Kiên quyết chống tham nhũng

Kiên quyết chống tham nhũng
Ngày 23/10, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về phương hướng giải quyết căn bệnh thành tích trong giáo dục, chống tham nhũng, xử lý những vụ án nổi cộm và các giải pháp xóa đói, giảm nghèo.

Đai biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) đã mở đầu phiên thảo luận với vấn đề tiêu cực đang xảy ra trong ngành giáo dục. Đại biểu cho rằng, căn bệnh chạy theo thành tích và tiêu cực gian lận trong khâu thi cử đã xảy ra từ lâu nhưng bây giờ mới được phơi bày và mổ xẻ.

Theo đại biểu cho biết, nguyên nhân là do các trường đề ra mục tiêu quá cao, trong khi chất lượng giảng dạy không đáp ứng kịp. Khi đã phát hiện ra tiêu cực thì các cấp, các ngành không giải quyết triệt để, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Đại biểu cho rằng đây là lỗi của cả hệ thống, từ Bộ Giáo dục Đào tạo đến các cấp cơ sở.

Vì thế, để giải quyết tình trạng này, đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc giảng dạy cũng như đề ra các mục tiêu, quản lý chương trình sao cho phù họp với năng lực học sinh. Ngành giáo dục cần cương quyết chấm dứt tiêu cực trong thời gian tới. Đại biểu Lê Văn Cuông và nhiều đại biểu khác đồng tình trước việc "nói không với tiêu cực" của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và cho rằng chủ trương này cần được tiếp tục duy trì, phát triển.

Cũng về vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thị Hường (đoàn Quảng Nam) cho ý kiến thêm về việc năm nào ngành giáo dục cũng báo cáo đạt mục tiêu tuyển sinh cao đẳng và đại học, nhưng sinh viên khi ra trường thì còn nhiều người chưa có việc làm, trong đó có nhiều con em của nông dân lao động nghèo phải tích góp, vay mượn đầu tư ăn học, nhưng không tìm được việc làm ổn định, thu nhập thỏa đáng để cải thiện đời sống.

Kiên quyết chống tham nhũng

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với nội dung chống tham nhũng, lãng phí được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, vụ tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn là một bài học đắt giá trong việc quản lý đất đai, quản lý cán bộ và cách xử lý vụ việc của ngành tòa án.

Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, nếu không giải quyết triệt để những vụ tham nhũng thì sẽ không răn đe được các hành vi tham nhũng và những hành vi này sẽ kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, cũng qua vụ án ở Đồ Sơn, các cơ quan kiểm sát và tòa án cần hết sức tránh tình trạng can thiệp của các cấp chính quyền vào việc xét xử. Các đại biểu đề nghị, tính độc lập của ngành tòa án cần được tôn trọng hơn nữa.

Mấy năm gần đây, đa số các vụ khiếu kiện của người dân đều liên quan đến vấn đề đất ở, đất sản xuất, đất làm dự án và chính sách đền bù... Nguyên nhân là do các cấp chính quyền tỉnh, thành phố chưa công khai, minh bạch về chính sách hỗ trợ và định mức giá đất. Các đại biểu đề nghị, các thành phố, các tỉnh có đất quy hoạch cần phải có chính sách cụ thể, công khai và chế tài xử lý rõ ràng để người dân nắm được những thông tin cần thiết, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Về vấn đề nhà ở cho cán bộ cấp cao, sắp tới cần được công khai minh bạch cho người dân biết, như mức tiêu chuẩn của cán bộ được cấp nhà, bán nhà... Việc bán nhà cho cán bộ cũng cần có đơn giá thoả đáng.

Nghiên cứu kỹ chương trình xóa đói giảm nghèo

Về vấn đề phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo cho nông dân, nhiều đại biểu đề cập đến thất bại của chương trình nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản. Thực trạng nhiều hộ nông dân đầu tư chăn nuôi bò sữa, nuôi thủy sản không hiệu quả, không có kiến thức, đầu ra không ổn định dẫn đến nhiều hộ phá sản.

Đại biểu Trần Hồng Việt (đoàn Cần Thơ) đề nghị, các cơ quan chức năng trước khi đưa chương trình xóa đói giảm nghèo đến dân cần phải có sự nghiên cứu kỹ một cách toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là phải có thông tin cụ thể đến người dân như trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu, giá cả thế nào và hiệu quả kinh tế từ nó ra sao, chứ không phải chỉ có chủ trương chung chung.

Theo Website Chính phủ

MỚI - NÓNG