Kiến nghị công khai báo cáo kiểm toán cho người dân biết

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nôi) đề nghị công khai tất cả các báo cáo kiểm toán đã được kết luận Ảnh: Như Ý
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nôi) đề nghị công khai tất cả các báo cáo kiểm toán đã được kết luận Ảnh: Như Ý
TP - “Chúng ta trong đoàn giám sát muốn tiếp cận báo cáo kiểm toán cũng rất khó chứ đừng nói đến người dân hay là những cán bộ của cơ quan khác”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phản ánh, đồng thời đề nghị quy định, tất cả những báo cáo kiểm toán sau khi đã kết luận chính thức thì phải công bố công khai cho mọi người dân được tiếp cận.

Được quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo quy định hiện hành báo cáo kiểm toán có giá trị pháp lý bắt buộc và không được quyền khiếu nại. “Báo cáo kiểm toán đụng chạm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng không thể khẳng định 100% báo cáo kiểm toán là đúng. Do đó, việc dự luật cho phép khiếu nại báo cáo của kiểm toán là hoàn toàn phù hợp”, bà Nga nói.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thành phố Hà Nội cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định trên. Ông cho biết, rất nhiều nước trên thế giới đều có cơ quan kiểm toán lại hoạt động kiểm toán này, thậm chí cho phép thuê các đơn vị kiểm toán độc lập, cơ quan kiểm toán quốc tế kiểm toán lại hoạt động của cơ quan kiểm toán. “Quy định hiện nay là không có ai kiểm soát xem báo cáo kiểm toán có đúng không”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là nếu để KTNN tự xem xét giải quyết khiếu nại, không có người bên ngoài, độc lập thì khó bảo đảm khách quan. Từ đó, ông Cường đề nghị nên bổ sung thêm quy định phải có ít nhất 50% chuyên gia độc lập bên ngoài tham gia hội đồng giải quyết khiếu nại về báo cáo kiểm toán.

Trong báo cáo thẩm tra dự luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán. Quy định này để bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động kiểm toán. Đồng thời để bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại và khiếu nại đến cùng (khiếu kiện ra tòa) đối với báo cáo kiểm toán cần nghiên cứu bổ sung điều, khoản cụ thể để sửa đổi các điều khoản liên quan của Luật Khiếu nại, đặc biệt là khiếu kiện ra tòa. 

Đại biểu muốn tiếp cận báo cáo kiểm toán cũng khó

Về công khai minh bạch báo cáo kiểm toán, ông Hoàng Văn Cường cho biết, luật đã quy định các báo cáo kiểm toán sau khi ký thì công bố công khai cho tất cả mọi người biết. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, hầu như không có ai biết được những báo cáo kiểm toán. “Thậm chí, chúng ta trong đoàn giám sát muốn tiếp cận báo cáo kiểm toán cũng rất khó chứ đừng nói đến người dân hay những cán bộ của cơ quan khác”, ông Cường nói. Ông Cường đồng thời đề nghị phải sửa lại, bổ sung phương thức công khai là gì, thời gian công khai thế nào, để đảm bảo tất cả những báo cáo kiểm toán sau khi đã kết luận chính thức thì phải công bố công khai cho mọi người dân đều được tiếp cận.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, nhiều ý kiến trong ủy ban đề nghị đẩy mạnh công khai báo cáo kiểm toán, quy định cụ thể phạm vi, nội dung, thời hạn công khai để tạo sức ép thực hiện kiến nghị kiểm toán. Có ý kiến đề nghị công khai các báo cáo kiểm toán trên trang thông tin điện tử.

Về quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, ông Hải cho biết, do đặc thù của Việt Nam nên có hai cơ quan là Thanh tra các cấp và KTNN trong tổ chức bộ máy nhà nước. Cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau được quy định tại 2 luật khác nhau nhưng khi thực hiện nhiệm vụ nếu không phân định rõ sẽ trùng lặp về đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Do đó, Dự thảo Luật KTNN cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; quy định nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

MỚI - NÓNG