Khai mạc Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX:

Kiến nghị tăng cường các biện pháp mở rộng dân chủ

Ngày làm việc đầu tiên của Đại hội MTTQVN lần thứ IXảnh: Như Ý
Ngày làm việc đầu tiên của Đại hội MTTQVN lần thứ IXảnh: Như Ý
TP - Hôm nay, Đại hội lần thứ IX Mặt trận tổ quốc Việt Nam khai mạc trọng thể tại Hà Nội. 

Trước đó ngày 18/9, góp ý vào Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), đề cập đến việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân, GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét “còn rất nhiều hạn chế”. Dẫn câu nói của Bác Hồ: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lúc, quyền dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng. 

Biển đảo không yên ổn, rất sục sôi 

Chiều 18/9, báo cáo kiểm điểm hoạt động của MTTQVN khóa VIII , ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Đoàn Chủ tịch chủ động, tích cực trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đoàn Chủ tịch tăng cường các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Đồng thời tổ chức các hội nghị hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đảm bảo dân chủ và đúng luật. Trong nhiệm kỳ VIII, Đoàn Chủ tịch cho ý kiến và đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đối với 6 trường hợp không còn tín nhiệm với cử tri và nhân dân. 

Ông Hầu A Lềnh cũng thẳng thắn cho biết, trong hoạt động còn nhiều hạn chế, như việc bày tỏ thái độ, chính kiến của MTTQVN trước một số vấn đề cấp bách thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân chưa kịp thời. Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trách nhiệm của MTTQVN trong việc đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội còn thiếu quyết liệt.

Khẳng định so với nhiệm kỳ trước, báo cáo kiểm điểm lần này thẳng thắn, không “tô hồng”, không có nhận xét “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, song theo phản ánh của đại biểu Đặng Văn Khoa, thành phố Hồ Chí Minh, việc bày tỏ chính kiến trước những vấn đề sôi sục, được nhân dân quan tâm còn hạn chế. “Chúng ta phải suy nghĩ đến hình ảnh của MTTQVN trong lòng biển cả, trong lòng nhân dân, rộng hay hẹp, sâu hay nông, lỏng lẻo hay bền chặt là tùy thuộc vào chính MTTQVN”, ông Khoa nói. 

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa VIII và Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng cần phải đề cập vấn đề biển đảo trong báo cáo. “Tình hình biển, đảo hiện nay không yên ổn, rất sôi sục trong lòng nhân dân. Ngay cả vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế, quyền tài phán cũng đang bị xâm hại. Vậy mà trong báo cáo kiểm điểm lại thiếu vắng phần nói về biển, đảo. Tôi đề nghị xem xét đưa vấn đề biển, đảo vào báo cáo của MTTQVN”, ông Lê Kế Lâm đề nghị.

“Tình hình biển đảo hiện nay không yên ổn, rất sôi sục trong lòng nhân dân. Ngay cả vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế, quyền tài phán cũng đang bị xâm hại. Vậy mà trong báo cáo kiểm điểm lại thiếu vắng phần nói về biển đảo. Tôi đề nghị xem xét đưa vấn đề biển đảo vào báo cáo của MTTQVN”. 

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đề nghị



"Sợ ghế lung lay thì phản biện gì?"

Đề cập đến việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân, GS Nguyễn Lân Dũng nhận xét “còn rất nhiều hạn chế”. Dẫn câu nói của Bác Hồ: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra", ông Dũng nhấn mạnh, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lúc, quyền dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng. “Càng dân chủ thực sự thì càng giúp Đảng, Nhà nước phát hiện ra tham nhũng, càng chọn được người tài gánh vác việc dân, việc nước. Tôi đề nghị MTTQVN cần tạo điều kiện để người dân nói lên tiếng nói của mình”, ông Dũng đề nghị.

Trao đổi bên lề Đại hội, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQVN lưu ý, phải lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh làm công tác mặt trận. Có thế mới phát huy được công tác giám sát, phản biện. Nếu cán bộ lúc nào cũng phải dò ý “bí thư, chủ tịch” rồi mới giám sát, phản biện thì khó mà phát huy hiệu quả.

“Cử cán bộ tham gia MTTQVN các cấp phải là những người có bản lĩnh, không sợ “chiếc ghế” lung lay. Phải đặt quyền lợi của người dân, đất nước, địa phương lên trên cái “ghế” của mình. Có như thế mới nói được tiếng nói của nhân dân, mới phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chứ chưa nói mà đã sợ bị quy chụp, sợ ghế lung lay thì giám sát, phản biện cái gì nữa”, ông Kim nói.

Ông Kim đề xuất xây dựng cơ chế để MTTQVN tham gia giới thiệu cán bộ có tài, có đức cho Đảng, bảo đảm “ý Đảng và lòng dân gặp nhau”. Đặc biệt, trước thềm Đại hội Đảng các cấp, cần sớm công khai công tác nhân sự để MTTQ các cấp góp ý, lựa chọn nhân sự xứng đáng tham gia vào cấp ủy. 

MỚI - NÓNG