Kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng: 'Trên nóng' dưới phải 'ấm' theo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc
TP - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và khẳng định, dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào đại hội sắp tới. “Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”.

Cùng với việc kiểm tra xuống tận cấp huyện, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương còn tham mưu để Ban Bí thư ban hành quy định về chỉ đạo của UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đây là một công cụ quan trọng nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở các cấp dưới.

“Mở đường” xử lý gian lận thi cử

Vụ gian lận thi cử “lớn nhất từ trước đến nay” xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La làm rung động cả nước. Điều đáng nói là dù đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can nhưng việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo quản lý vẫn hết sức chậm trễ. Bên cạnh đó, việc “điểm mặt, chỉ tên” những lãnh đạo, đảng viên của 3 địa phương trên có con em nằm trong diện nâng điểm được dư luận nêu ra, nhưng việc xử lý theo các quy đinh của Đảng về trách nhiệm nêu gương vẫn hết sức chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận.

Một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) cho biết, qua xem xét, năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, trong đó tập trung vào việc gian lận thi cử. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, UBKT T.Ư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT và ông Cầm Ngọc Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT, trên cơ sở tờ trình của UBKT T.Ư, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và khẳng định, dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào đại hội sắp tới. “Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”. 

Từ vụ việc ở Sơn La, UBKT T.Ư yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT, UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo UBKT Trung ương.

Khắc phục “trên nóng dưới lạnh”

Ngay lập tức, kết luận và chỉ đạo của UBKT T.Ư đã “mở đường” buộc các cấp ủy địa phương phải vào cuộc trong việc xem xét và xử lý trách nhiệm của các cán bộ và phụ huynh có liên quan đến việc con em nằm trong diện được “nâng điểm”. Tháng 6/2019, Tỉnh ủy Hà Giang thông báo thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT liên quan vụ gian lận thi cử tại tỉnh này.

Tại tỉnh Hòa Bình, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hòa Bình năm 2017, năm 2018. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT bằng hình thức cách chức.

Kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng: 'Trên nóng' dưới phải 'ấm' theo ảnh 1 Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố bị can Nguyễn Thị Hồng Nga - một bị can trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La ảnh cơ quan điều tra cung cấp

Đặc biệt, lần đầu tiên UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình công bố 5 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đề nghị Đảng ủy các cấp xem xét xử lý. Đó là các ông: Bùi Văn Thắng (nguyên Giám đốc Sở GTVT), Trần Văn Tiệp (Giám đốc Sở NN&PTNT), Đỗ Hải Hồ (Giám đốc Sở KH&CN), Nguyễn Anh Tuấn (Phó Cục trưởng Cục Thuế), Phạm Hồng Hải (Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình).

Song song với việc xử lý này vụ việc liên quan đến gian lận thi cử ở Sơn La, UBKT T.Ư cũng soạn thảo dự thảo quy định về chỉ đạo của UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đây là một công cụ quan trọng nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tháng 6/2019, Ban Bí thư cũng đã ban hành quy định trên. Theo đó, cơ quan cấp trên tập trung chỉ đạo cơ quan kiểm tra cấp dưới trong việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng. Đặc biệt, UBKT cấp trên có quyền yêu cầu UBKT cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc lên để xem xét, xử lý khi có căn cứ cho thấy cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức với đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Xử nghiêm, không sợ thiếu người làm

Không chỉ vụ việc ở Sơn La, từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, thanh tra tiếp tục được các cấp ngành quan tâm theo đúng tinh thần “lò nóng lên rồi củi khô, củi tươi cũng cháy”. Theo báo cáo, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã xem xét và kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Nhiều vụ việc nghiêm trọng cũng đã được UBKT T.Ư xem xét như những vi phạm xảy ra liên quan đến Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Hay các vi phạm xảy ra trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Bộ GTVT, gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Qua xem xét nhiều cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT T.Ư kỷ luật.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mỗi lần họp Ủy ban Kiểm tra hay có tòa tuyên xử là nhân dân rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng, liệu xây dựng Đảng, chống tham nhũng ấy có duy trì được không? Có tiếp tục làm mạnh không hay chùng xuống? Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, là sự ủng hộ chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa”.

Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. “Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của nhân dân, mong muốn của Đảng ta”.  

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.