Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp

Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”
Hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”
TPO - Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán cho thấy, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế. Công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp.

Trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp, tinh vi

Sáng 9/5, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”. Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế.

Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. Ở Việt Nam, thuế đã thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thu thuế trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên theo ông Tiên, những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, sự lành mạnh của thị trường và an ninh tài chính quốc gia, việc phòng chống gian lận về thuế là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ. Ngoài ra chống gian lận thuế, trốn thuế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của công chúng và cần phải được thực hiện một cách triệt để.

Cũng theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, kết quả kiểm toán cho thấy, mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế. Công tác thanh, kiểm tra thuế còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp như: Áp dụng không đúng thuế suất thuế GTGT, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế TNDN và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng.

Ngoài ra, qua kiểm toán đã phát hiện một số bất cập, sai phạm về tuân thủ pháp luật thuế mang tính phổ biến, như một số đối tượng nộp thuế chưa tuân thủ đúng pháp luật trong kê khai, nộp thuế; công tác điều hành, quản lý thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại một số địa phương chưa đảm bảo quy định của Nhà nước; nhiều đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh…

Từ thực trạng trên, mục đích của hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý thuế và những ảnh hưởng của tình trạng gian lận thuế, trốn thuế đến ngân sách quốc gia và kỷ luật, kỷ cương của nền tài chính quốc gia. Đồng thời tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, góp phần vào việc làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia…

Tiền thuế của dân được sử dụng ra sao?

PGS,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, kiểm toán thuế là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp. Điều quan trọng hơn là đánh giá và xác nhận sự tuân thủ luật pháp của các đối tượng nộp thuế, của người quản lý thuế và đánh giá tác động của các chính sách thuế đến kinh tế vĩ mô, đến các nhóm lợi ích, các quan hệ đa chiều trong đời sống kinh tế xã hội.

Trong mọi nền kinh tế, thuế là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và là công cụ để nhà nước thực thi những nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xã hội. Do đó, ông Thanh cho rằng, kiểm toán về thuế cần chú trọng nhiều hơn kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quản lý thuế. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Cần hiểu rằng, thuế không chỉ là nguồn thu của nhà nước mà quan trọng hơn, chính sách thuế phải là công cụ điều tiết vĩ mô, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Thuế thu được rồi nhưng điều tiết và phân bổ thế nào, cách sử dụng tiền thuế của dân ra sao? Điều này đòi hỏi sự vào cuộc cũng như vai trò của kiểm toán nhà nước. Ở các nước họ đòi hỏi công khai tiền thuế được sử dụng thế nào, nếu làm không tốt, không đúng người ta sẽ biểu tình”, ông Thanh cho hay.

Chỉ ra rất nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc nộp thuế, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần quán triệt tới cán bộ toàn ngành thuế tinh thần “lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm và sự hài lòng của người nộp thuế là thước đo, là động lực của mình trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế”. Điều này để hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế từ khâu tra cứu, tiếp cận thông tin, đến lập hồ sơ, gửi và nhận kết quả.

MỚI - NÓNG