Kiểm tra 'lấy lệ' làm sao phát hiện được trẻ em bị xâm hại

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
TP - Ngày 5/6, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, trong đó vấn đề xâm hại trẻ em và trách nhiệm của bộ đã được đặt ra.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, trách nhiệm cơ quan quản lý còn chậm trễ, mờ nhạt.

Bà Ninh Thị Hồng đánh giá, thời gian qua các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em được dư luận đưa tin rất nhiều, chúng ta rất đau xót và phẫn nộ. Qua các vụ việc đó, chúng ta phải đặt câu hỏi: “Tại sao cơ quan quản lý nhà nước không bao giờ phát hiện được vụ việc nào, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước ra sao? Khi cán bộ đông, ngành nhiều, kiểm tra, giám sát kiểu gì mà hầu hết các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em đều do báo chí điều tra, hoặc nội bộ các trường tố ra ngoài?”.

Trả lời câu hỏi trên, bà Hồng cho rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước rất hình thức. Bà Hồng kể, cũng từng được mời tham gia một số đoàn kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, từ khâu lập đoàn, xây dựng đề cương, thông tin tới đơn vị sẽ kiểm tra, cả đoàn kéo tới rầm rộ, nghe đơn vị báo cáo thành tích, xong rồi về. “Với cách kiểm tra giám sát như vậy làm sao phát hiện được bất cập. Khi có đoàn kiểm tra mọi thứ đều tươm tất, nhưng đoàn đi đâu lại vào đấy”, bà Hồng nói. Theo bà, chỉ khi dư luận đưa ra các vụ bạo hành trẻ em, khi đó mới thấy các lãnh đạo lên tiếng, rồi nói phải thế này, thế kia.

Vậy còn về nạn xâm hại tình dục với trẻ em, bà đánh giá sao?

Đau xót nhất là các vụ việc người thân, như cha dượng, bác, chú xâm hại trẻ em, đó là thực trạng báo động về suy đồi đạo đức. Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý với các vụ việc xâm hại trẻ em cũng chưa mấy hiệu quả. Vừa qua, một số vụ dư luận gây sức ép, hoặc vụ việc đơn giản cơ quan chức năng mới xử lý dứt điểm. Còn các vụ việc hóc búa, nhiều yếu tố, có vẻ như các cơ quan nhà nước chưa đủ quyết liệt, trẻ bị xâm hại thời gian dài không ai phát hiện. Như vụ cháu H.M.K (13 tuổi, ở Cà Mau) bị xâm hại tình dục, gia đình báo công an nhưng không được xử lý, tới mức uất ức phải tự tử mới được xã hội lưu tâm. Chỉ khi cháu bé tự tử, dư luận vào cuộc, luật sư tới hỗ trợ, Thủ tướng có ý kiến, cơ quan chức năng mới khôi phục điều tra. Điều đó đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của cơ quan chức năng.

Chậm trễ, bưng bít thông tin

Theo bà, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chính, Bộ LĐ-TB&XH đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Phải chăng hiệu quả, hiệu lực của hoạt động cơ quan nhà nước chưa cao, nên các vụ xâm hại trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra?
Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em, Chính phủ đã lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em, có đường dây nóng (số 111)... Nhưng đó là ở tầm cao, còn hoạt động cụ thể chưa đủ độ, ngân sách hạn chế, nên về cấp địa phương cũng chỉ mang tính hình thức, hô hào khẩu hiệu là chính. Tiếng nói của Bộ LĐ-TB&XH về các địa phương cũng ít được
quan tâm.

Từ vụ việc ông Nguyễn Khắc Thủy ở Bà Rịa - Vũng Tàu dâm ô trẻ em bị khởi tố, phạt tù, có vẻ như Bộ LĐ-TB&XH vẫn còn chậm trễ, thiếu chủ động trong việc thực hiện chức trách của mình?
Nếu theo vụ án này từ đầu, rõ ràng Bộ LĐ-TB&XH và các ngành chức năng địa phương đã  có phần chậm trễ, mờ nhạt và không nắm được vụ việc. Thậm chí, khi báo chí lên án, hội chúng tôi cũng có ý kiến, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, các ngành chức năng mới vào cuộc nhưng chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH chỉ đưa ra sau khi có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ. Tới thời điểm sau phiên tòa phúc thẩm, ông Thủy được tuyên án treo, các ban ngành có ý kiến cả, sau đó Bộ LĐ-TB&XH mới lên tiếng. 

Theo bà, chúng ta cần làm gì để nâng cao vai trò của cơ quan nhà nước trong bảo vệ quyền trẻ em?

Tôi có cảm nhận các cơ quan nhà nước đang giảm sức chiến đấu, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng tới quan hệ với bộ ngành, đơn vị khác. Nên khi có ý kiến với các vụ việc xâm hại trẻ em đều chỉ nói chung chung, né tránh. Việc chỉ rõ mặt ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm chưa thấy làm, vẫn còn né tránh, thậm chí bưng bít thông tin. Nếu bí mật thông tin để bảo vệ các em thì được, nhưng bưng bít cả thông tin đối tượng xâm hại trẻ em thì không chấp nhận được.

Xin cảm ơn bà!

"Tôi có cảm nhận các cơ quan nhà nước đang giảm sức chiến đấu, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng tới quan hệ với bộ ngành, đơn vị khác."

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
MỚI - NÓNG