Kiểm soát chất lượng chưa chặt, đường sắt đô thị thiếu an toàn

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được nhận định là phá vỡ cảnh quan và không an toàn. Ảnh: T.Đ
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được nhận định là phá vỡ cảnh quan và không an toàn. Ảnh: T.Đ
TP - Kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ là nguyên nhân khiến tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) bị nhận định là mất mỹ quan và thiếu an toàn.

> Mất mỹ quan và thiếu an toàn

Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được nhận định là phá vỡ cảnh quan và không an toàn. Ảnh: T.Đ
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được nhận định là phá vỡ
cảnh quan và không an toàn. Ảnh: T.Đ.
 

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông) cho biết như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong.

Ông nghĩ gì khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) nhận định tuyến ĐSĐT mất mỹ quan và thiếu an toàn?

HĐNTNN nhận định như vậy cũng một phần chưa được thông tin đầy đủ về dự án cũng như những giải thích đầy đủ về các điều kiện triển khai. Với những vấn đề HĐNTNN nêu ra chính xác, chúng tôi sẽ có biện pháp khắc phục, với những vấn đề chưa hợp lý chúng tôi sẽ có văn bản giải trình.

Vì sao HĐNTNN cho rằng, tuy đã triển khai nhưng dự án vẫn chưa có chỉ dẫn kỹ thuật theo quy định?

Khi kiểm tra công trình HĐNTNN đã lấy quyết định 25 của Bộ GTVT ra đối chiếu. Theo quy định này, Bộ GTVT yêu cầu, từng gói thầu, dự án đều phải viết một chỉ dẫn kỹ thuật riêng. Nhưng với dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công nên dự án được thực hiện theo bộ quy chuẩn cho hệ thống tàu điện ngầm của nước bạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà thầu, đối với loại công việc gì mà chưa có trong bộ quy chuẩn này thì nhất thiết phải viết chỉ dẫn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Doanh
Ông Nguyễn Văn Doanh .
 

Các trắc dọc và dầm hộp được HĐNTNN cho là xây cao, phá vỡ cảnh quan sẽ gây bụi và ồn ào. Cơ sở, tiêu chí nào để thiết kế như vậy?

Trước khi lựa chọn trắc dọc (bệ đỡ dầm - PV) chúng tôi đã đưa ra 3 phương án về độ cao như: thấp (7m), trung bình (12m), cao (14m). Sau khi nghiên cứu và xem xét đến cả yếu tố cảnh quan, chúng tôi đã chọn phương án xây trắc dọc trung bình, tức là trắc dọc của tuyến sẽ cao từ 9 đến 12m tuỳ thuộc vào địa hình.

Đây được xem là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh tuyến đường phải đi qua nhiều khu dân cư, tuyến đường cắt ngang, cần phải có độ tĩnh không bên dưới khoảng 4,75m để ô tô có thể qua lại dễ dàng.

Tiếp đến dầm cũng cần khoảng 2,2m và tầng sảnh để khách đi lại cũng cần khoảng 3m. Tiêu chí lựa chọn này cũng đã được Hội đồng kiến trúc sư thành phố Hà Nội thông qua và nhất trí cho triển khai.

Nếu nói dầm gây bụi là chưa có cơ sở vì ĐSĐT hoạt động ở trên cao, không tiếp đất. Riêng với nhược điểm ồn và rung do quá trình cọ sát giữa bánh - đường ray, chúng tôi đã có giải pháp bổ sung thêm bộ đệm và các liên kết hàn giảm va chạm, cùng với đó lắp các vách cách âm... Không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới cũng đã sử dụng trắc dọc và dầm hộp theo các thông số trên cho hệ thống ĐSĐT của mình.

Còn việc chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện chưa tốt vai trò quản lý chất lượng công trình, thì sao?

Khâu kiểm soát năng lực của chuyên gia làm công tác tư vấn giám sát chất lượng của chủ đầu tư chưa được chặt chẽ, quy trình tư vấn giám sát của nhà thầu cũng chưa đầy đủ. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm sâu sắc và đã có yêu cầu Ban quản lý dự án chấn chỉnh việc này.

Cảm ơn ông.

Trọng Đảng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG