Rừng Tây Nguyên bị tàn phá

Kiến nghị làm rõ trách nhiệm địa phương để mất rừng

Rừng bị tàn phá thuộc địa phận xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) Ảnh: Vũ Long
Rừng bị tàn phá thuộc địa phận xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) Ảnh: Vũ Long
TP - Bộ NN&PTNT vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương có tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, nhất là một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

Báo cáo nhanh Thủ tướng về tình hình 3 năm triển khai thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ năm 2017, Bộ đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế. Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng, với tổng kinh phí 4 năm qua (2014-2018) trên 332 tỷ đồng. 

Cũng trong báo cáo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết nhiều địa phương xin chuyển mục đích sử dụng rừng, nhưng đã được giám sát chặt. Đến 31/12/2018, có 53 tỉnh thành, trong đó có 37 tỉnh có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên với trên 2.950 dự án, đề nghị chuyển mục đích gần 136.800 ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên gần 32.000 ha, rừng trồng gần 69.000 ha, đất chưa có rừng 13.700 ha, chưa xác định trên 22.300). 

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã rà soát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và báo cáo đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 22 tỉnh, với 86 dự án (chiếm 3% số dự án đề xuất), với diện tích 1.489 ha (chiếm 1,9% tổng diện tích đề nghị của địa phương). Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 năm qua (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 35% so với bình quân 5 năm trước đó. 

Tuy nhiên, đến nay tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép tuy quy mô không lớn, nhưng vẫn diễn ra ở một số địa phương với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên làm tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng…

Đối với diện tích rừng do các công ty Lâm nghiệp sắp xếp, chuyển giao về địa phương quản lý chưa được tổ chức quản lý hiệu quả, tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai rất phức tạp. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ quản lý còn thiếu trách nhiệm trong công tác, thậm chí còn tiếp tay cho phá rừng, buôn lậu gỗ, lâm sản.

Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua. Cùng đó, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm và công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Với các địa phương, kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng, kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. 

Với các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương không giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật. Cùng đó,Bộ KH&ĐT sớm trình, phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025”, và ưu tiên chỉ đạo, bố trí cân đối nguồn lực thực hiện Đề án này.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.