70 Năm Quốc hội Việt Nam

Kiên quyết chống thái độ coi thường nhân dân

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
TP - Từ thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), PGS. TS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ra bài học kinh nghiệm trong công tác bầu cử tới đây, như chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân, xem xét vận dụng vận động bầu cử...

Ngày 5/1/1946, trước cuộc Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, vì thế mà “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử”.

“Kiên quyết chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân cũng như tránh những cung cách bầu cử theo kiểu chọn sẵn làm cho dân thất vọng và thờ ơ. Trong bầu cử phải hết sức tôn trọng quyền tự do ứng cử và nơi tranh cử của ứng cử viên. Ngoài ra cũng cần bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo, đảm bảo quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất.

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kết quả là, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội. Từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân.

Cuộc Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: tự do bầu cử, ứng cử của công dân, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được...

Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thành công của Tổng tuyển cử đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu mà có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay.

Tổng tuyển cử là để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Ý nghĩa trực tiếp của Tổng tuyển cử mà sau này và hiện nay là bầu cử Quốc hội theo nhiệm kỳ để lập ra cơ quan đại biểu, đại diện quyền lực nhà nước của nhân dân. Từ đó lập ra các cơ quan nhà nước khác để hình thành bộ máy nhà nước thống nhất, phân công, phân nhiệm thực thi quyền lực. Tổng tuyển cử còn là dịp để thực thi quyền giám sát bộ máy nhà nước, thay thế những đại diện không còn tín nhiệm. Tổng tuyển cử là dịp rất long trọng, phải được tổ chức đặc biệt không giống như mọi cuộc bầu cử nào khác.

Chế độ bầu cử hiện nay cần phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công cuộc kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc nhà nước, kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Kiên quyết chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân cũng như tránh những cung cách bầu cử theo kiểu chọn sẵn làm cho dân thất vọng và thờ ơ. Trong bầu cử phải hết sức tôn trọng quyền tự do ứng cử và nơi tranh cử của ứng cử viên. Ngoài ra cũng cần bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo, đảm bảo quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất.

Có lẽ cần nghiên cứu để vận dụng trở lại những hình thức vận động bầu cử phong phú và dân chủ của Tổng tuyển cử, như tự do vận động, cho phép diễn thuyết, tranh luận... Nhưng việc vận động bầu cử phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu 24 giờ và không được tuyên truyền vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu.

MỚI - NÓNG