Kiến nghị xử 'cát tặc' tội 'ăn cắp tài sản quốc gia'

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền
TPO - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho rằng, cát sỏi là tài sản quốc gia, nên “cát tặc” phải coi là hành vi “ăn cắp tài sản quốc gia”.

Sáng 3/4, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm việc với các bộ ngành, địa phương về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương.

Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác phòng chống khai thác cát sỏi trái phép đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn đang có dấu hiệu hoạt động phức tạp trở lại, với những thủ đoạn tinh vi, khó lường, có nơi công khai lộng hành, có nơi còn xảy ra xung đột giữa người dân với đối tượng vi phạm. Nhiều tỉnh thành còn nhức nhối tình trạng “cát tặc”, như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TPHCM, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị…

Hậu quả “cát tặc” để lại rất rõ, rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu cho môi trường, dân phải gánh chịu thiệt hại về tài sản, sức khỏe, nhiều nơi còn sụp đổ công trình, nhà dân gây chết người.

“Sau một thời gian đấu tranh thì các vi phạm co lại, tinh vi hơn, dù đã phát hiện xử lý được nhiều hơn, nhưng thời gian gần đây việc khai thác cát sỏi trái phép lại hoạt động mạnh trở lại. Người dân có nơi còn không biết dựa vào đâu, phải tự tổ chức ra bảo vệ bờ sông, đấu tranh chống cát tặc”, Phó Thủ tướng cho hay.

Đáng lưu ý, nhiều nơi vẫn chưa thực sự quyết liệt trong đấu tranh với “cát tặc”, có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, thậm chí dư luận còn lên tiếng về tình trạng tiêu cực, bao che cho vi phạm. Ông Bình đề nghị các địa phương nhìn thẳng vào thực tế địa phương mình, xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công an cho biết, sau Tết Nguyên đán, tình hình khai thác trái phép cát, sỏi trên các tuyến sông và cửa biển hoạt động trở lại phức tạp với thủ đoạn tinh vi, có nơi công khai, có tính chất lộng hành như tại các địa phương: Thành phố Hà Nội, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tình trạng đe dọa thậm chí hành hung người dân ngăn cản hoạt động khai thác trái phép như tại Thừa Thiến Huế; tình trạng lập bến bãi tâp kết vật liệu xây dựng, xây dựng nhà ở, công trình phụ tràn lan ngay sát bờ sông lấn chiếm mái đê như Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Ninh gây nguy cơ lớn đến an toàn đê điều vào mùa mưa lũ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy, từ khi có quy chế phối hợp giữa các địa phương, việc quản lý đã đi vào nề nếp hơn trước. Nguyên nhân xảy ra "cát tặc", do sông Chảy rất hẹp, trữ lượng cát bên Yên Bái không còn, thậm chí còn có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp Yên Bái kích động nhân dân.

Theo ông Thủy, tình trạng khai thác trộm chủ yếu hoạt động vào ban đêm, rất khó kiểm soát. Hiện doanh nghiệp trong tỉnh không được tiến hành khai thác, ông Thủy đề nghị lãnh đạo các tỉnh giáp ranh Yên Bái, Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo dừng khai thác, chứ không chỉ dừng mỗi một bên.

Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, có bộ phận kích động nhân dân, gây phức tạp trong vùng. Bên cạnh đó, do nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi chưa có vật liệu mới thay thế nên bắt buộc phải khai thác, nếu không thì không có nguồn cung cấp cho xây dựng.

Vĩnh Phúc hiện có 4 tuyến sông nhưng chủ yếu khai thác ở sông Hồng và sông Lô. Về quản lý, theo ông Trì, riêng việc khai thác đất, đá, cát, sỏi, theo ông Trì thì phải được thông qua Ban thường vụ tỉnh họp cho ý kiến. Tuy nhiên theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, việc quản lý thực hiện còn khó khăn, do việc khai thác cát sỏi trên sông nước nên quản lý rất khó. Có trường hợp lợi dụng ranh giới không rõ ràng để khai thác, các quy định hiện nay cũng chưa chặt chẽ nên quản lý, giám sát càng khó khăn. Ông đề nghị rà soát lại văn bản, có quy định chặt chẽ hơn và tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho rằng, cát sỏi là tài sản quốc gia, nên việc khai thác trái phép phải coi là hành vi “ăn cắp tài sản quốc gia”. Chính vì vậy phải xử lý nghiêm minh, xử lý theo tội ăn cắp chứ xử lý vi phạm vận chuyển trái phép là không đúng. Đồng tình, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, hành vi này còn có thể coi là hành vi trộm cướp tài sản. Chính vì vậy, bên cạnh việc xử lý về hành chính, phải xem xét đến việc xử lý về mặt hình sự.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Hà Nội là địa bàn tiêu thụ cát lớn, các mỏ cát được cấp phép khai thác trước đây không đủ. Trong quý 2 này, Hà Nội sẽ đấu thầu công khai 14 mỏ.

Trước nhận định của Bộ Công an về mức độ vi phạm lộng hành của "cát tặc", ông Hùng thừa nhận tình trạng khai thác lén lút ở Hà Nội thì có, nhưng không có chuyện “cát tặc” lộng hành. “Liên quan đến cát sỏi, không thể có chuyện lộng hành trên địa bàn thành phố. "Cát tặc" lén lút thì có còn lộng hành khai thác thì không có”, ông Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng “cát tặc” ở Hà Nội vẫn "còn nhiều và tình hình chưa yên đâu". Ông đề nghị Hà Nội không chủ quan về việc này.

MỚI - NÓNG