Kiều bào, “binh chủng” đặc biệt

Kiều bào, “binh chủng” đặc biệt
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung đã dùng cụm từ đó để nói về những kiều bào luôn hướng về quê hương trong cuốn sách của ông.

Vị Cựu Đại sứ và những hồi ức lịch sử

Giai đoạn 1968 - 1975, ông Võ Văn Sung là người đại diện ngoại giao chính thức của Việt Nam tại Pháp và một số nước Tây Âu. Sự “may mắn đặc biệt” này, như cách nói của ông, đã giúp Đại sứ Võ Văn Sung được tham gia hoặc chứng kiến hầu hết các sự việc xảy ra trong đàm phán “bí mật” và công khai của Việt Nam với Mỹ, các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Pháp và Tây Âu, nhiều hoạt động của phong trào nhân dân Pháp chống Mỹ, ủng hộ cách mạng Việt Nam…

Là chứng nhân hay cũng chính là người trong cuộc của lịch sử ngoại giao Việt Nam, là người tham gia trực tiếp vào cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai nền ngoại giao những hồi ức của vị Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp đã mang đến cho người đọc những câu chuyện lý thú và đầy bất ngờ.

“Binh chủng” đặc biệt

Kiều bào, “binh chủng” đặc biệt ảnh 1
Đoàn đại biểu Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa (từ trái sang): Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Sung

Ông Võ Văn Sung đã dùng cụm từ “binh chủng đặc biệt” để nói về những trái tim Việt ở xa Tổ quốc, nhưng vẫn chung nhịp đập với đồng bào mình ở quê hương. Ông dành hẳn một chương để nói về họ.

Dù nhắc hay không hề nhắc đến tên vì khuôn khổ cuốn sách có hạn, ông luôn dành một tình cảm trân trọng và kính phục cho những “chiến sĩ” trong “binh chủng đặc biệt” của mình.

Ông viết về Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp ngay từ khi mới thành lập đã có những hoạt động đều đặn thể hiện tầm nhìn lâu dài của phong trào là mở các lớp dạy tiếng Việt, dạy các bài hát Việt Nam hay các hoạt động gắn với phong tục tập quán của người Việt.

Báo Đoàn Kết - Cơ quan ngôn luận của Hội - là tờ báo có bề dày lịch sử suốt thời kỳ đầu chống Mỹ cho đến mãi về sau cũng được ông đề cập tới trong các trang viết. Theo ông, tờ báo tồn tại và hoạt động được là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng người Việt, những người lấy chữ tâm đối với đất nước, dân tộc làm đầu.

“Tình thương là vô cùng quan trọng, là rất quý giá, tình thương của con người đất Việt đối với Tổ quốc, tình thương của đồng bào với nhau “người trong một nước phải thương nhau cùng”.
                   Cựu Đại sứ Võ Văn Sung

Với những hoạt động công khai và hợp pháp, Hội đã trở thành lực lượng hậu thuẫn rất hùng hậu cho 2 đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Paris với sự tham gia nhiệt tình của nhiều trí thức Việt kiều. Các hoạt động bên ngoài đàm phán như tham gia biểu tình, tuần hành, mít tinh ủng hộ Việt Nam của bạn bè Pháp bao giờ cũng có sự tham gia đông đảo của kiều bào ta.

Ông Võ Văn Sung khẳng định: “Tôi nghĩ không quá lời khi nói rằng Liên hiệp Việt kiều là một “binh chủng” rất đặc biệt của mặt trận ngoại giao và mặt trận chính trị của ta tại Pháp và các nước Tây Âu lân cận”.

Ông Võ Văn Sung viết: “…qua các câu chuyện, nhiều lần tôi thấy theo cách nghĩ riêng của mỗi người hầu hết các vị, nếu không nói là tất cả, đã để lại trong tôi điều cảm nhận là các vị ít nhiều đều có tấm lòng đối với đất nước…”.  “Các vị” mà ông viết ở đây là những vị nhân sĩ Việt Nam chống Thiệu, lưu vong ở Pháp. 

Phải chăng đó chính là yếu tố góp phần quan trọng vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của cách mạng Việt Nam? Đó cũng là lý do vì sao khi đọc “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa to lớn của cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc Việt, hiểu thêm về những tình cảm mặn nồng của những người Việt Nam sống xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc.

MỚI - NÓNG