đồng ý cho chúng tôi làm đám cưới.

Rời bỏ lối kiếm sống phạm pháp, anh Quân xin lái xe chở hàng cho doanh nghiệp tư nhân, dù lương thấp nhưng tâm trí ổn định, không còn phải “chui rừng” kham khổ như trước. Có vợ làm báo, anh siêng đọc báo, nghe đài để nắm thông tin nhân vật hoặc đi huyện thấy cái gì hay, mới lạ đều lưu lại địa chỉ về “mách” cho vợ tìm hiểu viết bài.

Kiếm được chồng nhờ xuyên rừng làm phóng sự ảnh 1 Tổ ấm nhỏ của Huỳnh Thủy

Thấu hiểu công việc làm báo của vợ vất vả, nhiều khi phải lênh đênh đường dài, nhiều lần anh tình nguyện làm tài xế đèo vợ đi tác nghiệp. Cũng tháng này năm trước tôi đăng ký thực hiện một đề tài tết ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Con nhỏ mới 3 tháng tuổi, anh Quân đồng ý đèo xe máy chở tôi từ Buôn Ma Thuột sang Đà Lạt, tác nghiệp nhanh gọn để kịp quay về nhà trong ngày. Quãng đường đi và về hơn 400 cây số, hai vợ chồng phải di chuyển liên tục, lại còn bị lạc đường đến khuya mới về tới nhà. Dù mệt mỏi, đói khát, chúng tôi vẫn vui vì nhờ có chuyến đi này, mà tôi mới lần đầu tiên có được một bài “hoành tráng” đăng trên báo Tiền Phong số Tết Nguyên đán.

Tôi tự hào về người chồng lái xe luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cô vợ nghiện nghề làm báo của mình được thoải mái tác nghiệp. Mặc ai “đứng núi này, trông núi nọ”, tôi vẫn nghĩ chắc gì những người quần áo láng bóng, bảnh bao kia biết yêu vợ, thương con bằng anh bạn chất phát, nhìn quê quê giống người rừng ra phố như bác tài nhà mình? Hiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc mình yêu thích và có một gia đình nhỏ ấm cúng. Tôi luôn thầm cảm ơn Tiền Phong đã “bắc cầu” cho chuyến xuyên rừng, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời.

Bốn năm học việc và làm báo cùng Tiền Phong, tôi đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quý báu về cách làm báo hiện đại. Bận rộn chăm 2 con nhỏ sinh liền nhau, tôi chưa đáp ứng đủ mọi yêu cầu để trở thành một phóng viên chính thức. Tuy nhiên, là một cộng tác viên được Tiền Phong tin cậy, tôi đã có thể cùng chồng vun vén cho tổ ấm gia đình bằng nghề báo chân chính.   

MỚI - NÓNG