Kim Sơn, những cái chết vàng

Kim Sơn, những cái chết vàng
TP - Nơi nào có dân Kim Sơn là nơi ấy có vàng - Nơi nào có vàng là có dân Kim Sơn. Những lúc cao điểm, mảnh đất của Ninh Bình có thờ đá Phát Diệm nổi tiếng có tới hàng trăm đội thợ chuyên tìm vàng toả đi khắp xứ Đông Dương.
Kim Sơn, những cái chết vàng ảnh 1
Hố đào vàng của dân Kim Sơn

Hỉ, nộ, ái, ố... xung quanh những hạt vàng là cả một câu chuyện dài... Giàu có đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhan nhản những cái chết vì vàng.

Hồi ức về những mùa vàng

Mảnh đất Kim Sơn trước vốn là biển. Nó được khai sinh ra bởi một nhân sĩ rách giời rơi xuống, ngông nghênh vào dạng nhất Việt Nam: Cụ Nguyễn Công Trứ. Sau khi khai sinh ra mảnh đất mới này, có lẽ để thêm phần ấn tượng, cụ Trứ nhà ta lại đưa quân khởi nghĩa chống triều đình của ông Phan Bá Vành - tục gọi là Ba Vành (tất nhiên lúc này đã là tù binh) về đây cư ngụ. Nói thế để biết dân vùng này toàn thị là những tay cương cường, coi trời như trôn bát vỡ, coi sự chặt đầu chẳng qua là bị vết sẹo bằng bàn tay.  Cái tính cách ấy nó phù hợp lắm lắm cho việc đi tìm các kho báu dưới lòng đất.

Dân làm vàng Kim Sơn tập trung vào hai xã: Kim Định, Ân Hoà. Không biết ai là người phát minh ra chuyện đào vàng đầu tiên, người xã Kim Định bảo mình nghĩ ra trước, dân xã Ân Hoà thì bảo: "Chúng tớ làm vàng mòn đít quần thì quân bên Kim Định mới đi học mót", nhưng tóm lại hai xã này vào thời kì cao điểm thập kỉ tám - chín mươi của thế kỷ trước vắng hẳn bóng người. Thanh niên lên đường đã đành, trẻ con có thể cầm được cái đũa ghế cơm cũng có mặt trên các vùng vàng. Có những đám ma còn thiếu cả người khiêng quan tài. Thầy giáo Lê Quang Hà, giáo viên trường THCS Ân Hoà nhớ lại: "Hồi ấy, trẻ con độ tuổi chúng tôi ở nhà rất ít. Khi tôi học lớp 9 là năm 1993, cả xã chỉ có hơn chục người cùng khoá học, không đủ để thành một lớp, chúng tôi phải đi học nhờ ở xã khác".

Thường thì hồi ấy các đội vàng kết cấu theo kiểu thị tộc, cả đại gia đình kéo nhau đi, anh em vợ chồng, con cái đều có mặt trong đội hình, lên đến bãi vàng thì ai vào việc ấy. Đất đồi rừng bao la, cứ việc quây rào, làm lán trại mà ở, đàn bà, con trẻ thì vỡ đất trồng ngô khoai, chăn gà lợn, đàn ông khoẻ mạnh tìm mạch đào đãi vàng. Có khi vài năm mới về quê, lúc về thì hoặc sạt nghiệp hoặc túi đầy tú hụ. Địa bàn cũng được mở rộng dần dần, thoạt tiên chỉ là vài nơi miền núi phía Bắc. Những bãi vàng khét tiếng ngoài Bắc như Na Rì, Bản Lá, Minh Lương... đều có "công" khai sinh của dân Kim Sơn. Sau đấy, họ dần tiến về phía Nam, vào Nghệ An, xứ Quảng, rồi sang Lào, Campuchia. Ngoài vàng, dân Kim Sơn còn lấn sân sang làm đá đỏ, dấu chân của họ dẫm mòn vùng đá đỏ lừng danh Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Lục Yên. Xin cam đoan một điều rằng, bản đồ các vùng vàng trên dải đất hình chữ S được dân Kim Sơn nắm vững nhất, đơn giản vì chính họ đã vẽ ra nó.

Sau bao nhiêu năm bị kiềm toả, đến thời kỳ đổi mới kinh tế, những hạt vàng mới bắt đầu lấy lại sức mạnh vốn có. Để có được vàng người ta không đơn thuần chỉ đổ mồ hôi nữa mà phải đổ cả máu. Không còn đất cho đàn bà, trẻ con ở các bãi vàng nữa. Nhưng lúc ấy, Kim Sơn đã kịp hình thành cho mình một lớp thợ vàng chuyên nghiệp.

Sau bao năm lăn lộn, thợ vàng Kim Sơn đã có đẳng cấp cao hơn cả so với đám thợ của các địa phương khác. Rất nhiều đòn thế ranh ma, lọc lõi được phát minh nhưng có một tuyệt chiêu mà hiện nay đến các bãi vàng vẫn thấy nhiều đội học mót của dân Kim Sơn, đó là kiểu mai phục, trường kì kháng chiến. Khi đến các bãi vàng thì không mang vác gồng gánh lỉnh kỉnh như các đội khác, các bưởng cùng quân ở đây chỉ hai tay chắp đít. Lúc nào cần gạo thì có gạo, lúc nào cần dầu thì có dầu, cần dụng cụ, máy móc thì cũng có ngay như thể họ moi dưới đất lên vậy. Mà đúng là họ moi dưới đất lên thật. Trước đó, những thứ này đã được họ bí mật chôn sẵn ở đây. Nhiều ít thế nào không ai biết, vì thế chẳng bao giờ họ sợ bị cướp bóc hay bị các đội vàng khác bắt chẹt hoặc phải bỏ về nửa chừng vì thiếu thốn. Khi nào có động, bị truy quét chỉ việc rút người không ra, hết đợt lại lững thững vào moi đất lên lấy lương thực, lấy đồ đạc mà làm tiếp. Vì trò này mà họ có thể làm vàng ở những nơi mà lực lượng chức năng làm rát nhất.

Do thế, rất hiếm khi họ đi làm thuê cho ai. Cứ vài ba anh em là được một "bộ khung lãnh đạo" vừa bưởng, vừa "lái xe" còn quân đi làm thì tuyển chọn ở các vùng khác. Mỗi đợt ra quân là người xứ khác nườm nượp như trảy hội về Kim Định, Ân Hoà để chờ ngày xuất quân. Ông Dương Văn Hữu, người nhiều năm lái xe chở các đội thợ đi khắp các vùng làm vàng vẫn còn nhớ: "Năm nào cũng phải vài xe đầy. Có lần chiếc xe Zin 130 của tôi phải chở đến 140 người, đông đặc như một tổ ong. Mỗi lần xuất quân là thợ làm vàng đứng xếp hàng kín cả sân kho".

Một lý do nữa để cho người xứ khác tín nhiệm các bưởng vàng Kim Sơn là sự đàng hoàng, chững chạc. Không bao giờ có chuyện bán thợ cho các đội vàng khác, được ít thì ăn ít, không để anh em phải khổ. Mang người đi làm rồi hết mùa lại mang người về địa phương trả đầy đủ (tất nhiên bị sập hầm, rắn cắn... thì là lý do bất khả kháng!). Một số bưởng vàng tính cẩn thận còn có quy định bao giờ về nhà thì mới trả lương hoặc chắc ăn hơn là trả lương cho người nhà ở quê theo hàng tháng. Tại các bãi vàng, nếu không có tiền lận túi thì cũng đỡ sa đà vào tệ nạn, các gia đình ở quê có thể yên tâm về con cái mình hơn.

Nhưng bên cạnh những hạt vàng mà dân Kim Sơn mang về còn có bao thứ tai ương khác.

Được vàng thì lụn

Dù phải nói muôn lần lời xin lỗi đến các gia đình đang khổ đau vì vàng tại Kim Sơn nhưng tôi cũng không thể không dùng hai từ "tàn tạ" khi nói về những hệ lụy của việc đi đào vàng ở nơi đây. Qua hai xã Kim Định, Ân Hoà, thấy thoáng chút ngạc nhiên vì phòng làm việc của CA xã nào cũng đông bóng sắc phục. Ông Vũ Quốc Thái, Trưởng CA xã Ân Hoà cho biết: Đó là thói quen từ trước.

Bây giờ tuy đã tạm yên nhưng trước đây, mỗi dịp Tết về, hay mùa mưa, các đội vàng kéo về quê, lực lượng CA xã như ngồi trên đống lửa. Cả xã có 14 thôn, 14 công an viên nhưng trụ sở lúc nào cũng phải huy động 7 đồng chí công an viên trực chiến.  Thôi thì đủ kiểu: ma túy, trộm cắp, đánh nhau, chuyện các đối tượng lận vũ khí nóng mang từ các bãi vàng về là chuyện mặc nhiên. Tìm hiểu thì mới thấy thật oan ức cho lực lượng an ninh địa phương. Trong công tác giữ gìn an ninh cơ sở việc giáo dục và phòng chống được đặt ngang nhau nhưng nhiều vị thanh niên ở đây đã được các bãi vàng "giáo dục" kỹ lắm rồi, công an xã chỉ việc trần lưng ra mà phòng chống là đủ bộ. Oan mà không kêu được. Nhưng đến lúc phải đối mặt với những người không còn đủ sức quậy phá thì lại ngậm ngùi xót xa...

Những người dính nghiện vì vàng riêng ở Ân Hoà đã gần trăm người. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, số đội vàng tại Kim Định, Ân Hoà đột ngột giảm hẳn, chỉ còn trên dưới chục đội. Hỏi lý do về sự "sụt giảm" bất thường này thì câu trả lời của các cán bộ xã bất giác làm tôi lạnh gáy: Vì chết vãn mất rồi.

Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, số đội vàng tại Kim Định, Ân Hoà đột ngột giảm hẳn, chỉ còn trên dưới chục đội. Hỏi lý do về sự "sụt giảm" bất thường này thì câu trả lời của các cán bộ xã bất giác làm tôi lạnh gáy: Vì chết vãn mất rồi.

Bị chết vãn không phải bởi sốt rét rừng, không phải bởi sập hầm, rắn cắn mà bởi vì ... vàng. Khởi nguồn cho chuyện chết người này là những vùng miền núi phía Bắc, nơi có các bãi vàng đầu tiên cũng là nơi những nương anh túc tím lịm sắc hoa chết người (sao hai thứ ấy lại hợp với nhau đến thế). Chuyện kiếm chút ít thuốc phiện không khó, mà hễ ai dùng cũng đều có lý do chính đáng, đàng hoàng: cho đỡ nhớ nhà, để chữa  bệnh, để cho vui... vv và vv lại tiện thêm là trong túi sẵn tiền từ vàng. Sang đến thập kỉ 90, các nương thuốc phiện bị phá bỏ hàng loạt lại có phong trào chuyển sang hít heroin cho gọn, cho đúng mốt tư bản. Thuốc đắt lên, trước thì "Đãi cố thêm một máng vàng thì chơi tẹt ga" nay có đãi cố hàng chục máng cũng chẳng bõ tráng phổi thì chuyển sang chích. Mà bãi vàng đâu có phải là trạm y tế, nơi người ta phát không xi lanh dùng một lần, lại phải "chơi" chung xi lanh, căn bệnh thế kỉ thoải mái mà lây lan. Con đường Vàng - Nghiện - AIDS là con đường tất yếu.

Xóm 8 (còn gọi là Duy Hoà) - xã Ân Hoà nằm dọc theo con mương nước trong vắt. Căn nhà nhỏ có chiếc cổng tre là nơi tôi ngại đến nhất trong cả cuộc hành trình, đây là gia đình mà 4 người đàn ông (ba con trai và một con rể) đã mất vì căn bệnh mang từ bãi vàng trở về. May mắn là ngay từ đầu cổng một cô bé khoảng 7 tuổi đã hớn hở kéo tôi vào sân, sau này tôi mới biết cháu là Trần Thị Nga mà bố nó là 1 trong 4 người xấu số kia, cháu bị thiểu năng trí tuệ.

Ngồi với chúng tôi, hai ông bà Chu Văn Tuyết - Trần Thị Gấm chỉ đăm đăm nhìn lên bàn thờ, trên đó là ảnh những người đàn ông đang thản nhiên sau làn khói hương. Nhà ông bà có ba trai, một gái, ba con trai lần lượt là Hải, Hạnh, Thạnh, con rể là Minh. Những con người coi thường sập hầm, sốt rét rừng, coi thường gian nguy lại gục ngã vì ma tuý và sau đó là HIV/AIDS. Đau đớn dồn dập vì chỉ trong thời gian chưa đầy năm (2004 sang 2005) cả bốn người lần lượt qua đời để lại hai ông bà già và đứa cháu nhỏ ngây ngô. Đại gia đình đông đúc ngày nào giờ vắng hoe. Hai ông bà trước sau chỉ lo cho cô cháu ngoại ngây dại, sợ khi mình về già không có ai bảo bọc cháu. Chuyện ấy rồi sẽ phải xảy ra. Giấc mộng vàng giờ đã thành cơn ác mộng mà chắc chắn là sẽ kéo dài lắm.

Riêng dải đất này, cũng vào thời gian mà các con ông bà Tuyết - Gấm qua đời còn có 19 thanh niên nữa chết vì một lý do tương tự (vàng - nghiện - AIDS). Xóm Duy Hoà chỉ ngót trăm hộ mà có tới 23 người chết trong vòng 1 năm, thật chẳng phải hình dung thêm gì nữa về sự khủng khiếp mà việc tìm vàng mang đến cho dải đất này. Con số ấy của cả xã được ông trưởng CA thông báo là 54 người (cũng vẫn vàng - nghiện - AIDS) và hiện tại cũng còn 9 trường hợp đang điều trị căn bệnh này, đều là dân làm vàng cả. Cầu mong cho y học phát triển để trong vài năm tới con số 54 ấy vẫn giữ nguyên. Cũng bởi chết quá nhiều nên những đối tượng sử dụng ma tuý nằm trong diện quản lý của xã chỉ còn là con số 7. Lý do cho sự ít ỏi này cũng đầy cay đắng như lý do sụt giảm quân số của các đội vàng: Chết vãn hết rồi!

Có lẽ nhiều năm nữa, chuyện đi tìm vàng vẫn là một kỉ niệm buồn của Kim Sơn. Mới thấy câu của tiền nhân "Được vàng thì lụn" không phải là một câu thành ngữ mê tín dị đoan.

MỚI - NÓNG