Kiến nghị thành lập TCty mua bán điện quốc gia

Kiến nghị thành lập TCty mua bán điện quốc gia
TP - Trong Văn bản số 41 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4 về việc sắp xếp lại ngành điện, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nêu rõ quan điểm cần tách một số khâu hiện ngành điện đang quản lý để xóa bỏ độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kiến nghị thành lập TCty mua bán điện quốc gia ảnh 1
Theo VEA, TCty mua bán điện ra đời sẽ góp phần xóa thế độc quyền của ngành điện

Theo kiến nghị của VEA, điểm đầu tiên là phải cơ cấu lại khâu mua bán điện, thành lập tổng Cty mua bán điện quốc gia hoạt động độc lập do Chính phủ quản lý, trực thuộc Bộ Tài chính. Tổng Cty này có thể có cả các Cty thành viên hình thành ở cả ba miền và là đơn vị ký hợp đồng mua điện trực tiếp với các nhà máy điện theo hình thức mua buôn.

Trong các hợp đồng được thể chế cụ thể nhiều khoản như: giờ mua điện hàng năm, giá công suất và giá điện lượng hàng tháng, quý, năm. Sau khi hoàn thành các hợp đồng mua điện, Tổng Cty mua bán điện ký hợp đồng với Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia để phân phối điện và đơn vị này được hưởng các phí dịch vụ như phí vận hành, đại tu sửa chữa đường dây và trạm, phí làm quỹ đầu tư phát triển… Sau đó sẽ có các hợp đồng bán điện với các Cty phân phối điện hoặc tổng Cty phân phối để bán tới hộ tiêu dùng.

Ngoài ra, cần cơ cấu lại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) thành Tổng Cty điều độ điện quốc gia do Chính phủ quản lý và trực thuộc Bộ Công Thương. Dưới đơn vị này có nhiều Cty là đơn vị thành viên chịu trách nhiệm điều độ hệ thống điện từng miền, từng vùng và một số thành phố lớn.

Phải minh bạch giá điện

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, có hai khâu quan trọng mà EVN cần cải tiến là việc minh bạch giá điện. Cách tính giá điện hiện nay của EVN không làm rõ mối quan hệ về chi phí từ các nhà máy thủy điện đã hết khấu hao cũng như với các nhà máy nhiệt điện đã đưa vào sử dụng.

"Việt Nam cần có thị trường điện cạnh tranh một cách minh bạch, công bằng. Giống như các sản phẩm khác, người mua có quyền lựa chọn người bán và người bán có quyền lựa chọn nhà phân phối thì mọi việc sẽ khác đi rất nhiều. Người ta cũng kêu nhiều về việc mua bán điện phải thông qua EVN, đơn vị duy nhất được thực hiện việc này. Tách các khâu trên khỏi EVN thì độc quyền và cửa quyền của EVN sẽ giảm"- Ông Ngãi nói.

Cũng theo phân tích của ông Ngãi, việc tái cơ cấu ngành điện như hướng trên sẽ tránh được xáo trộn quá nhiều về tổ chức, vẫn giữ được EVN làm nòng cốt cho phát triển ngành điện. Để làm được việc này, Chính phủ cần nghiên cứu lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh theo từng bước, từng giai đoạn phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra cũng cần thành lập một ủy ban hoặc một ban điều tiết năng lượng quốc gia. Ban này có quyền lực đủ mạnh để giúp Chính phủ quản lý và điều tiết các công việc liên quan trong ngành năng lượng cũng như lập kế hoạch xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

"Điểm quan trọng nữa là Chính phủ cần tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế, các Cty trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy điện, các đường dây và trạm biến áp để tạo thị trường mua bán điện cạnh tranh đa thành phần"- Ông Ngãi cho biết.

Theo đề nghị của Chủ tịch VEA, cần quy hoạch sớm tổng sơ đồ phát triển điện các giai đoạn sau năm 2015 đến 2025 và tầm nhìn xa hơn nữa. Cùng với đó có kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử và cho khai thác các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, EVN cho rằng việc thiết lập thị trường điện cạnh tranh là cần thiết và tất yếu và cho biết ủng hộ việc này. Tuy nhiên, cũng trong văn bản trên, EVN lại vin vào việc, nếu tách các khâu khỏi EVN, sẽ không còn đúng nghĩa của tập đoàn mà EVN chỉ chịu trách nhiệm trong khâu phân phối điện, quản lý chỉ bằng 1/3 so với mô hình hiện nay. "Điều này không đúng với chủ trương về hình thành tập đoàn kinh tế mạnh"- Văn bản nêu rõ.

EVN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng Cty nhà nước khác có đầu tư vào các dự án nguồn điện (như than khoáng sản, Lilama, Tổng Cty Sông Đà…) cũng thành lập các tổng Cty phát điện để tham gia cạnh tranh trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh.

MỚI - NÓNG