Kiến trúc sư của ta còn bị lép vế

Kiến trúc sư của ta còn bị lép vế
KTS Nguyễn Luận, người từng thắng thầu nhiều công trình kiến trúc và quy hoạch trong thời kỳ gần 10 năm làm chuyên gia ở Angola, trả lời Tiền Phong nhân khai mạc ĐH KTS toàn quốc.

Có ý kiến cho rằng phải có KTS nước ngoài nhúng tay vào thì bộ mặt đô thị của VN mới khá lên được. Ông nghĩ sao?

Quan niệm đó phần nào là đúng, có điều người nước ngoài đó là ai. Kiến trúc bao giờ cũng dính dáng đến tác phẩm cụ thể, cái tầm của người KTS cụ thể chứ không phải trong nước hoặc ngoài nước.

Thực tế đáng buồn trong các cuộc đấu thầu tư vấn quốc tế trên thị trường VN những năm qua cho thấy: KTS và các tổ chức tư vấn thiết kế VN còn bị lép vế. Chúng ta chưa xây dựng được niềm tin ở những khách hàng tiềm năng và các cơ quan quản lý Nhà nước, do đó chịu thua ngay trên sân nhà, đánh mất những cơ hội hiếm hoi để tạo ra những tác phẩm kiến trúc lớn. 

KTS Nguyễn Trực Luyện

Nghe nói một số thành phố trẻ trong nước, cụ thể thì tôi chưa nắm được, có xu hướng là sẽ mời KTS nước ngoài làm quy hoạch. Một tác phẩm quy hoạch gắn với đất đai, con người ở đấy...

Nhưng chúng ta cũng không thể nói người nước ngoài không thể làm tốt hơn chúng ta được. Vì chuyên gia cỡ lớn làm việc ở nước ngoài nhiều, cụ thể như nhóm kiến trúc quy hoạch làm việc ở Bắc Kinh. Đó là xu hướng mà chúng ta phải biết chấp nhận, bởi vì hòa nhập đến nơi rồi, không chấp nhận không được.

Cái mà chúng ta bàn nhiều là người nước ngoài vào nước ta chưa phải là đơn vị giỏi. Một khi đã mời phải là người sáng giá. Những người nước ngoài được mời đa số rất bình thường, thậm chí không thể xếp hạng được. Tôi nói điều đó là vì tôi đã từng đấu thầu, chung thầu với người nước ngoài và tôi là người thắng thầu rất nhiều ở nước ngoài.

Họ tạo ra một môi trường ảo trong việc đánh giá KTS trong nước. Tôi không nghĩ đơn vị trong nước cố tình mời người kém mà vì họ chưa thẩm định được giá trị.

Cũng vì ở ta chưa có thói quen tham vấn Hội KTS?

Mời ai tốt nhất nên tham vấn Hội KTS để xác định đúng đối tượng xem họ có giá trị gì ở quốc tế. Trung Quốc, Nhật, Malaysia hay Singapore giống nhau ở chỗ mời một KTS nổi tiếng để tạo nên một tác phẩm không đơn thuần về mặt sử dụng mà là một điểm nhấn, một giá trị văn hóa thu hút du lịch.

Chúng ta để ý phần lớn các công trình kiến trúc nổi bật trong một thời kỳ nhất định thì đều do KTS nước ngoài, ví dụ nhà hát Sydney, người thiết kế là Đan Mạch, bảo tàng Binbao ở Tây Ban Nha rất nổi tiếng- thay đổi cả cuộc sống ở khu vực đấy KTS người Mỹ, trong khi người Mỹ lại mời người Pháp sang thiết kế là chuyện bình thường.

Họ mời không phải vì họ không có người mà họ cần cách nghĩ khác. Chúng ta thì chưa đến mức độ cần cái khác, cần cái tốt cái đã.

Hội hẳn có cách tác động dù không được hỏi đến, thưa ông?

Có! Thực chất Hội không thụ động đâu, vẫn tham gia phần trách nhiệm với xã hội. Ví dụ khách sạn Hà Nội Vàng, Hội tác động rất nhiều mới thay đổi như thế này... Nhưng Hội KTS là cơ quan tham vấn, không có quyền quyết định.

Thường thường, những công trình mang tầm quốc gia đều yêu cầu tư vấn của Hội KTS, hoặc những công trình quy mô đầu tư không lớn nhưng cái vị trí nó nhạy cảm, như Bảo tàng Lịch sử Quân đội, tượng đài Lý Thái Tổ... Thành văn bản pháp quy Nhà nước thì chưa nhưng trên thực tế Hội vẫn là thành viên thẩm định những dự án quan trọng.

Vậy tại sao một Quy chế tư vấn và phản biện xã hội vẫn chưa làm được để tăng cường vai trò tích cực của Hội? 

Mình đã làm rồi. Theo thủ tục mình phải trình cho Chính phủ, các Bộ liên quan nhưng những cơ quan đó chưa thống nhất. Quy chế về việc thành lập đoàn KTS cũng mất 8 năm, hai nhiệm kỳ nay rồi không làm được.

Đoàn KTS ngoài chức năng nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi cho KTS thì các khách hàng có được lợi gì không?

Lợi hơn nhiều chứ. Qua đó anh biết được người anh thuê là ai. Anh chỉ cần đến đoàn KTS: Tôi cần một KTS thế này…, người ta sẽ giới thiệu một loạt cho anh lựa chọn. ở nước mình những công trình lớn, công việc qua môi giới rất nhiều và đoàn KTS (khi đã có) sẽ là người môi giới lớn nhất.

MỚI - NÓNG