Kiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn

Kiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn
TP - Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sỹ Đào Thế Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam xung quanh câu chuyện làm sao quản lý được diện tích đất trồng lúa hiện nay.

Giáo sư Đào Thế Tuấn cho rằng: Phải có một hệ thống quản lý chung, nhưng cần xác định rõ Bộ TN&MT hay Bộ NN&PTNT quản lý.

Vậy theo Giáo sư nên giao cho bộ nào quản lý?

Hôm trước, tại một cuộc họp ở Bộ NN&PTNT, tôi có nói: “Bộ NN&PTNT bây giờ chẳng có quyền gì cả. Đất thì do Bộ TN&MT quản lý, lao động do Bộ LĐ - TB&XH quản lý. Bộ NN&PTNT đứng ra tổ chức sản xuất nông nghiệp nhưng lại không có quyền.

Ngày trước khi tôi còn làm việc thì Bộ Nông nghiệp có Vụ Quản lý Ruộng đất và Vụ Lao động. Bây giờ Bộ NN&PTNT như tôi hình dung là một anh đầu bếp không được đi chợ, người ta mua về thứ gì thì anh phải dùng thứ ấy, mà còn bắt nấu được bữa ăn ngon. Thế thì sao mà làm được.

Kiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn ảnh 1
Nông dân Chương Mỹ, Hà Tây đang lo mất ruộng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo Giáo sư, những đề xuất trong dự thảo nghị định mà Bộ NN&PTNT đưa ra lấy ý kiến có khả thi?

Vấn đề đất lúa rất phức tạp. Tỉnh Thái Bình là địa phương thâm canh nông nghiệp cao, nhưng hiện nay đàn ông thì đi hết, giao ruộng cho phụ nữ và người già. Mấy bà nói với tôi rằng, tiền thuê lao động làm lúa còn nhiều hơn tiền bán lúa vì công lao động đắt đỏ. Như vậy, không có lao động thì lấy ai làm lúa?

Ở Nhật Bản, người ta bỏ nông nghiệp nhưng nghề trồng lúa vẫn phát triển do chính phủ mua gạo của nông dân với giá gấp năm lần giá thị trường thế giới. Như vậy là người ta bảo vệ sản phẩm chứ có phải bảo vệ đất đâu. Nhờ bảo vệ sản phẩm cho nên đất lúa được bảo vệ.

Kiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn ảnh 2Trung Quốc kết luận, nếu anh quản lý ruộng đất tốt thì sẽ thừa đất. Vì dân đô thị cần diện tích nhà ở chỉ bằng một phần mười nông thôn. 

Trung Quốc xây nhà chung cư ngay ở nông thôn đem căn hộ đổi lấy đất của nông dân để đưa vào sản xuất nông nghiệp tập trung. Như vậy, đô thị hóa nông thôn của họ là tăng thêm ruộng đất chứ không phải mất ruộng đất như ở taKiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn ảnh 3 - GS - Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Quản lý không có nghĩa là cứ chăm chăm nhìn vào đối tượng cần hướng tới. Vấn đề quản lý lao động ảnh hưởng đến đất, quản lý sản phẩm cũng ảnh hưởng đến đất. Vấn đề chính không phải là ruộng đất mà cùng với đó phải là lao động, thu nhập của nông dân.

Giáo sư từng nói, dù có trở thành nước công nghiệp thì Việt Nam vẫn còn phần lớn lao động nông nghiệp. Vậy số lao động này sẽ đi đâu?

Chuyện lao động thừa là một hiện tượng phổ biến. Những nước phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm 2- 5 phần trăm GDP thì lao động nông nghiệp cũng chỉ chiếm từng ấy phần trăm trong cơ cấu lao động.

Còn theo mô hình tôi xây dựng, năm 2020, nông nghiệp Việt Nam chiếm 10 phần trăm GDP, nhưng lao động nông nghiệp thì vẫn còn 41 phần trăm và lao động sống ở nông thôn còn 57 phần trăm. Điều này chứng tỏ, tình trạng lao động thừa trong nông nghiệp không thể giải quyết ngay được khi đất nước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Chính phủ chủ trương mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn để chuyển ra thành thị. Nhưng chuyển ra để làm gì trong lúc thành thị đã thừa lao động?

Tất cả số lao động thừa này cuối cùng nông thôn phải gánh, mặc dù nó là kết quả của cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Lao động thừa tích lũy ở nông thôn, khiến năng suất lao động không thể tăng được, kéo theo thu nhập không tăng.

Như vậy vấn đề là phải giải quyết trong một bài toán tổng thể, thưa Giáo sư?

Ở Pháp, có luật cấm bán đất nông nghiệp cho tư nhân, phải bán cho Cty quản lý đất và cơ sở nông thôn (liên doanh giữa chính phủ và nông dân), sau đó Cty sẽ cải tạo lại, chia lô và phát không hoặc bán lại với giá ưu đãi cho những người cần ruộng. Điều kiện được mua ruộng là phải tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp và sử dụng đất đúng mục đích.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này, nhưng tôi nói mãi không ai nghe cả.

Pháp là một trong bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới nhưng nông nghiệp cũng đứng thứ nhì thế giới. Nhờ biện pháp như vậy, họ mới bảo vệ được ruộng đất. Còn kiểu quản lý của chúng ta như hiện nay không ổn.

Kiểu quản lý đất trồng lúa hiện nay không ổn ảnh 4
Diện tích trồng lúa ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị thu hẹp đáng kể. Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo Giáo sư, Bộ NN&PTNT phải được trao thêm quyền gì để có thể bảo vệ được đất trồng lúa?

Tôi cho rằng giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT có những chồng chéo. Đất đai là do Bộ TN&MT quản lý hết. Nguồn lực chính để làm nông nghiệp là đất đai thì Bộ NN&PTNT lại không được quản lý. Trong khi có những việc, Bộ NN&PTNT được giao lại không phải của mình. Chẳng hạn, phòng chống thiên tai, bão lụt là nhiệm vụ của Bộ TN&MT chứ. Có phải mình nông dân chịu lũ lụt đâu?

Quy định hiện hành yêu cầu, trước khi chuyển đổi đất lúa, địa phương phải xin ý kiến thẩm định của Bộ NN&PTNT. Nhưng thực tế các địa phương đều bỏ qua khâu này, Giáo sư nghĩ sao?

Vâng. Vì các địa phương có trực thuộc hay phụ thuộc gì Bộ NN&PTNT đâu. Vai trò của bộ quản lý ngành rất yếu. Trong khi, các địa phương họ không nhìn vấn đề nông nghiệp trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

Cám ơn giáo sư.

Sản lượng lương thực năm 2009: Có thể đạt mức kỷ lục 39 triệu tấn lúa

Trao đổi với Tiền Phong chiều 7/7, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc cho biết, năm nay sản lượng lúa cả nước có thể đạt 39 triệu tấn, vượt mức kỷ lục 38,6 triệu tấn đạt được năm 2008.

Mức kỷ lục mới này do vụ đông xuân - vụ có sản lượng lúa lớn nhất trong năm đã thắng lợi. Vụ hè thu ở miền Nam đang thu hoạch cũng được mùa, khả năng đạt từ 8- 8,5 triệu tấn lúa. Nếu vụ mùa miền Bắc không bị bão lụt thì có khả năng đạt từ 5- 6 triệu tấn lúa.

Với tổng sản lượng 39 triệu tấn thì số lúa hàng hóa lên đến hơn 10 triệu tấn, đồng nghĩa có thể xuất khẩu 5,5- 6 triệu tấn gạo. Cộng thêm lượng gạo từ năm 2008 chuyển sang là một triệu tấn, nên khả năng Việt Nam xuất khẩu sáu triệu tấn gạo là trong tầm tay.

Hà Nhân
Thực hiện

MỚI - NÓNG