Kiến nghị sớm ban hành Nghị định mới 'quản' xe hợp đồng

Xe Limousine đang hoạt hoạt trá hình dưới danh nghĩa xe hợp đồng để vào các tuyến đường bắt khách. Ảnh: T.Đảng
Xe Limousine đang hoạt hoạt trá hình dưới danh nghĩa xe hợp đồng để vào các tuyến đường bắt khách. Ảnh: T.Đảng
TPO - Nhằm sớm lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh vận tải, đặc biệt là xe hợp đồng chạy theo hình thức tuyến cố định và xe hợp động theo hình thức taxi, Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thiện Nghị định mới để thay thế Nghị định 86 không còn phù hợp hiện nay.

Văn bản số 18/HHVT-TV do Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã ký gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan nêu rõ, năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Nghị định được ban hành đã tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục phát triển; góp phần cải thiện Trật tự An toàn giao thông. Tuy vậy, so với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì Nghị định 86 cần có Nghị định thay thế”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu trong văn bản.

Cung theo văn bản, từ đầu năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu soạn thảo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Từ đó, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức soạn thảo và nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị hữu quan, các đối thượng bị Nghị định điều chỉnh. Nghị định cũng đã nhiều lần được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định; Bộ Giao thông vận tải cũng đã nhiều lần trình Chính phủ ký ban hành, nhưng đến nay đã gần 3 năm, Nghị định đó vẫn chưa được ban hành.

Đánh giá về việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô cho rằng: trong khi vấn đề quản lý đối với Grab Taxi đã qua giai đoạn thí điểm hơn 3 năm (quá thời hạn cho phép hơn 1 năm) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách như: sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước; không ai quản lý các điều kiện  ATGT đối với các xe tham gia vào Grab.

“Đặc biệt, Grab đang ngày càng “phớt lờ” các quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như: tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như: quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi… chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách như quy định tại Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải đã gây nên mâu thuẫn gay gắt với các đơn vị kinh doanh taxi (kể cả các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi đã áp dụng công nghệ kết nối như: G7, Liên minh taxi Việt, Be…”, văn bản nhấn mạnh.

Xe hợp đồng hoạt động như xe khách liên tỉnh

Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cũng nêu thực tế về hoạt động của xe hợp đồng theo hình thức chở khách tuyến cố định: vấn đề xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với điều kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quá đơn giản nên đang phát triển rầm rộ. Các xe này thực chất không phải là phục vụ khách hợp đồng đi theo đoàn mà vẫn phục vụ khách đi lẻ thuộc phân khúc thị trường của xe tuyến cố định.

“Hình thức hoạt động của các xe này là hẹn khách qua điện thoại, chạy xuyên vào trung tâm các đô thị đón khách tại các “bến cóc” các điểm hẹn trên đường phố, cạnh tranh không công bằng đang tạo ra mâu thuẫn rất gay gắt với xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và gây mất trật tự, an toàn và ùn tắc giao thông”, ông Quyền nêu thực trạng.

Đề cập đến phản ứng của các địa phương và hiệp hội thành viên, ông Quyền cho biết: Nhiều Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan có quy định chặt chẽ hơn đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng để khắc phục tình hình trên.

“Nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là Nghị định có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung và ảnh hưởng đến trật tự An toàn giao thông trong phạm vi cả nước. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 để các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô trong phạm vi cả nước phát triển ổn định theo hướng hiện đại; góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, và đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam đề nghị.

MỚI - NÓNG