Kiến nghị sửa Luật tạo liên thông trong công tác cán bộ

Công chức làm việc tại bộ phận 1 cửa quận Ba Ðình ( Hà Nội).
Công chức làm việc tại bộ phận 1 cửa quận Ba Ðình ( Hà Nội).
TP - Ngày 21/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị chuyên đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ. Để bảo đảm sự thống nhất, liên thông, Bộ Nội vụ kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ-Công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 cho phù hợp với các quy định của Đảng; nghiên cứu vấn đề liên thông công chức, liên thông giữa cấp xã với cấp huyện, liên thông giữa khối Đảng với chính quyền.

Trước những đề xuất kiến nghị của Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, ngoài những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu, có lộ trình thực hiện, thì những vấn đề đã chín muồi, đã rõ ràng phải mạnh dạn làm. Cần có sự liên thông công tác tổ chức, cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, giữa các bộ ngành Trung ương cần tương đồng để khi điều chuyển cán bộ dễ dàng, không có sự khác biệt về cơ chế, chính sách giữa đội ngũ công chức. Chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện, bổ sung, không quá nóng vội, cầu toàn.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Đảng, để bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm sự liên thông công tác cán bộ của bộ máy Nhà nước trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh phân cấp đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, cơ quan tư pháp. Riêng vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài, Phó Thủ tướng lưu ý, phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn, nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác.

MỚI - NÓNG