Kiều bào tấp nập về quê đón Tết

Bà con kiều bào về quê đón Tết Ất Mùi qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Ngô Bình.
Bà con kiều bào về quê đón Tết Ất Mùi qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Chiều 4/2, các chuyến bay trung chuyển từ Nhật, Hồng Kông, Singapore,… hối hả đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất (TPHCM). Khu vực làm thủ tục nhập cảnh tại nhà ga quốc tế sân bay chật cứng bà con kiều bào với lỉnh kỉnh va ly, túi xách.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dịp Tết này khoảng một triệu kiều bào trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, người thân trong dịp Tết Ất Mùi này.

Trở về sau 40 năm lưu lạc 

Bên ngoài sảnh sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cuối năm, cả trăm người đang sốt ruột đón người thân đi xa về. Những nụ cười rạng rỡ, cái bắt tay, choàng vai nhau thật chặt, nồng ấm. Và có cả những giọt nước mắt hạnh phúc của người vừa trở về. Mọi thứ cứ tuần tự diễn ra trong những ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ. Một người đàn ông cao lớn, ăn vận khá giản dị, râu tóc đã bạc nhưng còn khá nhanh nhẹn bước ra bất chợt làm nhiều người chú ý. Ông đeo kính râm, đi một mình, không người đưa đón, tần ngần nhờ bảo vệ sân bay gọi giúp taxi đưa về một khách sạn có từ trước giải phóng ở ngay trung tâm TPHCM. Ông tự giới thiệu là Tom Nguyễn, đang sinh sống ở quận Cam, bang California (Mỹ). Tom Nguyễn bảo sẽ lưu lại TPHCM ít ngày để tìm bạn bè cũ rồi trở về quê cha ở ngoài Bắc.

Ông Tom Nguyễn trầm trồ:  Ở bên Mỹ, tôi vẫn đọc báo của Việt Nam. Sài Gòn đổi thay nhiều quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Đường sá mở rộng, tên đường cũng đổi. Ngày xưa thành phố thưa thớt, nhà cửa lúp xúp, sân bay xập xệ, vắng vẻ,  không có nhiều nhà cao tầng, xe cộ như bây giờ. “Ngày xưa” của Tom Nguyễn cách đây đã non nửa thế kỷ. Tháng 4/1975, ông bỏ lon trung tá, đốt bỏ quân phục, lặng lẽ đưa gia đình rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ và đến nay mới lặn lội trở về quê hương. Tom Nguyễn nói: Điều ông ân hận nhất là không thực hiện điều này sớm hơn, lúc vợ ông vẫn còn sống.

“Bà ấy mong trở về quê nhưng tôi không chịu. Cây có cội, nước có nguồn, huống hồ mình là con người. Hoàn cảnh chiến tranh buộc tôi phải cầm súng. Sang Mỹ, tôi xa lánh chính sự, không tham gia tụ tập, chống đối nhà nước Việt Nam. Hai vợ chồng đầu tắt mặt tối để lo cho con cái ăn học thành tài. Lý do duy nhất tôi không về là sự mặc cảm” - Tom Nguyễn nói.

Động lực thôi thúc Tom Nguyễn về nước và nhiều bà con kiều bào trở về là tinh thần hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nói: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân ông đến nay vẫn trăn trở vì vẫn còn một bộ phận kiều bào đã 40 năm rồi chưa một lần về thăm quê hương. “Ở bên kia, một số bà con bị lôi kéo tham gia các hoạt động chống đối. Tuy nhiên, khi có những việc trong nước như người thân đau ốm, mất, với tinh thần nhân đạo, chúng tôi sẵn sàng cho họ về nước, miễn là về nước thì không tham gia, tổ chức các hoạt động chống đối nhân dân, vi phạm luật pháp Việt Nam” - ông Nam nói.

Tấp nập trở về

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đề cập một trường hợp ông Trần Bá Phúc tham gia chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 rồi sang Úc lãnh đạo một tổ chức chống đối. Được về thăm quê hương, ông Phúc đã thay đổi, tích cực đóng góp cho đất nước, tham gia Ủy ban Trung ương MTTQVN. Hiện nay, ông Phúc là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc.       

Theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, những ngày cuối năm Giáp Ngọ, sân bay đón từ 23 đến 24 nghìn lượt khách quốc tế đến TPHCM, trong đó gần 70% là kiều bào về nước đón Tết. Còn theo NVNONN, năm nay, dự kiến cả nước sẽ đón trên một triệu bà con về quê. Trong hai ngày 7 và 8/2, Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Xuân quê hương năm 2015” tại TPHCM dành cho kiều bào nhân kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

Trong năm 2014, Việt Nam đã thông qua hàng loạt chính sách, đáp ứng được nguyện vọng của số đông kiều bào, như thông qua Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, hủy bỏ quy định về thủ tục, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch. Những người đã nhập quốc tịch khác có quyền được giữ lại quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, Luật Nhà ở sửa đổi cho phép kiều bào nhập cảnh về nước được sở hữu nhà kèm quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế số lượng, loại nhà ở. Luật Kinh doanh xem người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư như doanh nghiệp (DN) trong nước.

Được biết, kiều hối hằng năm tăng khoảng 10% và trong năm 2014 dự kiến đạt khoảng 12 tỷ USD. Từ chỗ kiều hối trước đây được gửi về nước giúp đỡ thân nhân, nay kiều hối đã chuyển sang góp vốn kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết, tính đến tháng 9/2014, cả nước có 2.464 DN do người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 41.571 tỷ đồng, hoạt động tại 52/63 tỉnh, thành. Đặc biệt, Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang tiếp tục thu hút nhiều kiều bào đầu tư. Kiều bào đầu tư về nước chủ yếu đang định cư tại Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp,… 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG