Kiểm tra mà không phát hiện 'rượu độc' gây chết người

Kiểm tra mà không phát hiện 'rượu độc' gây chết người
TP - ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An lên tiếng sau vụ ngộ độc rượu làm chết 6 người tại Quảng Ninh do sử dụng rượu của Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội. Theo bà, trong vụ việc có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường.

> Rượu nếp 29 Hà Nội bị pha nhầm... cồn đánh vecni
> Hơn 10.000 lít rượu độc được 'phù phép' thành rượu an toàn

Bà Bùi Thị An nói: Đến nay, toàn bộ sản phẩm của Cty đã bị niêm phong, đình chỉ hoạt động, khởi tố vụ án. Địa điểm chính của Cty cũng bị đóng cửa. Tôi nghĩ là Thành ủy, UBNDTP đã chỉ đạo rất sát sao để làm rõ vi phạm cũng như trách nhiệm trong vụ việc này.

Thực tế, sau khi sự việc xảy ra các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt và trách nhiệm để xử lý vụ việc, cũng như ngăn ngừa hậu quả tiếp theo.

ĐBQH Bùi Thị An
ĐBQH Bùi Thị An .

Theo Sở Công thương Hà Nội cả 5 lần kiểm tra (giai đoạn 2008-2013) Cty này đều sai phạm nhưng chỉ xử lý hành chính, lần kiểm tra mới đây nhất (10/2013) đã không phát hiện Cty sản xuất hàng ngàn lít rượu độc (nồng độ methanol vượt ngưỡng hàng trăm lần), trong đó 10.000 lít đã tiêu thụ tại Quảng Ninh, Hải Dương?

Tôi có nói với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị “chuyện này nó có vấn đề anh ạ”. Bí thư cũng nói rằng “tới đây phải kiểm tra đột xuất chứ không thể để như vậy được

ĐBQH Bùi Thị An

Có vấn đề ở đây. Trước hết là vấn đề về phương pháp kiểm tra. Họ đã kiểm tra, năm nào cũng kiểm tra nhưng lại không phát hiện ra rượu độc.

Có hai câu hỏi phải làm rõ: Hoặc là khi kiểm tra, họ cố tình gian dối, đưa sản phẩm để kiểm tra là sản phẩm tốt; Hoặc là người đi kiểm tra làm không đúng, nhưng bây giờ mình không có bằng chứng.

Cho nên chỉ có thể nói là việc kiểm tra không tốt, không đạt yêu cầu. Năm nào cũng kiểm tra và chỉ phát hiện ra một số vấn đề thôi, còn mấu chốt là anh không phát hiện được lô rượu độc để hậu quả xảy ra làm chết người, thế thì anh cũng phải có trách nhiệm ở chỗ đấy.

Vậy có thể nghĩ rằng trong chuyện này cán bộ làm chưa hết trách nhiệm, năng lực yếu kém hay có vấn đề tiêu cực gì không, thưa bà?

Bây giờ cũng chưa thể đưa ra phán đoán cụ thể được vì họ công bố hàng năm đều có kiểm tra rồi. Nhưng cũng nên đặt vấn đề, một là năng lực quá kém không phát hiện ra hoặc họ cố tình đánh tráo sản phẩm khi kiểm tra. Tôi nghĩ phải đặt vấn đề là vì sao không kiểm tra đột xuất, kiểm tra seri sản phẩm. Còn nếu cứ xuống kiểm tra theo cách như thế thì không giải quyết được chuyện gì. Qua vụ việc này, đây là cái phải bàn để làm tốt hơn.

Bây giờ, dư luận có nói rằng, cứ khi sự việc xảy ra thì các cơ quan chức năng lại biện giải họ đã làm đúng quy trình rồi, nhưng cuối cùng hậu quả lại rất nghiêm trọng. Thủy điện xả lũ đúng quy trình, đường sá nghiệm thu đúng quy trình, thủ tục đấu thầu đúng quy trình; và chuyện này cũng thế - năm nào cũng kiểm tra và hậu quả là chết người như thế!

Trong vụ Cát Tường, Bộ trưởng Y tế đã phải xin lỗi với dân ngay tại diễn đàn Quốc hội. Vụ “Rượu 29 Hà Nội” gây chết nhiều người có nguyên nhân từ khâu kiểm tra, quản lý, để lọt lưới ra thị trường hàng ngàn lít rượu độc. Trong vụ việc này cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?

Việc này có hai phần, một là quản lý thị trường và các cơ quan chuyên môn để chất lượng sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn đưa ra tiêu thụ; thứ hai là khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả, đình chỉ sản xuất đã làm khá kịp thời, gắt gao rồi. Giải pháp như thế là ổn rồi.

Tuy nhiên, câu chuyện quản lý nhà nước phải xem lại, để sản phẩm lọt lưới gây chết người thì đấy là trách nhiệm quản lý nhà nước. Theo tôi nghĩ trách nhiệm đó có phần trước hết thuộc quản lý thị trường của thành phố.

Vì sao kiểm tra mà không phát hiện, vì có vấn đề trong kiểm tra, kiểm tra không phát hiện ra thì tức là có vấn đề về quản lý nhà nước.

Cảm ơn bà!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG