Kiên Giang: 150 ngàn đồng/m3 nước!

Kiên Giang: 150 ngàn đồng/m3 nước!
Hạn hán tại vùng ĐBSCL không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, mà còn làm cho hàng chục vạn người phải đối mặt với cơn khát.

Giá nước ở vùng biên giới TX Hà Tiên cho dù đã được khống chế  nhưng đã nhảy lên 25 - 30.000đ/m3, vẫn chưa thấm gì so với vùng quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) giá nước ở đây đã lên đến 150.000đ/m3.

Đập vào mắt khi đặt chân đến địa phận TX Hà Tiên không phải là sự nhộn nhịp của khách du lịch, mà là sự tất bật hối hả của những dòng người đôn đáo đi tìm nước, chở nước. Đủ các loại phương tiện được dùng để vận chuyển nước: thồ bằng xe đạp, xe máy, xe bò, xe ngựa và cả bồn ô tô. Địa điểm nóng bỏng nhất tại Hà Tiên là xã biên giới Mỹ Đức.

Phó Chủ tịch xã Mỹ Đức Trần Dũng Trí Nhân chỉ ra cánh đồng khô hạn phía trước UB xã nói: “Chưa năm nào lượng mưa ít, chấm dứt sớm như năm 2004, đã 5 tháng liên tiếp vùng đất này không có một giọt mưa nào”.

Ruộng đồng khô cạn, bà con phải thu hoạch sớm, gần 100 ha khoai lang xuất khẩu coi như mất trắng, thiệt hại chưa thể tính bằng tiền được. Vấn đề thời sự hiện nay là gần 5000 người dân xã này hàng ngày đang phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt cho người và trên 600 con trâu, bò. Xã có 16 cái ao hồ thì đều đã cạn trơ đáy từ  đầu tháng 2 dương lịch.

Xã Mỹ Đức bây giờ có một nghề mới – nghề đổ nước. Nước được dân “cửu vạn” chuyên chở từ  ao chứa nước trung tâm TX Hà Tiên, từ giếng khoan ở phường Tô Châu, từ các lạch nơi các khe núi… Giá bán cứ 3 can loại 30 lít thu 2000đ, hoặc mỗi thùng phuy 500 lít giá 5000 đồng.

Đây là giá bán tại các điểm được cấp giấy phép của UBTX Hà Tiên, còn thị trường trôi nổi thì đã lên trên 30.000đ/m3 nếu chở về tận nhà. Tuy nhiên, loại nước bán ra chỉ là nước thô lấy từ ao hồ, muốn sử dụng ăn uống phải qua lắng lọc.

Kiên Giang: 150 ngàn đồng/m3 nước! ảnh 1
Hồ chứa nước tại đảo An Sơn được đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng nhưng cũng đang phơi đáy và đang được sửa chữa

Ban quản lý công trình công cộng TX Hà Tiên cũng thành lập 1 tổ cung cấp nước với giá 10.000đ/m3 nhưng vẫn không cung ứng nổi. Anh Hồng Hoàn Cảnh, - Chủ một điểm cung cấp nước gần cửa khẩu Xà Xía - cho biết: “Không chỉ dân xã Mỹ Đức thiếu nước mà bà con ở Campuchia cũng qua Việt Nam để lấy nước về sử dụng. Xe đạp chở 3 can (loại 30 lít), honda 5 can và ngựa thì 10 can, nhộn nhịp suốt ngày đêm”.

Nước ở vùng biên giới TX Hà Tiên đã nóng bỏng, nhưng nước ở quần đảo Nam Du (xã An Sơn, Kiên Hải) còn nóng bỏng hơn nhiều.

Khoảng 10.000 dân chưa kể hàng trăm tàu bè đánh bắt hoạt động thường xuyên trên quần đảo Nam Du đang chóng mặt vì giá nước: Mới 30.000đ/m3 hồi đầu tháng 2, đầu tháng 3 lên 110.000đ/m3 và giờ đây là cái giá mà không ai tin nổi: 150.000đ/m3!

Nhiều tàu đánh cá sợ quá phải bỏ đi ngư trường khác vì sợ lỗ … tiền nước. Hầu như tất cả các giếng nước trên đảo đã cạn khô từ bao giờ. Chủ tịch UBND xã An Sơn, anh Trần Hoàng Khôn cho biết: Quần đảo Nam Du có 21 hòn đảo, nhưng chỉ có 9 hòn có dân cư sinh sống. Vấn đề nước sinh hoạt là vấn đề nhức nhối từ lâu của cư dân trên đảo, nhưng chưa năm nào lại khó khăn như năm nay.

Vì sao dân đảo vừa được đầu tư  5 tỷ đồng xây dựng hồ chứa nước mà lại thiếu nước, phải đi mua với giá cắt cổ? Chúng tôi leo lên hồ chứa nước ngay tại trung tâm xã An Sơn. Và một cảnh tượng không thể tin nổi là hồ nước đã khô đáy từ bao giờ. Các lớp lót bằng vải nhựa, lớp đan bằng xi măng bung ra mỗi thứ một đàng.

Người ta đang xếp lại để sửa chữa? Được biết công trình vốn 5 tỷ này kinh phí do Chính phủ cấp, Ban quản lý Thuỷ lợi 419 – Bộ Nông nghiệp thi công. Hồ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2000, dung lượng chứa khoảng 30.000m3 nước, đủ cho hàng ngàn hộ dân trên đảo sử dụng.

Nhưng hồ nước hiện nay đã hoàn toàn mất tác dụng, 5 tỷ đồng nằm phơi nắng đồng nghĩa với việc người dân phải cam chịu thiếu nước. Giải pháp cứu cánh duy nhất lúc này là nhận nước cứu trợ từ đất liền ra và phải có chính sách hỗ trợ giá nước cho dân, chứ nếu tính theo giá thành thì ít nhất cũng phải 120.000đ/m3. Tuy nhiên theo cán bộ xã An Sơn thì việc cứu khát cho hàng ngàn dân trên đảo hiện còn phải chờ … họp bàn?  

MỚI - NÓNG